Lan Ngọc: 'Ngày xưa như Đàm Vĩnh Hưng chỉ hát đám cưới'

Theo nữ danh ca, ngày xưa với giọng như Mr Đàm hay những ca sĩ nổi tiếng khác hiện nay chỉ hát đám cưới hay hát mấy chỗ nhỏ nhỏ.

Theo nữ danh ca, ngày xưa với giọng như Mr Đàm hay những ca sĩ nổi tiếng khác hiện nay chỉ hát đám cưới hay hát mấy chỗ nhỏ nhỏ.

Theo dõi bài phỏng vấn dậy sóng làng nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh và phản pháo của Đàm Vĩnh Hưng trên báo, danh ca Lan Ngọc quyết định lên tiếng để góp một tiếng nói khách quan, trung thực về giới nghệ sĩ và đời sống âm nhạc hiện nay.

Danh ca Lan Ngọc không muốn gọi là danh ca mà muốn gọi là ca sĩ một cách bình thường dù bà là ca sĩ rất nổi tiếng Sài Gòn trước 1975, được đánh giá là "thanh sắc vẹn toàn". Ở tuổi gần 60 với hơn 40 năm tuổi nghề, bà vẫn đi hát và theo dõi đời sống âm nhạc Việt hiện nay.

Danh ca Lan Ngọc.

"Theo tôi thấy, những lời nói của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là chính xác, không có gì là sai hết. Một người nhạc sĩ chân chính, biết sáng tác, có bề dày về trình độ hiểu biết âm nhạc như ông đã dám nói thẳng không ngại đụng chạm.

Nhiều người cũng biết vậy nhưng họ ngại nói vì sợ đụng chạm. Dĩ nhiên sự thật mất lòng, ai cũng thích người ta khen, không thích bị chê. Cái chê của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng không có gì là ghê gớm, đó là sự thật. Nói thẳng ra, ông Nguyễn Ánh 9 chỉ nói về một số cái tên lớn, nhiều người khác tôi cũng thấy họ hát không chấp nhận được.

Với tôi, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là người anh, người thầy từng tập bài hát cho tôi, Khánh Ly, Hồng Vân… ngày xưa. Ông có tính tình hiền lành. Giờ ông ấy già bị Đàm Vĩnh Hưng nói vậy, thành ra ông đang rất đau buồn lúc này dù nói sự thật.

Tôi không có ác cảm gì, cũng quý Đàm Vĩnh Hưng nhưng cậu ấy tính bốc đồng, thích nói gì thì nói, không nghĩ đến hậu quả của lời nói. Ai góp ý mình nên nghe, giá Mr Đàm biết nghe thôi, đừng nói gì nữa.

Một người bé là Đàm Vĩnh Hưng phản ứng với một nhạc sĩ lão làng như ông Nguyễn Ánh 9, bảo ông ấy là ngụy quân tử, kịch sĩ, đeo mặt nạ… như thế là không được. Với người lớn, bậc cha chú như thế, dù đúng hay sai mà nói như vậy đều là hỗn.

Đàm Vĩnh Hưng là nghệ sĩ nổi tiếng, được tổ đãi đi hát kiếm ra tiền. Nếu xét về nghệ thuật, cách hát của cậu ấy, những người làm nghệ thuật họ không chấp nhận nhưng hát như vậy vẫn có khán giả xem, hâm mộ nhiều như vậy là trời cho, đâu cần phản ứng vậy?

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Đàm Vĩnh Hưng đang ở tuốt trên cao nhưng ông ấy cho xuống dưới thành ra tự ái nổi lên. Nếu có trình độ nên im lặng, không nói gì hết, phải nghĩ 'bố Ánh có nhận xét vậy cũng kệ, con vẫn đi hát, con vẫn kiếm tiền được nhiều, con vẫn có nhiều người hâm mộ…' thì nó đẹp hơn những lời nói nặng nề như vậy.

Tôi thấy, mỗi người có một tính, phản ứng khác nhau. Tôi chưa biết những ca sĩ sau này có phản ứng như Đàm Vĩnh Hưng hay hơn nữa không, tùy theo trình độ văn hóa của họ nhưng tôi nghĩ không nên. Nếu tôi là Đàm, tôi không nói gì hết, có tức quá tới nhà mời 'Bố Chín' đi uống cà phê, tâm sự 'Bố ơi, con rất thương bố và bố cũng rất thương con mà sao bố nói con nặng thế, rớt xuống hạng C luôn', ông ấy chắc cũng nói 'thôi thì bố nhận xét lỡ lời'.

"Đàm Vĩnh Hưng hãy còn trẻ, còn non, hiếu thắng lắm!', danh ca Lan Ngọc .

Là người ngoài cuộc nhưng tôi thấy rất buồn. Giờ Đàm Vĩnh Hưng muốn nói gì thì nói khi nóng lên, nhưng có thể một tuần, một tháng sau, cậu ấy nghĩ lại mới nhận ra. Có thể bây giờ cậu ấy chưa hối hận nhưng 10 năm sau, khi qua tuổi bồng bột, lớn rồi mới học hỏi được nhiều. Bây giờ, coi vậy chứ Hưng còn trẻ, còn non, hiếu thắng lắm.

Tôi nói thật, với những ca sĩ trẻ bây giờ, nếu như họ ở ngày xưa không thể nào 'hot' được. Nhiều ca sĩ giờ 'hot' lắm nhưng tôi nghe không được, chất giọng không có, chỉ được cái nhảy, đẹp, trẻ.

Ngày xưa, nói thẳng không phải chỉ Đàm Vĩnh Hưng mà những giọng nổi tiếng khác nữa chỉ hát đám cưới hay hát mấy chỗ nhỏ nhỏ. Hưng không xấu trai, ăn mặc cũng được nhưng đôi khi quá lố. Về giọng, cậu ấy chưa phải là gì ghê gớm, nhưng cũng có giọng lạ. Ca sĩ mỗi người mỗi giọng, dở nhưng cũng có người thích ăn đồ dở, đó là chuyện bình thường.

Trước đây thế hệ chúng tôi, những nghệ sĩ không bao giờ phản ứng như vậy vì rất có tôn ti trật tự. Một người ca sĩ đàn chị đi trước dù không có tên tuổi nhưng những ca sĩ đi sau nổi tiếng hơn vẫn phải chào đàng hoàng khi gặp.

"Người nhạc sĩ đưa xúc cảm thật vào bài hát và người ca sĩ truyền tải lại lần 2 và mới đến khán giả", danh ca Lan Ngọc.

Bây giờ, nhiều ca sĩ trẻ đôi khi không có văn hóa dù họ được cắp sách đến trường. Thành ra, gặp tôi họ cũng giương cặp mắt lên dòm. Ví dụ họ quá nhỏ không biết tôi là ai cũng phải biết chào, không lẽ tôi lớn tuổi thế này phải chào trước?

Ca sĩ trẻ nhiều người được cha mẹ, thầy cô dạy dỗ nhưng không tiếp thu. Ngày xưa, nghệ sĩ có trật tự đâu ra đó. Ca sĩ gặp nhạc sĩ, nhạc công khi chưa lên sân khấu hát cũng phải chào thưa chú, thưa anh và lên hát xong, giới thiệu người khác cũng phải chào chú, chào anh rồi đi, không phải hát xong là xách chiếc bóp nghênh mặt lên đi luôn không biết thiên hạ xung quanh là ai như một số ca sĩ trẻ giờ.

Nhận xét thẳng thắn của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đáng để những người làm âm nhạc suy nghĩ lại. Làm nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ bây giờ hát dễ dãi quá. Hãy so sánh những nhạc sĩ sáng tác ngày xưa và nhạc sĩ bây giờ.

Ngày xưa, người nhạc sĩ tâm huyết sáng tác bằng cảm xúc thật, thành ra âm nhạc của họ đi vào lòng người. Những ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng từ trước 1975 như Đoàn Chuẩn, Từ Linh, Văn Cao, Doãn Mẫn, Đỗ Nhuận, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng… người ta vẫn hát tới giờ. Sau 1975, những ca khúc của nhiều nhạc sĩ cũng đi vào lòng người ta, để đời đến giờ và trăm năm sau vẫn tồn tại.

Bây giờ, có nhiều bài hát nổi lên vài năm sau đó im ắng, nhiều bài không có gì hay mà đứng đầu bảng này bảng kia. Các nhạc sĩ trẻ hiện nay phải nhìn lại mình khi sáng tác những bài tầm bậy tầm bạ. Họ sáng tác lời ngô nghê, ngốc nghếch mà cũng lăng xê lên. Bây giờ, đa số họ sáng tác theo đơn đặt hàng kiếm tiền, không phải bằng xúc cảm trong người như những nhạc sĩ ngày xưa nên dĩ nhiên là những bài tồi.

Từ khâu sáng tác, nhiều bài giờ nghe rất rẻ tiền, sân khấu bày lên như ngoài vỉa hè với đủ trà đá, sữa chanh, hút thuốc lá… đâu cần vậy? Nhiều bài hát giờ nhí nhố, tựa đề gây sốc, đó không phải là nghệ thuật. Đúng ra, Nhà nước phải không cho phát hành những bài như vậy để đám con nít nghe bị nhiễm tầm bậy tầm bạ.

Cách đây vài năm, ca sĩ toàn hát lipsync (hát nhép - PV) và chỉ đứng nhảy nhảy. Còn giới nghệ sĩ như lớp chúng tôi, hát không bao giờ lipsync, hát thật và bằng giọng trời cho, nội tâm theo bài hát của nhạc sĩ. Người nhạc sĩ đưa xúc cảm thật vào bài hát và người ca sĩ truyền tải lại lần 2 và mới đến khán giả.

Ca sĩ bây giờ nhờ nhiều công nghệ thu âm, hát chưa được một câu lại phải dừng để sửa chứ không như ngày trước. Trước chúng tôi hát, chỉ cần nhạc công đánh non một nốt hay ca sĩ hát sai một nốt là phải hát từ đầu đến cuối để thu lại. Vì vậy, ca sĩ phải hát tốt. Bây giờ như vậy, các ca sĩ không hát được đâu.

Nói thẳng ra, Thanh Lam giọng tốt và nhiều ca sĩ ngoài Bắc giọng hát tốt vì họ phát âm không sai, không bị đớt nhưng nhiều khi không hiểu sao họ lên hát lại làm quá lố. Chẳng hạn như bài hát Phôi pha của Trịnh Công Sơn, ca sĩ hát bình thường cũng rất hay, đâu cần ngồi bệt xuống sân khấu mà hát như người lên đồng, không phải ấn tượng bằng cách này cách kia mà hãy bằng giọng hát riêng. Thành ra, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói vậy cũng đúng, lo về kỹ thuật quá làm bài hát không còn xúc cảm nhưng báo chí cứ đăng lên họ là diva nên mới vậy.

Diva của nước ngoài họ giỏi kinh khủng lắm, nhưng đếm trên đầu ngón tay, họ cũng chỉ có vài diva. Còn Việt Nam thì diva, danh ca, ông hoàng, nữ hoàng, bà chúa… nhiều. Nếu một ca sĩ chân chính, dù xứng được như vậy cũng phải sợ những từ “đao to búa lớn” thế lắm. Mình cứ hát thực bằng trái tim, bằng giọng hát thật khiến khán giả nghe phải rung động. Đó mới là một người ca sĩ đích thực. Bây giờ mặc hở hang, đưa cái này cái kia lên rồi được báo chí lăng xê là nổi tiếng.

Tôi nói xin lỗi, bây giờ có tiền cũng nổi tiếng, mời nhà báo này nhà báo nọ tới nhà hàng ăn uống rồi đưa phong bì là được lên báo. Báo chí thổi phồng, đưa lên quá cộng thêm người hâm mộ cuồng làm người nghệ sĩ ngộ nhận tưởng là mình hát hay quá.

Trong âm nhạc và nghệ thuật nói chung bây giờ, rất thiếu những nhà phê bình. Có thể họ chán nản, buồn bã không muốn nói tới nữa. Nhiều khi, những ông nhạc sĩ có phê bình nhưng chỉ ngồi nói với nhau vì họ không muốn mích lòng, động chạm người khác như ông nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 giờ vậy.

Theo VTC News


Bình luận