Virus tử thần MERS-CoV nguy hiểm như thế nào?

Loại virus này được các bác sĩ cảnh báo nguy hiểm như SARS.

Loại virus này được các bác sĩ cảnh báo nguy hiểm như SARS. Do chưa có cách điều trị cụ thể, bạn cần biết một số nguyên tắc cơ bản để hạn chế rủi ro.

MERS-CoV là gì?

Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông hay còn gọi là MERS (Middle East Respiratory Syndrome) là bệnh gây ra bởi corona, cùng họ với virus đã gây ra bệnh SARS vào năm 2003. Mức độ lây lan của MERS không như SARS nhưng độ nguy hiểm không kém, tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 40%.

Hầu hết trường hợp mắc bệnh đều xuất phát từ các nước gần hoặc trong bán đảo Ả Rập. Tên gọi hội chứng hô hấp vùng Trung Đông có nguồn gốc từ nguyên nhân này.

Bệnh MERS được ghi nhận lần đầu tại Ả Rập Saudi vào tháng 9/2012, nhưng sau đó các quan chức y tế xác định lại rằng vào tháng 4/2012 đã có người bị MERS tại Jordan. Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến cuối tháng 5/2015 đã có 1.154 trường hợp nhiễm MERS-CoV ở 26 quốc gia trên thế giới được ghi nhận, trong đó ít nhất 434 người đã tử vong.

Mới đây nhất, chỉ sau nửa tháng, số người nhiễm MERS ở Hàn Quốc đã lên tới 18 người. Trung Quốc cũng báo cáo có một trường hợp.
 
Sân bay Incheon đo thân nhiệt hành khách đến từ Trung Đông. Ảnh: BBC.
 
Tại Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nào nhưng ngày 2/6, Bộ Y tế đã họp khẩn với đại diện của WHO, FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc), CDC (Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) để tìm ra biện pháp ứng phó với căn bệnh nguy hiểm này.

Nguy cơ nhiễm bệnh

Bất kỳ người nào, từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi đều có thể mắc MERS. Căn bệnh này truyền nhiễm qua con đường tiếp xúc với dịch cơ thể, đường hô hấp của người bệnh. Ngoài ra, các loại thịt sống hoặc nấu chưa chín và sản phẩm từ sữa lạc đà chưa tiệt trùng là những nguồn lây truyền MERS tới con người.

Theo quan sát của các chuyên gia, người cao tuổi và bệnh nhân tiểu đường, tim, gan, thận, phổi, ung thư hay có hệ miễn dịch suy yếu đều có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn, hoặc bị nặng hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Biểu hiện ban đầu của bệnh MERS giống cúm như sốt, ho nhẹ. Bệnh tiến triển nặng hơn dẫn đến rối loạn hô hấp, khó thở. Một số người cũng có triệu chứng về tiêu hóa bao gồm tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Thậm chí, nhiều người mắc bệnh còn gặp các biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm phổi, suy thận.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị MERS

Hiện nay, các bác sĩ chưa có giải pháp đặc biệt hoặc vắc xin để phòng ngừa nhiễm MERS-CoV. Hơn nữa, họ cũng không có liệu pháp điều trị cụ thể cho bệnh nhân.

Người mắc bệnh có thể được chăm sóc y tế để giúp giảm bớt các triệu chứng. Đối với những trường hợp nặng, việc điều trị bao gồm chăm sóc để hỗ trợ các chức năng cơ quan trọng yếu.

Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ khuyến cáo mọi người tự bảo vệ mình khỏi căn bệnh này thông qua hoạt động phòng ngừa hàng ngày:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Có thể sử dụng chất rửa tay chứa cồn.

- Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, sau đó ném khăn giấy vào thùng rác.

- Tránh chạm vào mắt, mũi và miệng rửa tay.

- Tránh tiếp xúc cá nhân với người bị bệnh.

- Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường chạm như đồ chơi và tay nắm cửa.

- Những người chăm sóc bệnh nhân MERS cần vệ sinh tay thường xuyên và đeo mặt nạ khi tiếp xúc trực tiếp cho đến khi bệnh nhân phục hồi.

- Tránh tiêu thụ các sản phẩm sữa, thịt sống hoặc chưa nấu chín.

- Do virus gây bệnh được tìm thấy trong một số con lạc đà, nên cần thận trọng khi tiếp xúc với lạc đà.
 

Trước tình hình Hội chứng viêm đường hô hấp cấp do virus corona (MERS-CoV) xuất hiện ở Hàn Quốc và Trung Quốc, ngày 2/6 Bộ Y tế đã họp khẩn với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tìm biện pháp ứng phó.

Tại Việt Nam, các cơ sở y tế vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm virus MERS-CoV. Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dịch bệnh có thể xâm nhập và lây lan vào nước ta bất cứ lúc nào.

Từ đầu năm 2015 đến nay, tổng số người nhập cảnh Việt Nam từ chín quốc gia vùng dịch Trung Đông là trên 23.000 người (gần 5.000 người/tháng) qua cửa khẩu Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP HCM).

Vì vậy, để kiểm soát dịch, Bộ Y tế sẽ tăng cường các hoạt động giám sát và sẵn sàng đáp ứng khi có ca bệnh xâm nhập. 
 
Theo Zing


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.