Bệnh zona và viêm da tiếp xúc do côn trùng

Thời gian gần đây có rất nhiều người bị viêm da tiếp xúc do côn trùng nhưng lại tưởng nhầm là mình bị zona. Vậy, sự giống và khác nhau giữa 2 bệnh này là gì?

Tác nhân gây bệnh

Đối với bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng (VDTXCT), tác nhân gây bệnh chính là côn trùng, còn đối với bệnh zona, tác nhân gây bệnh là một loại virus có tên Varicella zoster (VZ). Bình thường, virus này "ngủ" trong cơ thể (cụ thể là trong hạch thần kinh cảm giác) những người đã từng mắc bệnh thủy đậu, đến khi gặp điều kiện thuận lợi như hệ miễn dịch bị suy giảm, nó "thức giấc" và gây ra bệnh zona.

Đối tượng mắc bệnh

Đối tượng của bệnh VDTXCT có thể là bất kỳ ai bị côn trùng bám bào da, bất kể tuổi tác, giới tính. Còn bệnh zona gặp nhiều hơn ở người lớn tuổi (70% người bị zona trên 50 tuổi) hoặc những người có hệ thống miễn dịch suy giảm do bệnh tật hoặc do sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như thuốc chống ung thư, thuốc chống thai ghép, corticoid... Bệnh gặp với tỷ lệ tương đối cao ở những người nhiễm HIV (25% người nhiễm HIV bị bệnh zona). Bệnh cũng gặp ở 5% trẻ dưới 15 tuổi. Thông thường, trong đời mỗi người chỉ bị bệnh zona một lần, dù có một số người bị tái phát, nhưng lại có thể bị VDTXCT nhiều lần.

Đặc tính bệnh

Zona có thể lây cho người khác qua các thương tổn da hoặc qua nước mũi. Bệnh VDTXCT không lây truyền từ người này qua người khác. Bệnh zona có thể gặp vào bất cứ thời điểm nào trong năm, còn bệnh VDTXCT thường nở rộ vào thời gian từ tháng 7 - 10 hàng năm là thời gian côn trùng (thuộc loại Peaderus) sinh sản.

Bệnh VDTXCT hầu như không gây ra các biên chứng về da (ngoại trừ bị bội nhiễm mưng mủ) cũng như cho các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh zona có thể gây ra các biến chứng như viêm não - màng não, viêm gan, thận, mù mắt... Bệnh VDTXCT không để lại di chứng đau mà chỉ để lại vết thâm sẽ mờ dần sau vài tuần, vài tháng, còn bệnh zona thường để lại di chứng đau được gọi là đau sau zona kéo dài từ 2 - 6 tháng, có khi tới 1 - 2 năm.

Biểu hiện bệnh

Biểu hiện của bệnh zona là sự xuất hiện thành dải các đám mụn nước, bọng nước ở một bên cơ thể tương ứng với hạch thần kinh cảm giác mà virus VZ khu trú. Mụn nước xuất hiện và tồn tại trong 3 - 5 ngày, vị trí có thể ở bất cứ vùng nào trên cơ thể: đầu, mặt, cổ, ngực, thắt lưng, niêm mạc... Kèm theo thương tổn da là cảm giác đau (đau dây thần kinh hoặc dị cảm xảy ra trước khi xuất hiện thương tổn 2 - 3 tuần). Đau trong giai đoạn này có thể nhầm với đau nửa đầu, thiên đầu thống, đau do bệnh lý tim, đau bụng ngoại khoa.

Biểu hiện của VDTXCT là đám phù nề đỏ trên da (thường là những vùng da hở, ở giữa là đám mụn nước, hóa mủ màu vàng đục. Nếu đám da viêm nhiễm có thể kèm theo khó chịu, sốt, nổi hạch vùng lân cận thương tổn da. Bệnh tiến triển trong 1 - 2 tuần, da đỡ đỏ, khô dần và bong vảy.

Theo TS. BS Nguyễn Duy Hưng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.