Bỗng dưng bị điếc!

Ông Trần Văn Tòng, cư ngụ tại P. Bình Trị Đông, Q. Bình Tân, TP. HCM, cho biết: "Tôi bị ngứa và ù tai nên mua thuốc polydexa về nhỏ. Tôi sử dụng chừng hơn một tháng thì không còn nghe được nữa".

Nhiều người khác cũng rơi vào tình trạng như ông Tòng sau một thời gian sử các loại thuốc nhỏ tai, nhỏ mũi. Ngoài ra, cũng có những người dùng thuốc trị lao, ho, sốt rét... tự dưng bị ù tai rồi điếc.

Vì sao thuốc polydexa lại gây điếc?

Trao đổi với phóng viên về những trường hợp này, bác sĩ Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh Viện Tai Mũi Họng TP. HCM, cho biết: "Bị điếc có nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có nguyên nhân dùng thuốc kháng sinh. Nhóm kháng sinh gây độc cho tai, có thể gây điếc là nhóm aminoglycoside. Nhóm này bao gồm các hoạt chất độc hại như: streptomycine, gentamycine, neomycine, kanamycine...".

Theo bác sĩ Võ Quang Phúc, thuốc nhỏ tai polydexa có chứa hoạt chất neomycine thuộc nhóm kháng sinh aminoglycoside, có khả năng gây điếc nếu sử dụng không đúng cách. Công dụng của thuốc polydexa là điều trị viêm tai ngoài màng nhĩ còn nguyên, đặc biệt là chàm bội nhiễm ở ống tai... Thuốc này chống chỉ định với trường hợp thủng màng nhĩ do nhiễm trùng hoặc do chấn thương. Neomycine độc hại khi dùng liều cao để bôi lên vết thương hoặc khi dùng bằng đường uống với liều cao để diệt khuẩn đường ruột, có thể dẫn đến bị điếc. Thời gian sử dụng thuốc được quy định không quá mười ngày.

Trong trường hợp của ông Tòng, có thể ông đã dùng thuốc khi màng tai bị trầy xước hoặc bị thủng màng nhĩ. Do đó, thuốc thấm qua máu, vào bộ phận thính giác ở tai trong, gây ù và điếc. Cũng có thể bệnh nhân bị điếc do dùng quá thời gian quy định của thuốc.

Một số loại thuốc khác có khả năng gây điếc

Rất nhiều loại kháng sinh có thể gây điếc vĩnh viễn khi dùng quá liều, điển hình là những loại thuốc dưới đây:

Otipax: Có tác dụng giảm đau tại chỗ và kháng viêm cho tai. Thuốc không được sử dụng trong trường hợp màng nhĩ bị thủng hoặc trầy xước. Khi màng nhĩ bị thủng, thuốc sẽ tiếp xúc với tai giữa, gây ra những tác dụng ngoài ý muốn. Năm 2004, tại tỉnh Bình Định, đã có một bệnh nhân nữ tâm thần do sử dụng otipax sai cách.

Quinine: Nếu sử dụng loại thuốc trị sốt rét này quá liều hoặc trong thời gian dài sẽ có dấu hiệu ù tai. Thậm chí, bệnh nhân có thể bị điếc, giảm thị lực, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau vùng thượng vị, nôn mửa, phát ban đỏ ở da, sốt, lú lẫn và co giật.

Aspirin: Là loại thuốc hạ nhiệt, giảm đau, chống viêm được sử dụng khá phổ biến. Aspirin có tác dụng rất tốt trong việc chặn đứng các cơn đau răng, đau cơ, đau thần kinh, thấp khớp. Ngày nay nó còn được dùng trong các trường hợp nhồi máu cơ tim, huyết khối. Loại thuốc này khi dùng với liều cao có thể gây ù tai, giảm thính lực, nhưng thường phục hồi sau khi ngừng thuốc.

Thuốc điều trị lao có chứa hoạt chất streptomycine cũng gây tổn thương cho bộ phận tiền đình, dẫn đến chóng mặt, mất cân bằng, khó di chuyển trong chỗ tối. Nếu bệnh nhân sử dụng 1g/ngày, sau 7-10 ngày, thính giác sẽ suy giảm. Nếu tiếp tục dùng thuốc sẽ dẫn tới điếc nặng, điếc vĩnh viễn không phục hồi được.

Làm gì khi tai bạn bị nhiễm độc?

Với những trường hợp đã sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc lạm dụng với liều lượng cao, tình trạng điếc không thể phục hồi được, vì thuốc đã làm tổn thương dây thần kinh thính giác. Những trường hợp bị điếc quá nặng do ngộ độc tai phải mang máy trợ thính suốt đời.

Do đó, nếu cảm thấy nóng rát, ù tai hoặc có biểu hiện bất thường khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn phải lập tức ngưng dùng thuốc và đến chuyên khoa Tai Mũi Họng để kiểm tra, tránh hậu quả nghiêm trọng về sau.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.