Cảnh báo nguy cơ do giày cao gót

Mặc dù giày cao gót có thể khiến bạn trông uyển chuyển và quyến rũ hơn nhưng chúng cũng là “thủ phạm” dẫn đến một số vấn đề sức khỏe.

Mặc dù giày cao gót có thể khiến bạn trông uyển chuyển và quyến rũ hơn nhưng chúng cũng là “thủ phạm” dẫn đến một số vấn đề sức khỏe.

Với xu hướng thời trang hiện nay, giầy cao gót là lựa chọn của rất nhiều phụ nữ trẻ. Mặc dù giày cao gót có thể khiến bạn trông uyển chuyển và quyến rũ hơn nhưng chúng cũng là “thủ phạm” dẫn đến một số vấn đề sức khỏe, đặc biệt là khi bạn đi giày cao gót trong một thời gian dài.

Các nguy cơ có thể xảy ra

Ảnh hưởng xấu tới khớp gối và cột sống

Những nghiên cứu gần đây cho thấy những người đi giày cao gót thường xuyên và liên tục trong thời gian dài có nguy cơ cao mắc bệnh thoái hóa khớp. Cụ thể, đi giày cao gót khiến độ thăng bằng của cơ thể giảm đi, đẩy trọng tâm của người về phía trước để lấy tư thế cân bằng.

Tư thế này làm cho hông, cột sống và khớp gối bị lệch khỏi trục sinh lý vốn có. Về lâu dài sẽ dẫn tới hiện tượng đau lưng, theo thời gian, nó sẽ khiến cột sống và khớp gối yếu, nhanh lão hóa, gây đau nhức, vẹo cột sống…

Một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra rằng, giày cao gót khoảng 7cm, dù là gót nhọn hay gót bằng, đều gây áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với giày đế thấp. Vị trí khớp thứ hai bị ảnh hưởng lớn, đó là khớp cổ chân và gót chân.

Do trọng lượng cơ thể bị dồn xuống mũi chân, khớp cổ chân bị ở tư thế gập quá lâu sẽ khiến bị đau nhức. Ngoài ra, do sự thăng bằng giảm nên người sử dụng giày cao gót dễ bị ngã, chấn thương cổ chân hoặc gãy xương.

Đi giày cao gót cũng ảnh hưởng đến gân Achilles là gân mặt sau của chân. Khi phía trước bàn chân bị chúi xuống do gót giày, gân Achillles sẽ bị co lên. Gót giày càng cao thì cơ gân càng bị dồn nén ngắn, việc này dẫn đến hiện tượng đau nhức gót.


Hậu quả khôn lường khi đi giày cao gót.

Hậu quả khôn lường khi đi giày cao gót.

Gây dị dạng bàn chân

Khi đi giày cao gót kín mũi trong thời gian lâu, bàn chân sẽ bị gò bó trong tư thế “dốc”. Điều đó khiến sức nặng của cơ thể dồn về phía mũi chân… sẽ gây ra hiện tượng phù nề và đau nhức mũi chân.

Đi giày cao gót còn có thể tạo ra các u dầy thần kinh Morton và dị dạng bàn chân, nhất là đối với giày cao gót cùng mũi giày nhọn và hẹp gây bó ép các tổ chức xung quanh dây thần kinh của ngón chân 3 và 4.

Giày chật khít còn gây biến dạng, trồi xương ngón chân ở người có ngón chân cái to, do lực tác động tại vùng này rất lớn. Ngoài ra, nếu giày cao gót quai hậu bó khít, da cứng còn gây phình xương gót được gọi là biến dạng Haglund.

Ảnh hưởng xấu tới khả năng tình dục và sinh sản

Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh, khi thường xuyên đi những đôi giày chỉ cần cao 5cm cũng đã ảnh hưởng tới khả năng sinh con của phụ nữ.

Các nhà khoa học giải thích: Khi áp lực cơ thể quá lớn dồn về phía trước bàn chân có thể làm khung xương chậu sẽ bị lệch sang 1 một bên, máu lưu thông đến tử cung sẽ giảm.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho hiện tượng kinh nguyệt thất thường, đau bụng kinh, thậm chí giảm khả năng thụ thai.

Sự kém lưu thông máu tới cơ quan sinh sản còn làm giảm ham muốn tình dục.

Ngoài ra, để giữ được tư thế thăng bằng khi trọng tâm của các bộ phận ở phần dưới cơ thể hướng về phía trước, các bộ phận phía trên cơ thể sẽ phải duy trì sự cân bằng, làm cho cơ bắp thêm mệt mỏi, dễ bị chuột rút… cùng với hệ xương khớp bị ảnh hưởng như trên đã nêu cũng là nguyên nhân dẫn tới suy giảm ham muốn tình dục.

Hạn chế tác hại của giày cao gót bằng cách nào?

Trước hết, bạn không nên đi giày cao gót liên tục trong ngày và trong một thời gian dài. Bạn nên lựa chọn giày có độ cao vừa phải, kích thước vừa chân. Không đi giày quá chật vì nó sẽ càng bó các cơ và dây chằng, gây áp lực cho chân.

Chọn giày được làm từ chất liệu mềm mại để tránh áp lực cho bàn chân và tránh các biến dạng, sần sùi trên da bàn chân. Nên đi giày hở mũi và tránh các loại giày cao gót mũi nhọn, hẹp để có đủ không gian cho bàn chân và các ngón chân.

Bạn nên sử dụng giày như sau:

Giày dưới 4cm trở xuống có thể sử dụng khi phải đi lại nhiều, nhưng không quá 4 giờ đồng hồ.

Giày từ 4-8cm chỉ nên đi khi cần thiết và tối đa không quá 3 tiếng.

Giày gót cao từ 8cm trở lên nên tránh sử dụng. Nếu buộc phải đi những đôi giày “cà kheo” này, không nên mang chúng quá 1 tiếng…

Ngoài ra, mỗi buổi tối về nhà, bạn hãy làm những điều sau:

Đi chân trần ngay hoặc đi giày dép đế mềm trong nhà.

Dùng tay massage toàn bộ lòng bàn chân để giúp máu lưu thông tốt. Ngâm chân vào nước ấm trong khoảng 20-30 phút.

Lăn chân trên một quả bóng tròn (bóng tennis) hoặc sử dụng dụng cụ massage dành riêng cho lòng bàn chân.

Khi đi ngủ, nên đặt chân lên một chiếc gối cứng để giúp máu lưu thông tốt...

Theo Sức khỏe & Đời sống


giày cao gót


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.