Chứng co quắp mí mắt và co giật nửa mặt vô căn

Đây là hai bệnh lý liên quan đến sự rối loạn vận động các cơ mặt vùng mí và quanh mí mắt. Nhận dạng và cách điều trị căn bệnh này đã được PGS-TS-BS Lê Minh Thông - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ (BV Mắt TP.HCM) đề cập trong buổi nói chuyện ngày 27/11, tại TT Truyền thông và giáo dục sức khỏe TP.HCM.

Co quắp mí mắt

Là một rối loạn vận động cơ khu trú, ảnh hưởng đến cơ ở mí mắt. Bệnh biểu hiện ban đầu là sự nháy mắt không chủ ý, tiến triển tăng dần, trở nên thường xuyên và trong vài tuần sẽ dẫn tới sự nhắm mắt gần như hoàn toàn từ nhiều giây đến nhiều phút.

Co quắp mí mắt có thể đi kèm với sự nhăn nhó mặt khi cố gắng mở mắt do sự co của các cơ nửa dưới của mắt và hàm. Sự rối loạn này được gọi là hội chứng Meiga: co rút các cơ vòng mi, cơ nhai, nói, nuốt và các cơ vùng cổ. Bệnh thường gặp ở người trên 50 tuổi, ở phụ nữ và có tính di truyền. Nếu không điều trị, co quắp mí mắt có thể dẫn đến mù chức năng, ảnh hưởng đến khả năng làm việc và thẩm mỹ.

Có nhiều cách điều trị: điều trị nội khoa cho kết quả giảm triệu chứng chỉ 30% trường hợp, thường kèm với những phản ứng phụ. Điều trị phẫu thuật gồm cắt bỏ cơ vòng cung mi và cắt bỏ một vài nhánh của dây thần kinh mặt. Với cách này thì bệnh thường tái phát. Có thể chích Botulinum Toxin A (BTA) sẽ làm mất những cơn co không chủ ý của cơ, nhưng điều trị bằng BTA thường gây những tác dụng phụ: hở mí khi nhắm mắt; khô hoặc chảy nước mắt sống tạm thời; sụp mí một phần; song thị; phù và đau khu trú. Những tác dụng phụ này phần lớn đều nhẹ, sẽ giảm dần và tự khỏi trong vòng một tháng.

Co giật nửa mặt vô căn

Là sự co giật một bên mặt cùng lúc của những cơ được điều khiển bởi thần kinh mặt. Thông thường, cơn co bắt đầu với co giật mí trên, phát triển dần đến tất cả các cơ mặt cùng bên. Cường độ của những cơn co giật này sẽ gia tăng khi cơ mặt buộc làm việc như nói chuyện và đặc biệt sẽ nặng hơn nếu bị căng thẳng, stress. Bệnh thường gây tổn thương tâm lý cho bệnh nhân do ảnh hưởng đến thẩm mỹ, thậm chí có thể làm mất khả năng lao động.

Trong co giật nửa mặt sau liệt thần kinh mặt, thường phát triển đến sự co giật nửa mặt thường xuyên mà lúc ngừng giật sẽ làm cho khuôn mặt mất cân đối. Những trường hợp này còn liên kết với sự giật và co quắp đồng thời với cơ vòng cung mi và cơ vòng cung miệng, đặc biệt rõ khi nói chuyện và khi nhai. Nếu nặng có thể gây tổn hại thị lực, mất khả năng lao động và mặc cảm thẩm mỹ. Đa số trường hợp co giật nửa mặt đều không rõ nguyên nhân nên rất khó phòng ngừa.

Có thể điều trị bằng thuốc carbamazepine hay benzodiazepines nhưng kết quả rất hạn chế. Giải phẫu thần kinh mặt có kết quả tốt hơn, nhưng cách này lại có nguy cơ cao liệt mặt hay biến chứng mạch máu. Tiêm BTA có thể thành công đến 90%, nhưng thường để lại những biến chứng: sụp mí, song thị, hở mí khi nhắm mắt, khô hoặc chảy nước mắt sống tạm thời, xệ khóe miệng, kẹt thức ăn giữa má và lợi khi ăn, dễ cắn nhầm niêm mạc miệng khi nhai... Những biến chứng này sẽ tự khỏi sau một tháng.

Theo Lê Uyên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.