Gián đoạn khi chuyển dạ: Sự cố thường gặp ở sản phụ

Khi chuyển dạ, quá trình cổ tử cung mở bị gián đoạn là sự cố thường gặp ở sản phụ.

Cổ tử cung được xem là “cánh cửa” thần kỳ, đưa thai nhi đến với thế giới bên ngoài. Thế nhưng, trong quá trình chuyển dạ, một số sản phụ rơi vào trường hợp cổ tử cung đang mở bỗng nhiên bị gián đoạn, không mở thêm nữa. Điều này có gây ảnh hưởng đến thai nhi?

Ngoài ra, có người cho rằng đi lại nhiều trước giờ sẽ giúp cổ tử cung mau mở. Điều này có đúng không?

Nguyên nhân bị gián đoạn

Bình thường, cổ tử cung là một ống có hình trụ tròn rỗng, đường kính khoảng 2 cm và dài 2 – 3 cm, lòng ống được gọi là kênh cổ tử cung. Trong quá trình chuyển dạ, toàn bộ tử cung đều có những thay đổi.

Cổ tử cung sẽ mềm ra, biến hình trụ ban đầu thành hình tròn với lỗ cổ tử cung mở rộng dần cho tới mức tối đa, đạt đường kính khoảng 10 cm. Kích thước này đủ để đầu thai nhi chui qua dễ dàng dưới tác động của những cơn co tử cung. Thế nhưng, không phải với mọi trường hợp, “cánh cửa” đều mở ra theo cách giống nhau.

Với người sinh con đầu lòng, thời gian để cổ tử cung bắt đầu mở đến khi mở hết khoảng 16 – 24 giờ. Với người sinh con rạ, thời gian này nhanh hơn, chỉ từ 8 – 16 giờ.

Trên thực tế, có những trường hợp quá trình mở của cổ tử cung bị gián đoạn. Về nguyên nhân, có thể do áp lực trong lòng tử cung giảm vì ngôi thai không thuận, không tì lên cổ tử cung nữa làm giảm áp lực tác động trực tiếp.

Ngoài ra, một số tác nhân gây ảnh hưởng đến quá trình cổ tử cung mở như sản phụ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu, suy nhược cơ thể… hoặc từng bị viêm nhiễm cổ tử cung nặng và kéo dài. Có những trường hợp cổ tử cung không mở ngay từ khi sản phụ nhập viện. Đó là những trường hợp bị ra nước ối khi chưa đến quá trình chuyển dạ.

Trong trường hợp “cánh cửa” này không mở do cơn co tử cung yếu, cách giải quyết là điều chỉnh làm tăng cơn co bằng thuốc hoặc dùng thuốc làm mềm cổ tử cung. Nếu không mở thêm hay mở chậm do ngôi thai bất thường, cách xử trí thường là mổ lấy thai.

Trường hợp cổ tử cung không mở do chưa vào cuộc chuyển dạ, sản phụ sẽ được dùng các loại thuốc để khởi phát chuyển dạ tức thời.

Mỗi lần sinh là một quá trình tương đối độc lập. Do đó, khả năng người mẹ có cổ tử cung không mở ở lần sinh đầu sẽ không xảy ra cho lần sinh sau.

Vận động nhiều trước khi sinh

Nhiều sản phụ khi vào phòng chuẩn bị sinh được hướng dẫn vận động, đi lại nhiều. Đây là một hình thức giúp giãn nở vùng cơ đáy chậu, các khớp của xương chậu để hỗ trợ cho quá trình sinh chứ không nhằm giúp mở cổ tử cung.

Tuy nhiên, đi lại nhiều có thể là làm tăng nguy cơ sa dây rốn nếu ối vỡ gây tai biến sản khoa, có thể làm thai nhi tử vong trong vài phút. Do đó, sản phụ cần tuân thủ tốt những hướng dẫn của nhân viên y tế để cuộc sinh nở diễn ra an toàn.

Theo BS Phạm Quốc Hùng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.