Mãng cầu xiêm có khả năng chữa ung thư?

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh lá mãng cầu xiêm có khả năng chữa ung thư.

Theo các chuyên gia, tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, chưa có một công trình nghiên cứu khoa học nào chứng minh lá mãng cầu xiêm có khả năng chữa ung thư. Một số trường hợp, mãng cầu xiêm còn gây ra tác dụng phụ với người dùng. Do đó, người dân cần lưu ý để tránh gây hại cho sức khỏe.

Công dụng không như lời đồn

Mãng cầu xiêm là loại trái cây giàu giá trị dinh dưỡng, nhất là vitamin C, thường được sử dụng làm sinh tố, kem, bánh, mứt, kẹo… Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây, mãng cầu xiêm còn được biết đến như một loại “thần dược” chữa được bệnh ung thư. Thông tin này xuất phát trong một bài nghiên cứu trên Tạp chí y tế của Hàn Quốc.

Theo đó, nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong thành phần của mãng cầu xiêm có một hoạt chất đáng chú ý là acetogenin. Chất này có trong quả, lá, vỏ và rễ cây, có tác dụng gây độc tế bào, làm tế bào bị chết, do đó có thể tiêu diệt các tế bào ung thư. Bên cạnh đó, nước ép quả mãng cầu xiêm có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư cao hơn gấp 10.000 lần so với liệu pháp hóa trị mà không hề làm hại các tế bào khỏe mạnh và không có tác dụng phụ. Thông tin trên đã làm lóe lên hy vọng đối với nhiều bệnh nhân ung thư trên thế giới.

Là người đã từng tin tưởng phương pháp mới này có thể cứu sống bố của mình khỏi những cơn đau do căn bệnh ung thư tuyến giáp gây ra, nhưng cuối cùng anh Nguyễn Mạnh Hùng (quê ở Hà Nam) cũng nhận lấy thất vọng. 4 năm trước, các bác sĩ phát hiện bố anh Hùng mắc ung thư tuyến giáp, bệnh ngày càng có chiều hướng xấu đi.

Tuy nhiên, thay vì nhập viện để được các bác sĩ có phác đồ điều trị kịp thời, bố anh khăng khăng chữa bằng bài thuốc dân gian của các “thầy lang” ở địa phương. Lý giải về điều này, anh Hùng cho biết, một phần bố anh tuổi đã cao, không muốn nằm viện vì thấy ngột ngạt, phần nữa là ông cụ đặc biệt không thích uống thuốc Tây mà chỉ “trung thành” với các loại thuốc Nam.

Do đó, hễ thấy ai mách bài thuốc nào có thể chữa được bệnh của bố, cả nhà anh Hùng đều “săn lùng” tìm mua bằng được. Tuy nhiên, anh Hùng cho biết, bố anh ngày càng tiều tụy do không ăn uống được gì. Các bài thuốc được coi là “thần dược” cũng chưa thấy phát huy tác dụng.

Đến năm 2014, anh Hùng tình cờ đọc được bài viết về tác dụng của nước ép mãng cầu xiêm trong việc điều trị bệnh ung thư. Một tia hi vọng lóe lên, anh và gia đình liền cho bố uống đều đặn mỗi ngày một cốc nước mãng cầu xiêm. Thế nhưng, chưa đầy một tháng thử nghiệm, bố anh bắt đầu xuất hiện các cơn nôn mửa và co giật. Bố anh được đưa vào viện trong tình trạng hôn mê. Ít lâu sau, ông cụ qua đời.

“Không thuyết phục được bố điều trị ung thư bằng y học hiện đại là sự hối hận lớn nhất của tôi và cả gia đình. Giờ thì tôi nhận ra rằng, không nên quá tin tưởng vào các phương pháp chữa bệnh chưa được kiểm chứng. Sự ra đi của bố tôi là một ví dụ”, anh Hùng chia sẻ.

Cân nhắc trước khi sử dụng

Trước câu hỏi về công dụng thực sự của mãng cầu xiêm trong việc điều trị bệnh ung thư, đa phần các chuyên gia Đông y đều cho biết, đó là công trình nghiên cứu ở nước ngoài, còn tại Việt Nam, tính đến thời điểm này, chưa có nghiên cứu nào chứng minh điều đó. Mãng cầu xiêm vẫn được coi là một loại trái cây có tác dụng làm thực phẩm nhiều hơn là chữa bệnh.

BS Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, nếu thành phần của mãng cầu xiêm thực sự có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư như nghiên cứu của các chuyên gia nước ngoài thì đây là tin vui cho nhiều người. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả thực sự của nó như thế nào đối với từng bệnh nhân ung thư thì vẫn chưa được công bố.

Còn lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) nhấn mạnh: Trong Đông y, chưa từng công bố một nghiên cứu nào chứng minh các loại thảo dược, cây dược liệu có thể điều trị dứt điểm bệnh ung thư. Tất cả chỉ là hỗ trợ điều trị hoặc ngăn ngừa bệnh tái phát.

Riêng đối với mãng cầu xiêm, lương y Vũ Quốc Trung cho biết, mặc dù một vài nghiên cứu cho rằng các chất chiết xuất từ mãng cầu xiêm có thể có đặc tính chống ung thư nhưng không đồng nghĩa với việc đây được coi là bài thuốc để điều trị ung thư. Mặt khác, một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các hóa chất trong mãng cầu xiêm có thể gây độc hại và người dùng cần cân nhắc khi sử dụng.

Theo đó, việc sử dụng mãng cầu xiêm liên tục có thể gây ra các vấn đề về hệ thống thần kinh hoặc tâm thần. Với bệnh Parkinson cũng vậy, mãng cầu xiêm có thể làm cho các triệu chứng của bệnh Parkinson tồi tệ hơn.

Thực tế, nhiều năm gần đây, tại một số bệnh viện lớn, số bệnh nhân gặp biến chứng hoặc gia tăng tế bào ung thư sau khi sử dụng các bài thuốc dân gian truyền miệng đã gia tăng nhanh chóng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, dù không thể phủ nhận công dụng của các loại thảo dược trong việc điều trị một số bệnh, nhưng người dân không nên quá tin tưởng vào cái gọi là “thần dược” điều trị bách bệnh. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại thảo dược này như thế nào, cần có sự chỉ dẫn của thầy thuốc, không tự ý áp dụng theo truyền miệng để tránh rước họa vào người.

Theo GS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, gánh nặng ung thư toàn cầu gia tăng nhanh. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trong vòng 20 năm tới, gánh nặng ung thư tăng 57% với 21,7 triệu người mắc bệnh, 13 triệu người sẽ chết vì ung thư. Nguyên nhân chủ yếu là sự tăng dân số địa cầu, sự lão hóa dân số, sự ô nhiễm môi trường sống. Cuộc chiến chống ung thư vẫn còn đặt nhiều thách thức, nhưng y học ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong việc tìm hiểu nguyên nhân, cách phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý bệnh. GS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, ngày nay bác sĩ phân biệt được cả trăm loại ung thư, biết ung thư diễn tiến ra sao. Tùy loại, tùy giai đoạn mà thầy thuốc dùng phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị. Hiện nay, việc phối hợp nhuần nhuyễn các kiểu điều trị hiện đại đã đem lại hiệu quả tốt hơn cho người bệnh.


Theo GĐXH


bệnh ung thư

mãng cầu xiêm

chữa trị ung thư


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.