Nguy cơ nhiễm hóa chất cao từ rau ngót, rau muống và rau mùng tơi

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, qua khảo sát tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn, thấy nhiều mẫu rau có tỷ lệ tồn dư thực vật cao, vượt ngưỡng cho phép khoảng 10%.

Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, qua khảo sát tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn, thấy nhiều mẫu rau có tỷ lệ tồn dư thực vật cao, vượt ngưỡng cho phép khoảng 10%.

Đáng quan ngại!

Hiện nay trên thị trường, nhiều loại rau được bày bán ở chợ đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, người dân cũng không có cách nào kiểm soát về chất lượng của các sản phẩm nêu trên.


Tại nhiều chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội, thấy nhiều mẫu rau có tỷ lệ tồn dư thực vật cao, vượt ngưỡng cho phép khoảng 10%. Ảnh: DN

Với tâm lý người tiêu dùng, đa số đều cho biết họ rất muốn được sử dụng những loại rau sạch, đảm bảo chất lượng dù có phải bỏ ra chi phí cao, song điều khiến họ không yên tâm là dù có là rau gắn mác rau sạch song vẫn chất lượng lại chưa “sạch”.

Với hơn 80 triệu người dân Việt đang có nhu cầu sử dụng rau sạch, vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhu cầu này của người dân luôn là đề tài nóng. Tuy nhiên theo thừa nhận của cơ quan chức năng liên quan, hiện chất lượng rau trên thị trường vẫn còn nhiều vấn đề.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Lâm Quốc Hùng- Trưởng Phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm- Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế, cho biết, vừa qua cơ quan này đã lấy nhiều mẫu rau tại 150 quầy kinh doanh ở 6 chợ đầu mối tại Hà Nội bao gồm Chợ Dịch Vọng Hậu, Chợ Minh Khai, Chợ La Khê, Chợ Long Biên, Chợ đầu mối Đền Lừ, Chợ đêm Hợp tác xã Văn Quán; kết quả cho thấy, 13/120 mẫu xét nghiệm định lượng xác định có tồn dư hóa chất Carbofuran (thuốc sâu hữu cơ, độc với con người) vượt giới hạn cho phép (chiếm 10,83%); 12/120 mẫu (10%) có tồn dư hóa chất Cypermethrin (thuốc trừ sâu diệt ruồi, muỗi, kiến gián, có hại với sức khỏe con người); có 9/120 mẫu rau tồn dư cùng lúc cả hai loại hóa chất trên (chiếm 7,5%).

Cũng theo ông Lâm Quốc Hùng, trong số 40 mẫu có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 14/40 là rau muống; 21/40 là rau ngót và 5/40 mẫu rau mồng tơi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật nêu trên, người dân Hà Nội có xu hướng tìm về vùng quê để sử dụng nguồn rau sạch đang được trồng tại các địa phương, ông Hùng cho rằng, qua quá trình tìm hiểu chúng tôi chưa nhận thấy có mối liên hệ nào về việc rau ở Hà Nội ô nhiễm hơn rau các địa phương khác (tức là rau ở quê vẫn bị ô nhiễm- PV).

Minh chứng về điều này ông Hùng thông tin, trong số 40 mẫu rau có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, có 38 mẫu là rau sản xuất tại Hà Nội, 2 mẫu là rau sản xuất tại tỉnh khác.

Nâng cao ý thức của người kinh doanh


Ông Hùng cho rằng, việc người dân được sử dụng rau sạch hay không phụ thuộc phần lớn vào ý thức của người kinh doanh rau.

Ông Hùng dẫn chứng: Có một thực tế mà qua quá trình kiểm tra cơ quan an toàn thực phẩm của Bộ Y tế nhận thấy rõ là ở cơ sở kinh doanh rau sạch nào mà người chủ bằng cảm quan của mình nhận biết đây là loại rau đạt chất lượng, rau đó khi kiểm tra, tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật sẽ giảm hơn nhiều lần so với mẫu rau mà cảm qua người kinh doanh đánh giá là không tốt.

Do vậy thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tuyên truyền sâu rộng về vai trò của người kinh doanh rau, nhấn mạnh vào tầm quan trọng trong quan sát, đánh giá ban đầu của đội ngũ kinh doanh rau, trước khi rau được lưu hành trong các chợ, sạp hàng và tới tay người tiêu dùng.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc với tỷ lệ tồn dư thuốc bảo vệ thực phẩm trên 10% nêu trên (tức là rau ô nhiễm, bẩn- PV) khi người tiêu dùng sử dụng có gặp phải vấn đề về sức khỏe, ông Hùng cho biết, tỷ lệ giám sát đó được đánh giá khi rau còn “nguyên bản” tức là mới được thu hái về, chưa qua xơ chế. Tuy nhiên khi rau đã qua xơ chế như ngâm, rửa dưới vòi nước sạch hay khi nấu chín thì việc ảnh hưởng của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hầu như không còn.

Với cương vị là Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, nếu hàm lượng tồn dư ở ngưỡng cho phép, rau đó vẫn đảm bảo để chế biến, sử dụng cho bữa ăn gia đình.

Vị Cục trưởng An toàn thực phẩm cũng thông tin để kiểm soát tốt hơn nguồn thực phẩm tươi sống, một số địa phương cũng đã xây dựng mô hình chợ an toàn kiểm soát nguồn gốc rau quả, thực phẩm từ đầu nguồn và dự kiến sẽ trang bị dụng cụ test nhanh để phát hiện, hóa chất tồn dư trong thực phẩm, rau quả.

Tuy nhiên với các test nhanh thì chỉ cho phép nhận diện, sàng lọc một số hóa chất, giúp định tính có hay không hóa chất đó, chứ không xác định được ngưỡng an toàn trong thực phẩm, rau. Muốn định lượng chất tồn dư đó có gây nguy hại hay không phải được thực hiện trong phòng xét nghiệm. Do đó, để đảm bảo chất lượng rau an toàn thì cốt lõi vẫn phải kiểm soát là từ nguồn trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình.

Với băn khoăn của người dân về việc làm sao để sử dụng được rau sạch, ông Phong khuyến cáo: Nên sử dụng rau phù hợp mùa, hạn chế ăn rau, củ trái mùa. Chọn rau tươi không dập nát, không có mùi lạ, và nên mua tại các cửa hàng rau an toàn, các cơ sở cung cấp rau theo hợp đồng hoặc các nơi bán rau cố định có cam kết bảo đảm an toàn; tại cửa hàng đã có kiểm tra của các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau sạch an toàn.

Theo Báo Hải Quan


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.