Nguy cơ rước họa vì làm đẹp tóc cho bé gái

Nhiều bà mẹ có thói quen buộc tóc cho con để vừa gọn gàng, vừa giúp các bé trông “điệu đà” hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia đã đưa ra khuyến cáo về vấn đề này.

Nhiều bà mẹ có thói quen buộc tóc cho con để vừa gọn gàng, vừa giúp các bé trông “điệu đà” hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo: Việc phụ huynh buộc tóc quá chặt cho con hoặc lạm dụng quá nhiều dây chun trên đầu trẻ sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến cấu trúc da đầu và gây tổn hại đến mái tóc của trẻ.

Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không nên buộc tóc quá chặt vì sẽ gây rụng tóc và đau nhức ở trẻ. Ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyến cáo, phụ huynh không nên buộc tóc quá chặt vì sẽ gây rụng tóc và đau nhức ở trẻ. Ảnh minh họa

"Đau đầu như búa bổ" vì buộc tóc quá chặt

Bé Trần Nguyễn Như Trang (ở Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) năm nay bước vào lớp 2. Cô bé có mái tóc đen, dài ngang vai. Mỗi lần đến lớp, Như Trang đều được mẹ “làm dáng” với những kiểu buộc tóc rất cầu kỳ. Khi thì buộc tóc cao hai bên thắt nơ duyên dáng, lúc thì công phu hơn với các loại tết tóc khác nhau. Có lần, cô bé đến lớp với 5 - 7 bím tóc tết trên đầu khiến nhiều bạn cũng phải “ganh tỵ”.

Chị Nguyễn Thu Giang (mẹ của Trang) cho biết, chị buộc tóc cho con từ sáng khi đưa con tới lớp, đến khi đón con về và tắm rửa cho con mới tháo tóc ra. Việc làm này đều đặn hàng ngày nên chị không thấy có gì là bất thường cho đến khi cô bé bắt đầu kêu đau tóc và tóc bé đứt rụng ngày càng nhiều.

“Tóc con dài và dày nên nếu thả tóc sẽ rất vướng khi học cũng như lúc vui chơi. Vì vậy, tôi nghĩ buộc tóc lên sẽ tiện cho con rất nhiều trong các hoạt động. Tôi thường dùng loại dây chun nhỏ với nhiều màu sắc khác nhau để buộc tóc cho con vì vừa tiện lợi mà trông lại bắt mắt. Lúc đầu, bé rất thích vì tóc đẹp được các bạn chú ý. Thế nhưng, gần đây, con lại không thích tôi buộc tóc nữa vì kêu bị đau phần da đầu và khi chải cũng thấy tóc rụng khá nhiều. Từ giờ, tôi phải “lỏng tay” hơn để tránh gây đau đầu cho con”, chị Giang chia sẻ.

Cũng giống như trường hợp của bé Như Trang, bé Lê Thị Ngân (6 tuổi, ở Cầu Giấy, Hà Nội) cũng hay được mẹ buộc tóc cao mỗi khi đi học hay đi chơi. Hàng xóm xung quanh thường gọi Ngân với cái tên trìu mến “cô bé có mái tóc đuôi gà”. Do vậy, Ngân rất thích được buộc tóc và buộc mọi lúc, mọi nơi, thậm chí cả khi đi ngủ. Dù đã được mẹ (chị Phạm Thị Ngọc) nhắc nhở về việc gây đau và gãy tóc nếu buộc tóc qua đêm nhưng cô bé vẫn khăng khăng không để mẹ tháo ra.

Chị Ngọc cho biết: “Hôm nào cũng phải dỗ dành mãi, con bé mới chịu cho tháo tóc, không là cứ nhất quyết để cả “đuôi gà” đi ngủ. Nhiều hôm phải nhân lúc con ngủ mới tháo được dây buộc ra. Sáng hôm sau, cứ tỉnh dậy là con lại nằng nặc đòi mẹ buộc tóc ngay. Tóc con là tóc tơ nên tôi cũng không dám buộc chặt vì sợ đứt tóc và gây đau đầu cho con. Mình là người lớn mà còn thấy đau nhức mỗi khi buộc tóc quá chặt, huống chi là trẻ con, da đầu còn yếu. Có lẽ phải cắt tóc ngắn cho con một thời gian để con bé tạm quên đi cái dây buộc”.

Nên cho tóc “nghỉ ngơi”

Chia sẻ về những tác hại của việc buộc tóc quá chặt đối với sức khỏe của trẻ nhỏ, TS.BS Nguyễn Thị Thanh Hương (Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: Nhiều phụ huynh hay có thói quen buộc tóc cho con để giúp gọn gàng hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Việc làm này sẽ không gây hại nếu dây buộc không thít sâu vào tóc và làm căng các sợi tóc với da đầu. Ngược lại, nếu tóc bị buộc quá chặt trong một thời gian dài sẽ gây đau da đầu, giảm độ chắc khỏe của tóc và nguy hiểm hơn là ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu bên trong da đầu.

BS Thanh Hương phân tích: “Khi buộc tóc quá chặt, tóc sẽ bị kéo căng, cảm giác đầu tiên là gây đau nhức cho đứa trẻ. Hơn nữa, cấu trúc da đầu của trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, các chân tóc chưa đủ độ chắc khỏe nên rất dễ bị đứt trong quá trình buộc và tháo dây chun ra khỏi tóc trẻ. Ngoài ra, việc buộc tóc “căng như dây đàn” sẽ khiến máu ở vùng bên trong da đầu lưu thông không đều làm trẻ bị đau đầu. Thậm chí với nhiều trẻ sức khỏe yếu, sẽ dẫn đến hiện tượng hoa mắt, chóng mặt...”.

BS Thanh Hương cho biết thêm, nhiều phụ huynh “vô tư” để con đi ngủ trong tình trạng vẫn buộc tóc bằng dây chun nịt trên đầu. Đây là thói quen gây hại, cần phải loại bỏ. BS Thanh Hương giải thích: “Lúc ngủ là thời gian toàn cơ thể cần được thư giãn và nghỉ ngơi. Do vậy, buộc tóc khi ngủ sẽ khiến phần thân và chân tóc chịu nhiều áp lực kéo dẫn đến đau da đầu và làm sợi tóc yếu dần. Nếu duy trì việc buộc tóc khi ngủ có thể sẽ gây nên các phản xạ kích thích làm trẻ ngủ không ngon và đôi khi gây nên tình trạng bị giật mình ở trẻ”.

BS Thanh Hương tư vấn: “Để không gây hại cho mái tóc và sức khỏe của trẻ, tốt nhất các bậc phụ huynh không nên buộc tóc quá chặt và quá lâu cho bé. Nên có một khoảng thời gian cho tóc “nghỉ ngơi” để cân bằng lại tuần hoàn máu. Ví dụ, lúc bé ngủ trưa, mẹ có thể tranh thủ tháo tóc, để thả tự nhiên cho bé. Chiều đi học lại buộc gọn lên nhưng buộc lỏng tay để không gây đau cho trẻ. Ngoài ra, mẹ nên sử dụng dây buộc tóc lót bông thay vì dây làm bằng chất liệu cao su hoặc làm bằng nhựa có hại. Dây buộc tóc lót bông sẽ không gây tổn thương cho tóc của trẻ”.

Cẩn trọng với chất độc từ các sợi chun màu sắc sặc sỡ

Nhiều bà mẹ hay dùng những loại chun nịt nhỏ, nhiều màu để buộc tóc cho con. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, các loại dây này thường được làm từ cao su. Ở điều kiện bình thường, cao su rất dễ gây dị ứng, nhất là với những người có cơ địa nhạy cảm. Các biểu hiện thường gặp khi bị dị ứng với những chiếc vòng này thường là nổi mề đay, mẩn đỏ, rát, khó thở, ngứa da, nặng hơn có thể viêm mũi dị ứng, hen phế quản, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc dị ứng, thậm chí còn có thể bị sốc phản vệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng.

Bên cạnh đó, theo TS Trần Quang Tùng (Viện Kỹ thuật hóa học, ĐH Bách Khoa Hà Nội), để tạo nên những màu sắc trên sản phẩm, người ta thường sử dụng các ion kim loại, nhất là các ion kim loại nặng. Chất này nếu tích tụ lâu trong cơ thể sẽ dẫn đến khả năng mắc các bệnh ung thư cho người sử dụng. Vì vậy, trẻ sẽ có nguy cơ nhiễm độc nếu vô tình ngậm vào những loại dây nịt nhiều màu sắc trên.

Theo Gia đình & Xã hội



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.