Số ca mắc mới liên tục giảm, còn sớm để đánh giá tình hình dịch

Sau thời gian liên tục công bố hàng loạt ca mắc mới, ngày 5/4, Việt Nam chỉ ghi nhận thêm một bệnh nhân Covid-19. Đây có phải là tín hiệu khả quan?

Từ ngày 6/3, Việt Nam có thêm 225 trường hợp mắc Covid-19 mới, nâng tổng số ca lên con số 241. Các chuyên gia đánh giá dịch đã chuyển từ giai đoạn một sang giai đoạn 2 và 3.

Sau nhiều ngày số ca mắc mới liên tục ở mức cao, tin vui về dịch bệnh Covid-19 được Bộ Y tế thông báo. Đáng chú ý, ngày 5/4, Việt Nam chỉ ghi nhận một ca mắc mới. Trước đó, số trường hợp mắc mới bắt đầu giảm dần, từ 10 ca của ngày 3/4 xuống 3 ca ngày 4/4. Thông báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia vào sáng 6/4 cũng cho biết Việt Nam chưa ghi nhận thêm bệnh nhân.

Số ca mắc mới liên tục giảm, còn sớm để đánh giá tình hình dịch-1
Nguồn: Bộ Y tế.

Tại sao số ca mắc mới giảm?

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho hay ngày 5/4, cả nước chỉ ghi nhận một ca mắc Covid-19 là du học sinh về nước và đã được cách ly tập trung ngay từ khi nhập cảnh.

“Đây là ca nằm trong nhóm chiếm đa số, quen thuộc của nước ta là người nhập cảnh. Vui nhất là không phải ca cộng đồng. Điều đó thể hiện chiến dịch tổng lực gồm giãn cách xã hội, không tiếp xúc, phòng chống sự lây lan đã có hiệu quả”, PGS Nhung đánh giá.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng thừa nhận: "Còn sớm để có thể đánh giá tình hình. Bởi số ca mắc còn phụ thuộc vào công cụ tìm kiếm. Lo ngại nhất hiện nay là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng".

Ông lấy ví dụ trường hợp bệnh nhân người Thụy Điển là chưa kiểm soát được, không biết nguồn lây bệnh F0 ở đâu và F0 đã được kiểm soát hay chưa.

“Dù sao việc ghi nhận số ca mắc giảm cũng là một tín hiệu tốt. Ngược lại, nếu chúng ta tiếp tục ghi nhận các ca mắc cũng không lo ngại lắm bởi nó là điều bình thường”, PGS Nhung nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho hay các ca mắc mới giảm bởi chúng ta đã tập trung giám sát các ca bệnh nhập cảnh. Nhìn chung, số người nhập cảnh đã giảm hẳn và số ca mắc được ghi nhận trong nhóm này cũng giảm.

Tuy nhiên, PGS Phu khẳng định: “Hiện tại, vẫn chưa thể đánh giá được tình hình. Các ca trong cộng đồng bây giờ mới là mối cần quan tâm. Chúng ta cần phải xem diễn biến trong cộng đồng như thế nào”, PGS Phu cho hay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, cũng cho rằng đây là một tín hiệu vui song việc chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 chưa có giá trị dịch tễ để đánh giá dịch đã lui. “Phải ít nhất trong 2 tuần mới có thể nói dịch đã lui hay chưa", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nói.

Số ca mắc mới liên tục giảm, còn sớm để đánh giá tình hình dịch-2
Việc tuân thủ cách ly xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch. Ảnh: Việt Linh.

Giai đoạn quyết liệt để ngăn dịch bùng phát

Cho rằng có thể ghi nhận như một tín hiệu vui, song các chuyên gia đều cho rằng người dân tuyệt đối không thể chủ quan bởi còn quá sớm để đánh giá tình hình.

“Ở giai đoạn một, mục tiêu của chúng ta là làm chậm thời gian xuất hiện dịch, từ đó làm chậm quá trình bùng phát dịch. Chúng ta đã làm mạnh nên dịch diễn biến chậm, đến giờ vẫn chưa bùng. Còn ở giai đoạn này là thực sự quyết định. Nếu không làm tốt, dịch sẽ bùng lên như ở các nước”, PGS Phu nói.

Do đó, chuyên gia khuyến cáo trong thời gian quyết định này, người dân tuyệt đối không được lơi lỏng, vẫn phải giữ vững tinh thần "chống dịch như chống giặc". Hiện, nhiều người chưa ý thức được tình hình, vẫn đi lại, không thực hiện giãn cách xã hội.

PGS Phu khẳng định để dịch không bùng phát, người dân vẫn cần phải nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội và làm theo những khuyến cáo từ Bộ Y tế như không tiếp xúc gần; không đi ra ngoài khi cảm thấy không thực sự cần thiết; không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng; luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc và luôn đứng cách xa người khác 2 m; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn.

“Cần sự tự giác, trách nhiệm của từng cá nhân, từng gia đình, từng cơ quan. Thực tế, chúng ta đang không biết ai nhiễm bệnh, ai không”, PGS. TS Trần Đắc Phu lo ngại.

Còn PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng chúng ta đã trải qua 5 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Chính phủ. Trong thời gian còn lại, việc hàng đầu người dân vẫn là thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội.

Theo PGS Nga, Việt Nam đang trong giai đoạn vàng để để ngăn chặn dịch. Cơ hội trong những ngày này là hạn chế lây lan đến mức thấp nhất, khoanh vùng kịp thời các ổ dịch Covid-19 để nó không bùng phát mạnh trong cộng đồng.

“Nếu thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta giữ vững được thế chủ động chống dịch. Nếu không kịp thời không chế, dịch có thể bùng phát mạnh trong cộng đồng, dẫn tới nhiều người nhập viện do tình trạng nặng, đặc biệt người cao tuổi và có bệnh nền”, PGS Nga phân tích.

Tuân thủ cách ly xã hội của người dân được xem là có ảnh hưởng trực tiếp việc thành bại khống chế dịch.

Giải pháp tìm kiếm mầm bệnh trong cộng đồng

PGS Nguyễn Viết Nhung cho rằng việc còn mầm bệnh trong cộng đồng đang là mối lo hiện nay của nước ta.

Để rà soát các mầm bệnh trong cộng đồng xét nghiệm nhanh là một giải pháp. Theo chuyên gia, UBND Hà Nội đã triển khai các trạm xét nghiệm nhanh (xét nghiệm huyết thanh). Xét nghiệm này không khẳng định được người mắc bệnh vì có một số dương tính giả do kháng nguyên khác. Tuy nhiên, nó cũng có tác dụng chỉ điểm nhất định và là yếu tố khả quan để tiên lượng tình hình dịch trong cộng đồng, hạn chế các trường hợp mất dấu F0.

PGS Nhung cho biết ông vừa nhận được thông báo từ Công ty Cepheid (Mỹ) về việc Việt Nam là một trong những nước được mua test Xpert Xpress SARS-CoV-2. Đây là hệ thống máy của chương trình chống lao đang thực hiện thường quy tại Việt Nam từ năm 2012.

Hiện, chúng ta có 175 máy và sẽ tiếp nhận thêm khoảng 30 máy. Hệ thống này xét nghiệm virus SARS-CoV-2 dựa trên định danh của 3 loại gen nên tính chính xác có thể trên 90%, tương đương với xét nghiệm RT-PCR. Đặc biệt, thời gian có kết quả xét nghiệm chỉ từ 35-45 phút.

"Theo tôi, đây là biện pháp tốt nhất để sàng lọc những trường hợp nghi ngờ và phát hiện đích danh các ca nhiễm trong cộng đồng. Máy xét nghiệm này đang được triển khai trong phạm vi toàn quốc", PGS Nhung nói.

Số ca mắc mới liên tục giảm, còn sớm để đánh giá tình hình dịch-3

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/so-ca-mac-moi-lien-tuc-giam-con-som-de-danh-gia-tinh-hinh-dich-post1069157.html

Covid-19

virus corona

dịch bệnh

virus


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.