Sống chung với viêm mũi dị ứng

Chảy nước mũi, hắt hơi từng tràng, ngứa mũi và nghẹt mũi là những triệu trứng điển hình của bệnh viêm mũi dị ứng (VMDU). Ai mắc bệnh này thì trong túi phải thủ sẵn hàng bịch giấy vệ sinh để kịp thời lau khi "dòng suối" mũi chảy ra. Đã thế lại thêm mắt đỏ, giọng nói ngạt ngào cứ như vừa bước ra từ nhà tang lễ!

VMDU bắt nguồn từ những nguyên nhân như: di truyền, dị ứng với các dị nguyên (phấn hoa, mùi vị, bụi, nấm, hóa chất, lông thú...), lệch lạc cấu trúc vách ngăn mũi. Khi tiếp xúc với các dị nguyên, cơ thể sẽ giải phóng histamin gây viêm và tiết dịch ở niêm mạc hốc mũi, khoang họng, kết mạc mắt gây ra các triệu chứng dị ứng nói trên.

Người VMDU cần giữ ấm mũi họng, xúc miệng nước muối ấm, ăn thức ăn dễ tiêu, uống nhiều nước đặc biệt là nước hoa quả. Thuốc điều trị VMDU gồm thuốc kháng histamin dùng toàn thân và thuốc dùng để nhỏ mũi tại chỗ.

Thuốc kháng histamin (giúp giảm chảy nước mũi, nước mắt, hắt hơi, nhưng ít hiệu quả với nghẹt mũi) có các loại thông dụng sau:

Diphenhdramin (viên nén 25mg): Nguời lớn và trẻ em trên 12 tuổi dùng 1-2 viên trong 4-6 giờ, không quá 12 viên trong 24 giờ; trẻ 6-12 tuổi dùng 1 viên trong 4-6 giờ, không quá 6 viên trong 24 giờ.

Chlorpheniramin (viên nén 4mg): Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi mỗi lần 1 viên, 3-4 lần trong 24 giờ; trẻ từ 6-12 tuổi mỗi lần nửa viên, 2-3 lần trong 24 giờ

Loratidin (viên nén 10mg): Người lớn và trẻ từ 6-12 tuổi (nặng trên 30kg) mỗi ngày 1 viên; trẻ em từ 6-12 tuổi (nặng dưới 30kg) mỗi ngày nửa viên; với người bị suy gan thận mỗi ngày nửa viên hoặc hai ngày một viên.

Lưu ý: Không dùng thuốc kháng histamin cho trẻ dưới 6 tuổi, phụ nữ có thai, người lái tàu xe và vận hành máy móc.

Thuốc dùng tại chỗ được nhắc tới hàng đầu là Natriclorid 0,9% có tác dụng rửa mũi, giải tỏa và làm loãng dịch nhầy trong mũi, giúp khai thông đường thở và giảm sổ mũi. Natriclorid 0,9% có thể dùng cho mọi lứa tuổi.

Thuốc xịt mũi Flixonase 0,05% có tác dụng trực tiếp trên niêm mạc mũi xoang và phòng ngừa các cơn dị ứng. Mỗi lần xịt thuốc, người lớn và trẻ trên 12 tuổi xịt hai nhát mỗi bên mũi, trẻ từ 6-12 tuổi xịt một nhát mỗi bên mũi. Mỗi ngày xịt một lần vào buổi sáng có thể ngừa viêm mũi dị ứng suốt cả ngày. Trước khi nhỏ thuốc phải xì hết nước mũi và lau khô.

Bạn có thể tự điều trị VMDU bằng cách uống thuốc kháng histamin, nhỏ thuốc phòng. Tuy nhiên, đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chữa trị đúng cách, kịp thời là lựa chọn thông minh vì biết đâu bạn phải dùng kháng sinh hoặc liệu pháp miễn dịch đặc hiệu hay phải phẫu thuật để để giải quyết các lệch lạc trong cấu trúc của mũi. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc chống xung huyết, co mạch, kháng sinh.

Muốn điều trị khỏi bệnh thì cách ly khỏi các yếu tố gây dị ứng là biện pháp lý tưởng nhưng thực hiện điều này khác nào lấp biển dời non vì ngày nay làm sao bạn tìm được một môi trường không ô nhiễm, khói bụi, khí hậu ôn hòa... Nhưng nếu bạn tích cực thực hiện những điều đơn giản như giữ ấm khi trời trở lạnh (đừng ngại ai cười khi trời mới vừa nổi gió bạn đã mặc thêm áo khoác hay quấn khăn); không thử các loại thực phẩm hay thuốc men mà bạn chưa từng dùng; thường xuyên dọn dẹp lau chùi nhà cửa đồ đạc để cải thiện môi trường. Với chó, mèo cho dù yêu thương chúng đến mấy bạn cũng chỉ nên "kính nhi viễn chi" thôi. Và đừng quên đeo khẩu trang, kính mắt mỗi khi ra đường hay vào nơi công cộng. Thà làm Nin-ja còn hơn là trưng diện một chút rồi khổ vì hắt hơi, sổ mũi. Nếu thực hiện tốt những điều này, bạn hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với VMDU.

Theo Bs Đào Tuyết

(Trung tâm Truyền thông và GDSK Trung Ương)



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.