Sữa non: Những ngộ nhận đáng tiếc

Theo một khảo sát gần đây, vẫn có 42% người Việt vắt bỏ sữa non trong những ngày đầu sau sinh, vì thế những giọt sữa “vàng” quý giá đã bị lãng phí.

Theo một khảo sát gần đây, vẫn có 42% người Việt vắt bỏ sữa non trong những ngày đầu sau sinh, vì thế những giọt sữa “vàng” quý giá đã bị lãng phí. Đây là hậu quả của những ngộ nhận đáng tiếc trong xã hội.

Trong tiếng Anh không có từ “sữa non”, mà sữa đầu tiên được tạo ra trong vú mẹ được gọi là “colostrum” - có nghĩa là “sữa vàng đầu tiên”. Thế nhưng không biết do đâu lại có tên tiếng Việt là sữa non.

Cách đặt tên này gây ra nhiều hiểu lầm về sữa vàng đầu tiên quý giá. Rằng nó còn non, non có nghĩa chưa chín, nó chưa đủ tốt, uống vào bé sẽ bị đau bụng. Nhiều người Việt vắt bỏ sữa non những ngày đầu sau sinh và chờ đến khi hết “cái sữa trong trong”, rồi nào là phải “nhồi xôi nóng cho sữa trong vú mau chín” và sữa đã “chuyển màu trắng” thì trẻ mới được bú mẹ. Ngộ nhận này thật tai hại nghiêm trọng. Quả là “sai một ly, đi một dặm!” - Trẻ con của chúng ta mất hẳn cơ hội được nhận trọn vẹn sữa non quý giá! Để đánh giá đúng về loại sữa đặc biệt này, có lẽ chúng ta nên bắt đầu từ việc gọi nó là “sữa vàng đầu tiên”.

Sữa non: Những ngộ nhận đáng tiếc
Sự khác nhau giữa sữa vàng đầu tiên và sữa mẹ sau này.

Nhiều bà mẹ than thở: “Em sinh con được hai ngày rồi, nhưng vẫn chưa có sữa”; “Em sinh xong mà con chỉ mút được có một tí tẹo sữa, không cho con bú sữa bột thì em sợ con sẽ đói lả mất”; “Em ăn móng giò, nhồi ngực mãi đến ngày thứ ba sữa mới về”; “Em làm đủ mọi cách nhưng 10 ngày rồi vẫn chưa đủ sữa cho con bú”. Thực ra đây là những ngộ nhận bởi không hiểu biết về cơ chế tạo sữa.

Cho trẻ bú sớm và bú sữa mẹ hoàn toàn trong giờ đầu sau đẻ, không cho trẻ ăn thêm bất cứ một loại thực phẩm nào khác. Theo khuyến cáo của WHO, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú mẹ đồng thời bổ sung thêm các thực phẩm thích hợp khác cho đến 2 tuổi hoặc lâu hơn tùy trường hợp. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn có thể ngăn ngừa tử vong do tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trong 3 tháng đầu. Cho trẻ bú sớm còn làm kích thích tuyến yên tăng tiết oxytocin giúp tử cung co tốt hơn để phòng ngừa chảy máu sau đẻ.

(Trích Quy trình chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ - Bộ Y tế)

Thông thường, vào khoảng tuần thứ 16-20 của thai kỳ, trong bầu vú mẹ sẽ diễn ra quá trình hoàn chỉnh của tế bào tạo sữa (lactocytes - nang sữa) và những giọt sữa vàng đầu tiên bắt đầu được tạo ra, cho đến khoảng 72 giờ sau khi sinh. Như vậy, sữa vàng đầu tiên đã có sẵn trong bầu vú mẹ từ trước khi người mẹ chuyển dạ sinh. Do đó, mẹ sinh non, sinh thường, sinh mổ đều có sẵn sữa vàng đầu tiên dành cho con mình. Để sữa vàng đầu tiên tiết ra kịp thời, cần sự có mặt của hormon oxytocin. Hormon này có được nhiều sau khi sinh nếu ngay sau khi sinh con được da tiếp da mẹ và bú mút vú mẹ liên tục càng sớm càng tốt.

Màu sữa vàng đầu tiên không giống màu sữa già: sữa vàng đầu tiên có thể vàng đậm, vàng nhạt, trắng trong, hơi hồng, hơi nâu, hơi cam... Vì hình thức như vậy nên có quan niệm sai lầm cho rằng sữa non có nghĩa là “còn xanh, còn non” chưa đủ chín, nên chưa dùng được. Lại có bà mẹ hoang mang rằng: “Em có thấy sữa non nhưng nó trong veo, màu bẩn bẩn, không biết có dùng được không, hay phải vắt bỏ cho đến khi thấy sữa trắng?”.

Hình thức sữa vàng đầu tiên không giống hình thức sữa già: tùy từng trường hợp, sữa vàng đầu tiên có thể đặc sệt, thậm chí dính như keo.

Chất sữa vàng đầu tiên không giống chất sữa già: sữa vàng đầu tiên có lượng kháng thể đậm đặc gấp 8-12 lần lượng kháng thể của sữa già, sữa vàng đầu tiên nhiều muối và ít đường hơn sữa già.

Lượng sữa vàng đầu tiên không giống lượng sữa già: sữa vàng đầu tiên chỉ có vài mililit và được tiết từng lượng nhỏ, mỗi cữ (mỗi giờ có thể là một cữ mới) trong ngày đầu sau khi sinh và sẽ tăng dần trong những ngày tiếp theo.

Tất cả đặc điểm này phù hợp với phản xạ bản năng, nhu cầu da tiếp da của cả hai mẹ con, động tác mút nuốt, dung tích dạ dày, khả năng tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Nếu chúng ta nghĩ rằng sữa non phải có hình thức như sữa già, phải ra thành tia, phải được ít nhất vài chục mililit ngay sau khi sinh, bé phải bú được căng phồng bụng và ngủ say 2-3 giờ (như bé bú sữa bột cho trẻ em), thì mới được xem là “mẹ có sữa”, thì hậu quả tất yếu là sản phụ sinh con xong đều “chờ sữa về” mà không cho con bú ngay. Tác hại phổ biến nhất của sự ngộ nhận này là bà mẹ luôn chú ý mang theo sữa bột cho trẻ em và bình sữa đi sinh, để phòng nhỡ mẹ sinh xong không có sữa, khiến điều này trở thành nếp, ai ai cũng truyền kinh nghiệm này cho người khác trước khi đi đến nhà hộ sinh. Vì không hiểu đúng về sữa vàng đầu tiên và tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sữa này mà nhiều người cho rằng đề nghị của WHO và UNICEF cho bé bú mẹ ngay sau khi sinh và không gì ngoài sữa mẹ là lời đề nghị “khoa học lý thuyết suông”, “xa rời thực tế”!

Khoảng cách giữa “khoa học” và “thực tế” là gì? Chúng ta hãy tìm hiểu khoảng cách này để xóa bỏ những ngộ nhận tai hại, khiến trẻ sơ sinh không được hưởng trọn vẹn lợi ích của “72 giờ vàng sữa non của mẹ” mà mọi trẻ em cần phải được hưởng.

Theo Sức khỏe đời sống



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.