Ung thư vú và dân trí ở các nước nghèo

Cách đây trên 5 năm, người viết bài này mất đi một người bạn gái cùng lớp phổ thông do chứng ung thư vú. Bạn tôi là bác sĩ, chồng cũng là bác sĩ, sống sung túc ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi cảm giác có khối u ở ngực, hai người tưởng đó là chuyện đùa, khối u quá nhỏ bé, "chẳng có cớ sự gì đột ngột, chắc là u lành", họ nghĩ. Đến khi bạn tôi...

Những gì xảy ra sau đó mang tính tuyệt vọng, thụ động và quái đản. Thụ động tìm cách hóa trị, tuyệt vọng trải qua những cuộc phẫu thuật tốn kém nhưng vô ích. Quái đản trong cách người chồng của bạn tôi đối xử với vợ theo lối: em sẽ ra đi, anh sẽ ở lại trông con và cần có vợ mới, em (khi chưa chết) thì nên tập dần với cuộc sống đó. Bạn tôi chịu hết, thậm chí còn dạy cho cô vợ mới của chồng quen dần với nếp của gia đình, đặng ra đi cho yên tâm. Bạn tôi đã nhắm mắt ở Sài Gòn.

Câu chuyện của bạn tôi là tựa như lối ứng xử của đa số phụ nữ ở các nước đang phát triển. Thông tấn AP trích dẫn lời một phụ nữ ở nông thôn Mexico biện bạch cho việc cô từ chối không cho khám ngực để phát hiện khối u: Nếu biết tôi có khối u như vậy thì chồng tôi sẽ bỏ đi và mang theo nguồn thu nhập của cả gia đình.

Các chuyên gia quốc tế về ung thư vú cho biết 2/3 số phụ nữ ở các nước đang phát triển không chấp nhận chuẩn đoán phòng bệnh, cho đến khi quá muộn. Những thông tin gần đây cho hay, so với phụ nữ Mỹ, phụ nữ ở các nước nghèo có thể mắc bệnh này sớm hơn 10 năm - nguyên nhân ra sao? Chưa ai biết.

Ở Châu Phi, nơi mà nhiều phụ nữ được đánh giá không hơn gì những cỗ máy đẻ con, hoặc những nô lệ tình dục trong các hộ dân, chị em phải chịu đựng nhiều thiệt thòi nhất trong vấn nạn ung thư vú. Ngoài ra họ còn là nạn nhân của HIV/AIDS và viêm phổi (TB).

Cho đến nay, người ta vẫn chưa lập được đầy đủ hồ sơ về ung thư vú ở các quốc gia nghèo, vì nhiều lý do. Do dân trí thấp, phụ nữ ở đó không được đi khám sớm và đều đặn. Các cơ sở y tế chưa có thói quen lưu trữ số liệu về căn bệnh này. Tuy nhiên, theo một đánh giá của Đại học Harvard, bệnh nhân ung thư vú ở các nước đang phát triển sẽ chiếm 55% tổng số 450.000 ca trên toàn cầu trong năm nay và sẽ tăng khoảng 36% vào năm 2020.

Nói như thế để bộc lộ một thực tế trong khối các nước giàu có. Số bệnh nhân ung thư vú ở Mỹ sẽ tăng thêm gần 200 ngàn ca trong năm nay. Tuy nhiên, cũng giống ở Úc, mức độ sống sót của các bệnh nhân này cao hơn do họ chủ động khám sớm và trị sớm. Nhiều trường hợp, bệnh nhân không đến mức phải cắt bỏ ngực - điều thường gây tổn thương tâm lý cho chị em.

Ngược lại, ở châu Phi, như ở Rwanda và Malawi chẳng hạn, nếu phụ nữ có đủ khả năng tài chính đến khám ở thủ đô và nếu phát hiện ra bệnh, thì chính họ lại đối diện với hiểm họa bị cắt bỏ ngực, nhiều khi không cần thiết vì máy móc, kỹ thuật cũng nhưng trình độ của các bác sĩ còn thiếu thốn.

Giải pháp: Nặng về nâng cao dân trí

Một đoàn chuyên viên về ung thư vú và đại diện một số các cơ quan từ thiện đã gặp gỡ giữa tháng 11-2009 để lập chiến lược giúp giảm thiểu ung thư vú ở các nước đang phát triển. Đoàn chuyên viên này do Felicia Knaul. chuyên viên y tế, giám đốc tổ chức Global Equity Initiative của Đại học Harvard, Lawrence Shulman của Viện Ung thư Dana Farber.

Một phần của chiến lược này chú trọng việc tập huấn các nhân viên hộ sinh và các dịch vụ y tế nông thôn tổ chức việc khám định kỳ bằng tay, ở những nơi chưa có máy soi (mammography machines). Phần thứ hai trong chiến lược đó bao gồm việc đoàn công tác sẽ làm việc với các hãng sản xuất dược liệu để tổ chức các dịch vụ xạ trị có chi phí thấp cho các bệnh nhân ở các nước nghèo, tương tự như các trường hợp xử trí HIV/AIDS ở Phi châu.

Còn ở Việt Nam?

Từ đầu những năm 2009, cùng trong số các quốc gia đang phát triển, phụ nữ ở Việt Nam đã và đang được tuyên truyền thường xuyên hơn về ung thư vú. Tuy nhiên, trong số trên 70% dân số sống ở các vùng nông thôn thiếu thốn ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những tâm lý giấu giếm, sợ mang tiếng rồi chồng bỏ và gia đình hắt hủi. Thiếu thốn về kinh tế để chữa trị cùng là trở ngại lớn.

Cũng như ở Phi châu, những chẩn đoán và xử lý của các phòng mạch công và tư ở Hà Nội và TP.HCM nhiều khi "chỏi nhau", rơi vào mức hời hợt quá hay thái quá. Trong giới chuyên môn ở Việt Nam vẫn nổ ra tranh cãi về việc chẩn đoán cắt một phần, hay cắt nhiều khuôn ngực của phụ nữ và không có cơ quan nào làm trọng tài.

Cũng nên ghi nhận một thực tế nữa ở Việt Nam đó là những ai có khả năng tài chính thường tìm cách đi khám bệnh ở Thái Lan và Singapore. "Em không tin vào những chẩn đoán và phác đồ của nhiều cơ sở y tế nội địa và thậm chí của cả bác sĩ nước ngoài mở dịch vụ ở Việt Nam", một bệnh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn.

Sơ lược về ung thư vú:

Hiện tại, chưa có kết luận thật chính xác nguyên nhân gì dẫn tới ung thư vú. Các nhà khoa học cho rằng sự thay đổi DNA (nhiễm sắc thể) có thể khiến tế bào vú bình thường thành tế bào ung thư. Có bằng chứng cho thấy ung thư vú truyền qua gen trong gia đình.

Yếu tố mạo hiểm là tăng khả năng mắc bệnh hoặc làm bệnh trầm trọng hơn (có thể loại trừ):

Uống rượu bia

Hút thuốc lá

Thói quen ăn uống

Ăn nhiều mỡ

Mập phì

Làm ca đêm nhiều

Ít thể thao và vận động thân thể

Phụ nữ dùng thuốc tránh thai

Phụ nữ không nuôi con bằng sữa mẹ - không cho con bú.

Tuy nhiên, mang yếu tố mạo hiểm không nhất thiết dẫn đến ung thư vú.

Yếu tố mạo hiểm không thể loại trừ hay thay đổi được:

Nòi giống: Người Á, Địa Trung Hải và Mỹ trắng ít bị hơn người Mỹ gốc Phi (da đen).

Gen thay đổi và di truyền trong gia đình: trong nhà, nếu có bà mẹ bị ung thư vú, thì con gái có khả năng mắc bệnh cao gấp đôi so với phụ nữ khác.

Tuổi tác: càng cao tuổi, khả năng mắc bệnh càng cao (trên 55 tuổi càng nguy hiểm).

Nữ giới có nhiều (gấp 100 lần) khả năng mắc ung thư vú ở nam giới.

Theo Lê Minh

Phụ nữ ngày nay



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.