Cay đắng tột cùng của người mẹ phải mang con cho người khác

Chị quen người đàn ông ấy trong một lần đi nhận quà của hội từ thiện. Anh là lái xe ôm gần nhà nhưng chưa từng quen trước đó.

Chị quen người đàn ông ấy trong một lần đi nhận quà của hội từ thiện. Anh là lái xe ôm gần nhà nhưng chưa từng quen trước đó. Thấy chị tội nghiệp, anh đỡ chị bước đi rồi đưa về tận nhà không lấy tiền. Lòng chị xuyến xao…

Mến sinh ra vốn dĩ cũng bình thường như những đứa trẻ khác. Chỉ tới khi lên năm tuổi, chị bị một cơn sốt bại liệt hành hạ, đôi chân của chị mới không đi lại bình thường được nữa. Đôi chân teo nhỏ, quặt quẹo, mỗi bước đi là một khó nhọc. Người chị đầy những vết thâm tím xước xát vì ngã. Thế nên những lúc ở trong căn nhà chật hẹp của mình, chị chỉ bò loanh quanh như một đứa trẻ. Chị cứ nhớ mãi một buổi trưa, bố chị đầm đìa mồ hôi bước vào nhà, chị đang bò ngay cửa, ngước mặt lên chào. Khóe mắt người cha thương con trào ra hai dòng nước mắt.

Lớn lên chị không đi học, ngày ngày chị bị khóa trái cửa trong nhà để bố mẹ đi làm. Không biết chữ cũng không có bạn bè, chị phải nói chuyện với chính mình cho bớt cô đơn.

Cuộc sống cứ thế trôi đi, thấm thoắt chị đã thành người đàn bà hơn bốn mươi tuổi, vẫn chỉ quẩn quanh nơi xó nhà, không biết cuộc sống bên ngoài ra sao. Hiếm hoi lắm mới có một dịp để ra ngoài, mà những dịp ấy thường là khi chị ốm phải đi viện.

Chị quen người đàn ông ấy trong một lần đi nhận quà của hội từ thiện. Anh là lái xe ôm gần nhà nhưng chưa từng quen trước đó. Thấy chị tội nghiệp, anh đỡ chị bước đi rồi đưa về tận nhà không lấy tiền. Lòng chị xuyến xao.

Cay đắng tột cùng của người mẹ phải mang con cho người khác-1

Ảnh minh họa

Người đàn ông lâu lâu ghé lại nhà, có khi mang cho túi hoa quả, có khi là gói kẹo. Người đàn ông dạy chị viết chữ. Lần đầu tiên chị sung sướng khi biết được những tờ báo viết gì. Nhưng khi chị biết chữ rồi, anh ít ghé lại hơn. Chị cứ cồn cào thương nhớ. Nhà chỉ còn mẹ già với chị, mẹ già khuyên chị nên xin người đàn ông một đứa con để có chỗ nương tựa tuổi già sau này.

Chị có bầu, người đàn ông vì trách nhiệm với gia đình của riêng mình, không đến nữa. Chị không trách, dẫu sao họ cũng chưa từng có ý gì với chị, họ chỉ đơn thuần giúp đỡ chị thôi.

Chuyện mang thai của chị nhiều nhọc nhằn, cột sống chị phải oằn lên vẹo vọ. Những ngày mang thai, chị hầu như không thể ngủ, chỉ khi mệt quá mới thiếp đi được một chút. Chị sinh mổ sớm để an toàn cho cả mẹ và bé. Đứa bé nhỏ xíu xiu, làn da nhăn nheo đỏ hỏn. Chị rớt nước mắt. Bốn mươi hai tuổi đầu, lần đầu tiên chị khóc vì hạnh phúc.

Mẹ già của chị lưng đã còng, chạy qua lại giữa khoa sơ sinh và khoa hậu phẫu để lo cho chị và con chị. Người khác chỉ nửa ngày sữa đã về, còn chị một tuần trôi qua vẫn không có sữa. Hai bầu ngực chị quắt queo như là mướp héo. Những ngày ở viện, con chị phải đi bú nhờ hết người này đến người kia.

Về nhà được vài ngày thì trời nổi bão. Mẹ chị lại lết lưng còng ra cố che chắn lại cho chuồng gà. Trúng mưa, bà bị cảm nằm liệt giường rồi mất. Chỉ còn lại hai mẹ con chị trong căn nhà xập xệ. Không có tiền mua sữa cho con, chị phải mua hộp sữa đặc để pha cho con uống, rồi húp nước cháo. Đứa bé còi cọc, mấy tháng rồi mà vẫn bé xíu xíu như lúc vừa đẻ, hai mắt lồi ra, chân tay còi cọc thảm thương.

Gạo trữ để dành cũng dần hết, số tiền viếng đám ma của mẹ chị tiêu cũng đã cạn. Chị bối rối không biết trông đợi vào đâu thì con bé con ốm. Con bé sốt cao suốt cả ngày trời không hạ, cứ khóc ngằn ngặt không dứt. Muốn đưa con đi viện mà không có cách nào, chị đành gọi điện thoại cho bố đứa bé.

Đứa bé bị rối ruột, phải cắt bỏ cả đoạn dài. Nhưng người trả tiền viện phí không phải người đàn ông mà là vợ anh. Trong lúc cuống cuồng phải lo đưa đứa bé đi bệnh viện, anh đã thú nhận với vợ. Sau khi đấu tranh tư tưởng suốt cả đêm dài, sáng nay vợ người đàn ông ấy đến đây.

Nhìn người đàn bà tật nguyền cứ lết lết dưới sàn chật vật, không bế nổi con rồi lại nhìn đứa bé đang say ngủ bên cạnh đống thuốc men dây chuyền, vợ anh không cầm lòng được. Hai vợ chồng họ cũng có những đứa con, chúng không thể không có cha. Nhưng vợ anh không thể chung chồng được. Vợ anh đưa ra đề nghị, để vợ anh đón đứa bé về nuôi.

Chị nghe thấy như sét đánh bên tai, toàn thân rụng rời. Chị những muốn gào thét lên mắng mỏ người đàn bà độc ác, nhẫn tâm cướp con khỏi tay chị. Nhưng chị không lên tiếng được. Chị lặng lẽ khóc vì chị biết đó là lựa chọn tốt nhất cho đứa bé. Chị đã cố gồng hết sức rồi nhưng mất mẹ chị, chị lo cho thân mình cũng không xong, huống hồ lo cho đứa bé.

Nghĩ vậy, chị lẳng lặng lết đi ra khỏi bệnh viện, không dám nhìn con lần nữa. Con chị còn chưa làm giấy khai sinh. Chị đã mong muốn có nó trong cuộc đời này nhưng rốt cuộc chỉ làm cho nó khổ. Giọt nước mắt chị cứ trào ra cay đắng. Cuộc đời chính chị, chị còn chưa biết sẽ trôi về đâu? Chị chỉ biết rằng vì con, nhất định chị phải cố gắng sống.



Theo Gia đình & Xã hội


mang thai

xin con


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.