Khốn đốn vì mẹ chồng tiết kiệm một cách cổ hủ

Tết vẫn chưa đến, mà tôi đã thấm lắm mấy lời cảnh báo của các chị đồng nghiệp. Tết vui đâu chả thấy, chỉ toàn mệt mỏi khi phải đối phó với mẹ chồng tiết kiệm đến cổ hủ.

Tết vẫn chưa đến, mà tôi đã thấm lắm mấy lời cảnh báo của các chị đồng nghiệp. Tết vui đâu chả thấy, chỉ toàn mệt mỏi khi phải đối phó với mẹ chồng tiết kiệm đến cổ hủ.

Cái Tết đầu tiên ở nhà chồng sau khi làm dâu được vỏn vẹn một tháng, tôi háo hức khi nghĩ đến chuyện trổ tài nữ công gia chánh lấy lòng bố mẹ chồng. Vốn chẳng phải là đứa vụng về, tôi tin bố mẹ chồng mình cũng sẽ không đến nỗi xét nét.

Tuy nghe mấy chị đồng nghiệp nửa đùa nửa thật rằng cứ chuẩn bị đón một cái Tết không yên ổn đi là vừa, tôi vẫn chỉ cười chứ không mấy bận tâm.

Ngày nghỉ Tết cũng đến, hai vợ chồng tay xách nách mang đủ thứ về quê. Trước đó, tôi đã tìm sẵn mấy chỗ bán thực phẩm sạch để sắm ít đồ ăn Tết: Chục quả bưởi Diễn loại ngon, măng lưỡi lợn đặt mua tận Lào Cai, giò nghé đặc sản Nghệ An, ít thịt bò khô Sa Pa cho bố chồng lai rai mấy ngày Tết…

Lựa toàn đồ ngon đặc sản nên đống thực phẩm cũng ngốn của tôi mất mấy triệu đồng. Thưởng Tết của hai vợ chồng cũng không cao lắm, nên số còn lại tôi định đưa cho mẹ chồng thêm hai triệu để sắm Tết, ngoài ra bỏ hai bao lì xì mỗi chiếc 500 nghìn mừng tuổi ông bà đêm giao thừa.

Đồ mang về quê, mẹ chồng tôi nhấc từng quả bưởi, từng lát măng kiểm tra kỹ càng, miệng liên tục hỏi tôi giá từng món. Chẳng nghĩ ngợi nhiều, tôi thật thà khai báo. Nói xong, tôi thấy mặt bà biến sắc, đi thẳng lên nhà mặc kệ tôi loay hoay tìm chỗ bảo quản đống thực phẩm. Chẳng biết bà chê đắt hay chê đồ tôi mua không tốt, nhưng tôi lờ mờ cảm thấy sóng gió đã bắt đầu ập về.

Ngày hôm sau, tôi tranh thủ ra chợ Tết gần nhà mua ít củ quả về làm mứt, mấy cái tai lợn về làm món tai lợn hầm ngũ vị tôi mới học được của chị đồng nghiệp. Vừa về đến nhà, chồng đã giục giã thay đồ đi ăn đầy tháng con của một cậu bạn thân anh, tôi đành cất tạm đồ vào tủ lạnh, không quên dặn mẹ chồng rằng đến chiều mình về sẽ chế biến. Vậy mà buổi chiều về tới nhà, tôi mở tủ lạnh ra đã thấy đĩa tai lợn luộc ăn dở còn trong tủ lạnh. Vội vàng hỏi mẹ chồng, bà cao giọng:

- Tai lợn buổi trưa luộc cho bố mày uống rượu rồi. Tết nhất thì ăn thịt thà chứ làm mấy cái món linh tinh ấy vừa tốn tiền vừa tổ đau bụng.

Chỉ đống củ quả tôi để ở góc bếp, bà tiếp:

- Chỗ này để lại Tết khỏi mua rau. Làm hết chỗ mứt này thì cũng tốn khối đường đấy, mua sẵn vừa tiện vừa rẻ, tội gì.

Nói là làm, buổi chiều bà đi chợ vác về mấy gói mứt dừa, mứt bí nhuộm phẩm màu xanh đỏ “vừa tiện vừa rẻ” như lời bà nói. Tôi đành ngậm ngùi tuân theo thực đơn ngày Tết bà đã lên sẵn, chẳng dám sáng tạo gì. Bao háo hức chinh phục bố mẹ chồng bằng nữ công gia chánh của tôi thành công cốc.

Chưa hết, ở nhà chồng mấy hôm mà tôi phát hoảng bởi quan niệm an toàn vệ sinh thực phẩm cổ hủ của mẹ chồng. Mặc dù tôi đã mua màng bọc thực phẩm sinh học để bảo quản đồ ăn cho an toàn, nhưng bà vẫn chỉ thích dùng mấy chiếc túi bóng xanh đỏ để “cho tiện”.

Nhà ít người, nhưng bữa trưa nào bà cũng bắt tôi xào cả đĩa rau to tướng, canh nấu nồi đầy để bữa tối đỡ phải nấu nướng, tốn ga, tốn điện. Rau xanh ăn sau khi nấu vài chục phút đã mất hết chất dinh dưỡng, đằng này để đến nửa ngày, có khi sang đến hôm sau vẫn chưa được phép vứt đi. Có hôm, nồi canh cua mồng tơi nấu từ trưa được bà đun lại cho nóng thành nát bét, báo hại tôi lỡ húp mấy thìa canh đã ôm nhà vệ sinh cả tối.

Khổ nhất là khi tôi lục được cả bọc khoai tây đã mọc mầm hết sạch trong góc bếp, định vứt đi thì bà hét toáng lên: “Làm ra bao tiền mà phí phạm, khoai tây mọc mầm thì gọt mầm đi là xong. Các anh các chị cứ cậy có tí khoa học vớ vẩn rồi lãng phí”. Tôi nào dám cãi nửa câu, vậy là nồi canh khoai tây hầm xương hôm đó, tôi chẳng dám đụng đũa lấy một miếng.

Phàn nàn với chồng, anh chép miệng: “Bà bảo thủ từ xưa rồi, không nghe ai đâu. Em cứ ừ à đi cho xong chuyện”. Chồng đã nói vậy, tôi cũng đành tặc lưỡi, tự nhủ chỉ ở nhà thêm mấy ngày Tết nên cố gắng chiều ý bà cho êm cửa êm nhà.

Tưởng thế là xong, vậy mà trưa hôm nay, tôi vừa ngủ dậy định đi xuống bếp lấy bình nước thì nghe thấy tiếng nói chuyện rôm rả của mẹ chồng với mấy bà hàng xóm. Giọng mẹ chồng tôi oang oang: “Vợ chồng thằng Huy (con bà hàng xóm) biếu Tết bố mẹ những chục triệu cơ à. Nhà này vô phúc có cô con dâu hoang phí không biết thu vén, bỏ ra mấy triệu mà mang về được nhúm măng với mấy quả bưởi héo, cuối cùng đưa mẹ chồng sắm Tết được 2 triệu chẳng bõ bèn gì”.

Nghe xong, tôi ức đến nghẹn cổ. Vì muốn bố mẹ chồng được ăn món ngon, an toàn trong ngày tết, tôi đã phải lùng mua toàn đặc sản sạch, có đắt thì cũng xắt ra miếng. Vậy mà mẹ chồng chỉ chăm chăm tính toán con dâu đưa tiền mặt bao nhiêu. Nghĩ đến hai tờ năm trăm nghìn để sẵn trong phong bao lì xì, tôi thở dài. Chắc qua đêm giao thừa, tôi lại mang thêm tiếng cô con dâu đểnh đoảng, hoang phí, vung tiền quá trán để đến nỗi tiền mừng tuổi bố mẹ chồng cũng chỉ có tiền trăm chứ chẳng phải tiền triệu như con dâu nhà người ta.

Tết vẫn chưa đến, mà tôi đã thấm lắm mấy lời cảnh báo của các chị đồng nghiệp. Tết vui đâu chả thấy, chỉ toàn mệt mỏi khi phải đối phó với mẹ chồng tiết kiệm đến cổ hủ.

Theo Emdep


bà mẹ trẻ

lấy chồng

tiền bạc

tiền để dành


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.