Mắc bệnh tâm thần vì bị ép sinh con trai

Tôi đã từng đi cùng thần chết đến nửa đường lại quay về đến hai lần. Hiện giờ trong đầu tôi luôn luôn văng vẳng tiếng gọi của những đứa con gái chưa kịp chào đời đã bị tôi phá bỏ.

Chồng tôi là độc đinh, lại là trưởng tộc. Về quê chồng, những ông già bằng tuổi ông nội tôi nhưng lại cúi đầu gọi tôi bằng chị, bằng mợ. Vai vế trưởng tộc khiến tôi vừa về làm dâu đã bị mẹ chồng bảo ban rát mặt về việc nhất định tôi phải sinh con trai.

Chồng tôi cũng cười cười bảo nếu tôi không sinh được người nối dõi thì anh sẽ bị mẹ ép cưới thêm vài bà vợ. Tôi là cô gái nghèo, vừa tốt nghiệp cao đẳng, chưa có việc đã cưới chồng nên nhất nhất đều nghe theo chồng và mẹ chồng.

Ảnh minh họa

Sau đám cưới, mẹ chồng tôi đã dẫn tôi đến mấy thày lang được bạn bè giới thiệu là “mát tay bốc thuốc sinh con trai”. Mỗi ngày 3 thang thuốc, tôi phải uống ròng rã hơn 6 tháng. Ám ảnh mùi thuốc quyện cả vào trong giấc ngủ. Đến khi tôi có thai, bố mẹ chồng tôi vui mừng vì chắc chắn là con trai, còn đặt sẵn cái tên Đức Tài cho cháu đích tôn. Nhưng kết quả siêu âm tháng thứ 3 khiến cả nhà thất vọng thở dài sườn sượt. Thậm chí, mẹ chồng tôi còn tỷ tê bảo tôi đi phá thai để chờ “phục thù” đợt sau.

Vì là cháu đầu nên khi tôi nhất quyết từ chối, mẹ chồng tôi cũng không ép nữa. Chồng đi công tác biền biệt, bố mẹ chồng bỏ mặc tôi với những cơn ốm nghén vật vã nôn đến mật xanh mật vàng. Đứa trẻ không đủ dinh dưỡng sinh ra còi cọc, khóc nhanh nhách khiến cả nhà càng khó chịu. Chồng tôi cũng nhăn nhó đòi ra ngủ riêng.

Con được hơn 1 năm, mẹ chồng tôi lại thúc giục tôi sinh con. Lần này bà lại bắt tôi uống thuốc bắc, còn bắt ăn mặn, ăn nhiều hải sản, còn canh trứng, “xếp lịch” yêu đương. Đến khi tôi mang thai 2 tháng, chẳng biết nghe ai mà bà dẫn tôi đến chỗ thử máu để biết giới tính thai nhi. Kết luận của bác sĩ giống như phán quyết của toà án địa ngục. Dưới sự dỗ dành như ép buộc của chồng và mẹ chồng, tôi đã phải đi phá thai. Tôi không thể quên cảm giác lạnh lẽo của vật kim loại giữa hai chân tôi và sự đau đớn đến tê dại đầu óc.

Trong 1 năm tôi phá thai đến 2 lần, chỉ vì thai nhi là gái. Có lần, do giới tính thai nhi siêu âm không được rõ nên phải đợi đến tháng thứ 4 tôi mới bỏ thai. Lúc đó, tiếng tim thai đã rõ mồn một.

Khi con gái đầu được 3 tuổi, tôi lại mang thai, nhưng vẫn là con gái. Tôi sợ hãi đến mức không ăn, không ngủ, suy yếu đến mức không thể phá thai. Bác sĩ cũng cho biết, do phá thai liên tục nên thành tử cung của tôi rất mỏng, nếu tiếp tục phá thai có nguy cơ thủng tử cung, băng huyết, rất nguy hiểm. Do đó, mẹ chồng tôi chỉ có thể thở dài sườn sượt, không dám ép tôi. Chồng tôi càng chán nản, đi nhậu nhẹt thường xuyên. Đứa con sinh ra thiếu tháng, bé như con mèo hen.

Ôm con gái một mình, u uất, sợ hãi bị chồng bỏ, con lại quấy khóc ngằn ngặt, tôi đã thắt tã lên trần định tự tử. Rất may người giúp việc phát hiện. Nhưng từ đó, tôi bài xích con gái, không muốn bế, không muốn cho con bú.

Con mới được 4-5 tháng, tôi đã tìm mọi cách dụ dỗ chồng để sớm có thai lần nữa để anh ấy không bỏ tôi, không “đi gửi” con chỗ khác. Nhưng chồng tôi lại tàn nhẫn hất tôi ra. Tôi thấy rõ sự khinh bỉ, ghê sợ trên mặt anh ấy. Tôi càng đau khổ, mỗi lần nhìn thấy hai con gái là ghét bỏ. Có lần, tôi đặt hai con gái đang ngủ vào phòng kín, đốt bếp than… Bỗng nhiên lúc đó, mẹ chồng tôi lại tốt bụng đi tìm cháu gái để đưa đi chơi nên thấy ba mẹ con xếp hàng trên giường, bếp than bắt đầu ửng đỏ…

Cuối cùng, gia đình chồng phải đưa tôi đi bệnh viện tâm thần điều trị. Bác sĩ cho biết áp lực phải sinh con trai, lại bị hội chứng rối loạn tâm thần sau sinh khiến tôi bị trầm cảm nặng. Tôi điều trị một thời gian đỡ bệnh nhưng chồng tôi cũng gửi đơn ly hôn. Anh ta tàn nhẫn bảo không muốn “một con điên” đe dọa tính mạng của cả gia đình. Tôi mất cũng bị cấm tiếp xúc với hai con gái.

Bây giờ, tôi vẫn phải uống thuốc điều trị, thường xuyên đau đầu và sợ hãi tiếp xúc với mọi người. Tôi vẫn sợ ai đó sẽ hỏi “Cô sinh hai con gái à” như thể đó là tội lỗi không thể tha thứ. Tôi vẫn không thể hiểu được…

Bạn đang có tâm trạng rối bời, bạn cần được chia sẻ? Hãy gửi những tâm sự của bạn tới Tintuconline qua địa chỉ mail: tintuconline@vietnamnet.vn. Bạn sẽ nhận được sự chia sẻ, lời khuyên, động viên chân thành từ độc giả Tintuconline.

Theo Dân Việt


Bình luận