17 năm ngồi tù dù vô tội

Một vụ kết án oan sai về tội giết người bị phát hiện mới đây đã bộc lộ những khiếm khuyết của hệ thống tư pháp Nhật Bản.

Bị kết án tù chung thân vào năm 1992 về tội bắt cóc và sát hại một bé gái 4 tuổi tại thành phố Ashikaga thuộc tỉnh Tochigi, Nhật Bản hồi tháng 5-1990, ông Toshikazu Sugaya nay đã 62 tuổi, phải ngồi tù hơn 17 năm. Ông được trả tự do vào đầu tháng 6, sau khi được kết quả thử nghiệm DNA minh oan. Tòa án Tối cao Tokyo hôm 23-6 đã ra phán quyết phải xử lại vụ án này.

Ông Toshikazu Sugaya trả lời báo chí sau khi ra tù. Ảnh: Getty Images

Đau lòng nhưng vẫn tha thứ

Được tự do sau hơn 17 năm ròng ngồi tù oan tại tỉnh Chiba nên chuyến về quê của ông là câu chuyện cảm động được hầu hết báo chí Nhật Bản tường thuật. Ông nói: “Tôi bật khóc khi nhìn thấy lại đường phố ở Ashikaga”. Những đường phố này rất quen thuộc với Sugaya trước đây khi ông còn là tài xế xe buýt chở học sinh nhà trẻ.

Ông đi dọc con sông Watarase, nơi người ta tìm thấy xác bé gái, lặng lẽ cầu nguyện và hứa với vong linh cháu rằng ông sẽ giúp tìm ra thủ phạm thực sự vì “cháu và bác đều là nạn nhân”. Ông gặp gia đình nạn nhân, thanh minh với họ cũng như với anh em của ông rằng ông vô tội. Sau khi ông bị bắt, cha ông chết vì bị sốc, mẹ ông cũng qua đời hai năm sau đó. Khi viếng mộ cha mẹ mình, ông nói: “Cha mẹ đừng lo, con không phải là thủ phạm”.

Theo nhật báo Japan Today, cảnh sát trưởng tỉnh Tochigi Shoichiro Ishikawa đã khom mình tạ lỗi khi tiếp ông Sugaya: “Tự đáy lòng mình, tôi xin lỗi vì đã khiến ông chịu đựng đau khổ kéo dài như vậy”. Ông Sugaya đáp lại bằng lời cám ơn và sau đó nói với báo chí: “Tôi sẽ tha thứ cho ông ấy vì tôi cảm nhận được sự thành khẩn”.

Ông hứa sẽ tha thứ cho các viên chức điều tra và công tố nếu họ cũng xin lỗi trước mặt ông như vậy. Tuy nhiên, ông thổ lộ rằng với nỗi niềm cay đắng trong tù, ông từng nghĩ mình sẽ không bao giờ tha thứ cho họ. Thị trưởng Ashikaga Minoru Omamiuda hứa sẽ cấp cho ông chỗ ở và công việc lái xe đưa đón học sinh tại một trường tiểu học công.

Pháp luật còn khiếm khuyết

Bị bắt vào ngày 1-12-1991, ông Sugaya nhận tội ngay trong ngày hôm đó sau khi bị hỏi cung 13 giờ. Ông buộc phải “nắm lấy đôi bàn tay của nhân viên điều tra, khóc nức nở” nhận tội vì bị ép buộc nhưng rất thất vọng. Ông nói rằng nhân viên điều tra đã nắm tóc ông, đá túi bụi và nói rằng ông nên nhận tội thì đỡ khổ hơn.

Trong cuộc phỏng vấn sau khi ra tù, ông cho rằng cần có bằng chứng ghi âm và ghi hình các cuộc thẩm vấn để ngoài nhân viên điều tra và người bị tình nghi, còn có người khác biết được nội dung điều tra. Nhiều luật gia từng đề nghị giống như ông Sugaya nhưng Bộ trưởng Tư pháp Eisuke Mori lại cho rằng việc thu âm và ghi hình cuộc thẩm vấn càng gây khó khăn cho việc phát hiện sự thật.

Trên thực tế, các phương pháp thẩm vấn của các nhà điều tra Nhật Bản đã khiến dư luận nghi ngại. Theo quy định, người tình nghi bị giam giữ suốt 48 giờ đầu tiên, không được tiếp xúc với bên ngoài. Bên công tố có thể gia hạn lệnh giam giữ thêm từ 24 giờ đến 10 ngày và nhân lên hai lần sau đó, nếu có sự đồng ý của một thẩm phán. Lời thú tội được xem như căn cứ quan trọng nhất tại Nhật Bản. Báo Pháp Le Monde so sánh tỉ lệ người bị kết án sau khi thú tội tại Nhật Bản vượt quá 99% trong khi đó tại Pháp, tỉ lệ này chỉ hơn 70%.

Thủ tướng Nhật bất bình

Sau vụ oan sai nghiêm trọng này, nhật báo Asahi kêu gọi nên có một cơ chế xem xét trách nhiệm về những sai lầm tư pháp. Báo này lên tiếng: “Nếu các tòa án không tự nguyện thừa nhận sai lầm của mình thì khó lấy lại lòng tin của công chúng”. Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nhận định: “Ông ấy phải ngồi tù hơn 17 năm cho một tội ác mà ông ta không phạm phải. Những chuyện như vậy đừng nên xảy ra”.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.