Bất ổn Hồng Kông: Anh, Mỹ chọc giận Trung Quốc

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Anh và Mỹ nhiều lần lên tiếng về tình hình bất ổn tại Hồng Kông, công khai ủng hộ dân chủ ở đặc khu này.

Bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, Anh và Mỹ nhiều lần lên tiếng về tình hình bất ổn tại Hồng Kông, công khai ủng hộ dân chủ ở đặc khu này.

Cảnh báo

Ngày 29/9, chính phủ Anh tuyên bố vô cùng lo ngại về tình hình bất ổn tại Hồng Kông, thuộc địa một thời của Vương quốc Anh.

Theo Bộ Ngoại giao Anh, theo Tuyên bố chung Trung - Anh, người dân Hồng Kông được hưởng các quyền và tự do cơ bản, bao gồm quyền biểu tình. “Điều quan trọng là Hồng Kông duy trì các quyền này và người dân Hồng Kông được thực hiện chúng theo quy định pháp luật” - Bộ Ngoại giao Anh nhấn mạnh.

Chính phủ Anh cũng khẳng định bầu cử theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu là cách tốt nhất để đảm bảo quyền lợi của người dân Hồng Kồng. Anh kêu gọi tất cả các bên ở Hồng Kồng và Trung Quốc đối thoại một cách xây dựng để đảm bảo sự ổn định của Hồng Kông.

Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay và gậy để giải tán người biểu tình
Cảnh sát Hồng Kông sử dụng hơi cay và gậy để giải tán người biểu tình

Trong khi đó, Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Hồng Kông ra tuyên bố: “Mỹ ủng hộ mạnh mẽ truyền thống bảo vệ luật pháp, quyền tự do cơ bản của con người được quốc tế công nhận - như hội họp hòa bình, tự do ngôn luận và báo chí. Chúng tôi không đứng về phía nào trong cuộc tranh cãi về sự phát triển của nền chính trị Hồng Kông và cũng không hỗ trợ bất kỳ cá nhân hay nhóm chính trị nào”.

Còn người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nói: "Mỹ hối thúc nhà chức trách Hồng Kông thể hiện sự kiềm chế và để người biểu tình thể hiện quan điểm của họ một cách hòa bình. Mỹ ủng hộ phổ thông đầu phiếu tại Hồng Kông theo Hiến pháp và chúng tôi ủng hộ nguyện vọng của nhân dân Hồng Kông. Chúng tôi đã liên tục nêu rõ lập trường với Bắc Kinh và sẽ tiếp tục làm vậy. Chúng tôi tin rằng một xã hội mở, với mức độ tự trị cao nhất có thể và được điều hành bằng pháp quyền, là điều tối cần thiết cho sự ổn định và thịnh vượng của Hồng Kong".

Người phát ngôn Nhà Trắng nói rằng, vị trí trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ có uy tín hơn nếu người dân tại đây có thể tự do lựa chọn ứng cử viên cho chức vụ này.

Có vẻ như London và Washington đã chẳng ngại chọc giận Bắc Kinh bất chấp cảnh báo của nước này. Cùng ngày 29/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết, Trung Quốc phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào ủng hộ "những phong trào bất hợp pháp" như phong trào đòi dân chủ Occupy Central ở Hồng Kông.

Bà Oánh nhấn mạnh, Bắc Kinh phản đối bất kỳ sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Tuyên bố của Bắc Kinh không nêu rõ nước nào, nhưng nhìn lại toàn bộ diễn biến phong trào đòi dân chủ ở Hồng Kông trong nhiều tháng qua, đích nhắm của Trung Quốc có thể là Anh, Mỹ bởi hai quốc gia này đã nhiều lần lên tiếng ủng hộ Hồng Kông.

Cứng rắn

Ngày 29/9, cảnh sát Hồng Kông thừa nhận họ đã dùng hơi cay “87 lần” trong những vụ đụng độ với người biểu tình đòi dân chủ hôm 28/9.

Trợ lý Ủy viên Cảnh sát Hồng Kông Cheung Tak-keung cho biết hơi cay đã được sử dụng tại 9 địa điểm khác nhau ở Hồng Kông.

“Chúng tôi chỉ sử dụng vũ lực trong tình huống chúng tôi không còn lựa chọn khác”, ông Cheung nói trong cuộc họp báo ngày 29/9.

Ông Cheung cho biết thêm cảnh sát đã cảm thấy “bị cưỡng ép” khi phải bắn hơi cay vào người biểu tình.

Trước đó, cũng trong ngày 29/9, chính quyền Hồng Kông tuyên bố họ đã rút lực lượng cảnh sát chống bạo động khỏi những con đường đang ngập tràn những người biểu tình đòi dân chủ.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh trấn an sẽ không có chuyện Bắc Kinh dùng quân đội trấn áp và thông tin đưa xe tăng vào Hồng Kông là không đúng sự thật.

Đến nay cảnh sát đã bắt giữ 78 người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông. Chính quyền Trung Quốc trước đó cũng đã tuyên bố những cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông là bất hợp pháp.

Ngày 1/10 là kỷ niệm 65 năm Quốc khánh Trung Quốc. Chính quyền Hồng Kông đã phải thông báo hủy chương trình bắn pháo hoa chào mừng. Hồng Kông đang đặt chính quyền Trung Quốc trước một bài toán khó, bởi cách xử lý bất ổn ở khu vực này ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trên trường quốc tế cũng như tác động đến chủ trương "thống nhất Đài Loan".

Theo Minh Thái
Zing


Bình luận