Các nước ven Biển Đông cần tuân thủ UNCLOS

Theo giáo sư Robert Beckman, một trong những nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông là những yêu sách thái quá và không tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.

Theo giáo sư  Robert Beckman, một trong những nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông là những yêu sách thái quá và không tuân theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982.



Giáo sư Robert Beckman - giám đốc Trung tâm Luật quốc tế và giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia Singapore.

Trong một bài viết đăng trên mạng Eurasia Review ngày 8/8, Giáo sư Robert Beckman - giám đốc Trung tâm Luật quốc tế và giáo sư thỉnh giảng của Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng nếu tuyên bố chủ quyền biển phù hợp với UNCLOS, các bên hữu quan sẽ làm rõ được các khu vực chồng chéo. Điều này sẽ mở ra giai đoạn đàm phán nhằm đạt được những thỏa thuận sơ bộ về hợp tác phát triển.

Tầm quan trọng của UNCLOS

Theo Giáo sư Robert Beckman, khi theo dõi một loạt các hành động và phản ứng của các quốc gia đang gây căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, người ta thấy rõ chúng thường không tuân thủ luật pháp quốc tế và đôi khi bị ảnh hưởng bởi “trò chơi chính trị”. Trong khi đó, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 lại có tầm quan trọng cơ bản đối với việc giải quyết những tranh chấp Biển Đông vì ba lý do.




Thứ nhất, UNCLOS mang lại một khuôn khổ pháp lý chi tiết về các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia, liên quan đến mục đích sử dụng các đại dương. Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông (Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) đều tham gia Công ước LHQ về Luật biển và đương nhiên bị ràng buộc bởi các quy định của UNCLOS về pháp lý.

Thứ hai, UNCLOS quy định một quốc gia ven biển có lãnh hải rộng 12 hải lý tính từ bờ biển của nước đó. Lãnh hải là vùng biển ven bờ nằm giữa vùng nội thủy và các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia (vùng đặc quyền kinh tế). Chủ quyền của quốc gia đối với vùng lãnh hải không phải là tuyệt đối như đối với các vùng nước nội thủy, do có sự thừa nhận quyền qua lại vô hại của tàu thuyền nước ngoài. Đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc lãnh hải, quốc gia ven biển  có toàn quyền định đoạt. Theo UNCLOS, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) là vùng biển mở rộng của các quốc gia ven biển hay của quốc gia quần đảo, nằm bên ngoài và tiếp giáp với lãnh hải. Vùng biển này có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, ngoại trừ những chỗ mà các điểm tạo ra đó gần với các quốc gia khác. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia sở hữu có đặc quyền khai thác và sử dụng các tài nguyên biển. Nó là một trong các vùng mà quốc gia có quyền chủ quyền.

Thứ ba, UNCLOS quy định các vùng biển mà các quốc gia ven biển tuyên bố chủ quyền, tính từ đường bờ biển và các cấu hình địa lý khác. Thềm lục địa là vành đai mở rộng của mỗi lục địa, vốn là vùng đất liền trong các thời kỳ băng hà còn hiện nay là các vùng biển tương đối nông và các vịnh. Chiều rộng của thềm lục địa dao động cách đáng kể: thềm lục địa lớn nhất là thềm lục địa Siberia ở Bắc Băng Dương kéo dài tới 1.500 km. Biển Đông cũng nằm trên một khu vực mở rộng khác của thềm lục địa, nối liền các đảo Borneo, Sumatra và Java với châu Á đại lục.

Tuyên bố chủ quyền biển như thế nào?

Vậy làm thế nào để các nước có thể làm rõ tuyên bố chủ quyền trên biển?

Một trong những nguyên nhân chính gây căng thẳng ở Biển Đông là tuyên bố chủ quyền biển của các nước hữu quan còn mơ hồ hoặc không hoàn toàn phù hợp với quy định của UNCLOS.

Nếu các bên tuyên bố chủ quyền biển tuân thủ các quyền và nghĩa vụ theo những qui định của UNCLOS, đó sẽ là một điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết những tranh chấp ở Biển Đông. Có ba loại biện pháp mà các bên tuyên bố chủ quyền biển cần áp dụng.

Thứ nhất, các quốc gia tuyên bố quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) rộng 200 hải lý tính từ bờ biển lục địa (hoặc từ các đảo chính như trong trường hợp Phlippines) nên đưa ra thông báo chính thức về giới hạn ngoài cùng của EEZ bằng cách xuất bản các hải đồ hoặc danh sách các tọa độ địa lý theo quy định của UNCLOS 1982. Nếu chưa làm điều đó, các nước tuyên bố chủ quyền cần xác định ranh giới ngoài cùng của EEZ, thông qua việc xác định tọa độ cụ thể của chúng theo yêu cầu của UNCLOS. Ngoài ra, nếu tính lãnh hải và EEZ từ đường thẳng cơ sở dọc theo bờ biển, các quốc gia cần thông báo công khai về đường cơ sở này, thông qua việc thông báo những tọa độ theo yêu cầu của UNCLOS.

Thứ hai, các nước tuyên bố chủ quyền cần xác định tên và vị trí của các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền. Điều này là quan trọng bởi vì các nước chỉ có thể tuyên bố chủ quyền trên vùng biển xung quanh một hòn đảo theo đúng định nghĩa của nó. Một hòn đảo được định nghĩa là “một vùng đất được cấu thành một cách tự nhiên, được nước bao quanh và nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều dâng cao”. Hầu hết các cấu trúc địa lý trong Biển Đông là các rạn san hô, bãi cát ngầm không phải là “một vùng đất được hình thành tự nhiên, được nước bao quanh và nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều dâng cao”. Một công trình  nghiên cứu kết luận rằng chưa đầy 25% của khoảng 170 cấu trúc địa lý trong quần đảo Trường Sa đáp ứng định nghĩa của một hòn đảo.

Thứ ba, nếu các nước tuyên bố chủ quyền của bất kỳ hòn đảo nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng, họ nên xác định vị trí của hòn đảo này và đưa ra thông báo về vùng đặc quyền kinh tế của nó bằng cách xuất bản các hải đồ và danh sách các tọa độ địa lý chính thức về ranh giới các vùng đó, tuân theo UNCLOS 1982. Điều này là quan trọng bởi vì hầu hết các đảo ở Biển Đông là các đảo nhỏ, không người ở. Theo UNCLOS, “các bãi đá không có người cư trú hoặc tự thân không có các hoạt động kinh tế” thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

Hợp tác trong khu vực có tuyên bố chồng chéo

Nếu áp dụng các biện pháp nêu trên, các quốc gia sẽ tuyên bố chủ quyền phù hợp với UNCLOS và các vùng biển chồng chéo có thể được xác định. Một khi các vùng biển chồng chéo đã được xác định, UNCLOS yêu cầu các nước liên quan tiến hành các dàn xếp tạm thời, trong khi chờ thỏa thuận cuối cùng về việc phân định ranh giới biển. Dàn xếp tạm thời có thể bao gồm các thỏa thuận cùng nhau phát triển thủy sản hoặc các nguồn tài nguyên dầu khí.

Hơn nữa, UNCLOS cũng qui định trong thời kỳ chuyển tiếp, các nước không được hành động đơn phương ở các khu vực biển chồng chéo vì điều này sẽ gây nguy hiểm hoặc cản trở việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng về phân định ranh giới biển.

Điều này cũng phù hợp nguyên tắc 6 điểm trong Tuyên bố của các ngoại trưởng ASEAN ngày 20/7/2012, trong đó khẳng định sự cam kết của các nước thành viên ASEAN về việc hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc chung được công nhận của Luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

TheoĐất Việt


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.