"Cái bang" làm kinh tế

Bangladesh đề ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ sạch bóng ăn mày. Một mô hình kinh tế mới đã ra đời nhằm giúp người nghèo ở đất nước này kiếm tiền.

Cuộc sống của Begum, một phụ nữ tại Patira, Bangladesh, rất bi kịch. Ban ngày, cô lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm để xin của bố thí. Có những ngày không xin được tiền, Begum cùng chồng và các con lót dạ bằng thức ăn thừa, qua đêm trong chuồng bò.

"Dù muốn làm ăn, cũng không ai giúp đỡ chúng tôi cả", Begum chép miệng kể về những ngày đi cầu thực của mình. Ở tuổi 35 và là mẹ của ba đứa con, Begum không biết làm sao để thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Chị chỉ là hạt cát nhỏ nhoi trong số hơn 50 triệu người sống dưới mức nghèo khổ ở quốc gia Nam Á này.

Phép màu thay đổi số phận

Niềm mơ ước lớn nhất của Begum là làm sao kiếm đủ tiền mua một con bò sữa, chăm sóc nó và đem sữa đi bán. Như thế, cô có thể kiếm được nguồn thu nhập ổn định, không còn phải sống cảnh lay lắt nữa.

Thế nhưng, chỉ với nghề ăn xin, Begum không thể nhờ cậy được cho ai cho mình vay tiền mua bò. Chuyện đi vay vốn ngân hàng đối với Begum lại càng không thể vì nó ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười khi ngân hàng dành cho người nghèo Grameen đã đồng ý cho chị vay 5.500 taka (khoảng 119 đô la Mỹ) để mua bò.

Nhờ số vốn đó, sau vài năm chăm chỉ làm lụng, Begum đã thay đổi được số phận của mình. Giờ đây, Begum đã xây được một căn nhà hai gian rộng rãi và mua cả điện thoại để kinh doanh. Chị còn mở dịch vụ điện thoại công cộng để phục vụ cho hơn 10.000 dân làng.

"Rất nhiều người tìm đến tôi nhờ giúp đỡ. Bây giờ tôi đã cảm thấy tự tin, lo cho gia đình đầy đủ. Mọi người cũng nhìn tôi một cách kính trọng hơn", Begum mãn nguyện về những gì chị đang có.

Begum trở thành một trong những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi trong làng. Nhiều người đang tìm cách học hỏi theo, nhất là những người sống bằng nghề ăn xin.

Nạn ăn xin vốn là vấn đề đau đầu của chính quyền Bangladesh và lực lượng cảnh sát. Những phụ nữ với vẻ ngoài lôi thôi lếch thếch, choàng khăn, bồng bế trẻ con, những người đàn ông tật nguyền, mất sức lao động phải sống bằng nghề ăn xin thường xuất hiện ở khắp nơi như nhà thờ, bến xe, chợ...

Những hình ảnh vừa làm mất vẻ mỹ quan vừa gây ra những mối lo ngại về các băng nhóm trộm cắp. Trên thực tế, trong số những kẻ ăn mày, nhiều người cũng mong muốn có việc làm. Vấn đề của họ là không biết phải làm gì, không nghề nghiệp, không ai cho vay vốn nên họ đành... bó gối chấp nhận số phận.

Kohinoor Mian, 60 tuổi, một "cái bang" tại làng Pathatola, gần thủ đô Dhaka, cho biết: "Trước đây, tôi từng là một đầu bếp giỏi. Sau một tai nạn, tôi bị liệt toàn thân và không biết phải làm gì kiếm sống ngoài việc ăn xin. Giá như có ai cho vay một ít vốn, tôi sẽ mở nông trại và từ bỏ cái nghề mạt hạng này".

Mỗi ngày, Mian kiếm được khoảng 3-4 đô la Mỹ nhưng phải chia số tiền đó với người bạn đường giúp ông đẩy xe lê la đi khắp phố. Có lẽ cuộc đời của ông sẽ mãi là ăn mày và chết dần mòn ở một xó xỉnh nào đó nếu như không có...

Ông tiên của những người nghèo

Từ năm 2004, ngân hàng Grameen đã thực hiện kế hoạch giúp hàng chục nghìn người ăn xin biến ước mơ có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở, việc làm, thu nhập ổn định...thành sự thật.

Cũng như Begum, ông lão Mian đã vay 17 đô la từ ngân hàng Grameen để đổi đời. Ông dùng số tiền trên để mua một con dê và hai con gà. Hiện tại, ông không còn đi ăn xin nữa mà sống nhờ vào số tiền kiếm được từ việc bán sữa dê, trứng gà và dĩ nhiên đã trả nợ ngân hàng.

Hầu hết những cựu "cái bang" vay vốn của ngân hàng Grameen đều đã đổi đời bằng nghề chăn nuôi, buôn bán hoặc kinh doanh nhỏ.

Muhammad Yunus, người sáng lập ngân hàng và phổ biến chương trình tín dụng vi mô, đang được nhiều người nghèo xem là ông tiên giữa đời thường. Ông cho biết: "Tiêu điểm của chương trình là đem lại cuộc sống tươi sáng hơn cho những người nghèo và giúp đỡ họ rũ bỏ số phận ăn mày của mình".

Grameen cũng là ngân hàng đầu tiên trên thế giới thực hiện chương trình cho những người ăn xin vay tiền từ chương trình tín dụng vi mô mà không cần đảm bảo. Những người vay dưới 34 đô la Mỹ sẽ trả góp và không phải đóng thêm khoản lãi nào. Nếu vay nhiều hơn, họ sẽ trả mức lãi suất ưu tiên rất thấp. Nhiều trường hợp, ngân hàng thỏa thuận với các chủ cửa hàng bán sỉ bão lãnh giúp người nghèo lấy hàng với giá trị nhất định, khoảng 34 đô la Mỹ để đi bán. Sau đó, những người vay tiền sẽ trả lại tiền cho chủ cửa hàng.

Dipal Chandra Barua, một quản lý của ngân hàng, cho biết: "Chúng tôi chưa gặp phải trường hợp người ăn xin nào lừa đảo, lấy mất hàng hoặc không trả tiền. Có thể nói, tuy là ăn xin nhưng họ có đạo đức và làm ăn rất nghiêm túc".

Đổi đời kiểu Bangladesh

Mô hình ngân hàng cho người nghèo của Bangladesh đã lan tỏa đến nhiều nước, vùng lãnh thổ như Kenya, Mông Cổ, Mỹ..

Một mô hình độc đáo là Quỹ Jamil Bora ở Nairobi, Kenya. Quỹ không chỉ giúp người nghèo mà còn tạo cơ hội cho cả những tay tội phạm hoàn lương, Jamil Bora được thành lập theo sáng kiến của 50 thành viên đều từng hành nghề "cái bang".

Theo quan điểm của họ, người vay không phải là khách hàng mà là một thành viên. Quỹ này cho phép các thành viên vay vốn vì các mục đích đa dạng như làm ăn nhỏ, đóng học phí, làm nhà, mua bảo hiểm y tế.

Chỉ cần vay khoảng 15 đô la Mỹ từ quỹ, một gia đình năm thành viên có thể hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong vòng một năm. Số tiền tuy ít ỏi, nhưng đối với người nghèo, nó đã giúp họ cởi bỏ được nỗi lo lớn nhất là kiếm đâu ra tiền phòng khi ốm đau, bệnh tật.

Với giải pháp các thành viên cùng đóng góp rồi cho những thành viên khác vay lại, họ đã lần lượt giúp đỡ nhau xây nhà. Khoảng 14.000 thành viên tham gia vào quỹ đã có nhà, nhiều người còn trở thành chủ cửa hàng nhỏ, nhà xưởng...và thành đạt.

Thông tin thêm

Muhammad Yunus, sinh năm 1940, là nhà kinh tế học người Bangladesh. Ông được giải Nobel hòa bình năm 2006 vì những nỗ lực của mình với các chương trình tín dụng ngân hang Grameen, giúp đỡ người nghèo ở khắp nơi trên thế giới làm kinh tế và thoát khỏi đói nghèo. Chương trình của ông giúp người nghèo phát huy hết khả năng làm ăn và xoay xở của họ để có cuộc sống tốt hơn.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.