Cuộc hành quân chết chóc

Con đường từ Mariveles (Bataan, Philíppin) tới trại ODonnel (Tarlac, Philíppin) dài chưa đầy 100 km, nhưng đã khiến hàng ngàn tù binh người Mỹ và người Philíppin bỏ mạng.

Số còn lại may mắn thoát chết, nhưng hầu hết như ngọn đèn cạn dầu, leo lét sáng. Chính vì thế việc dẫn giải khoảng 76.000 binh lính, sĩ quan Mỹ và Philíppin đầu hàng phía Nhật Bản sau thất bại ở trận Bataan đã trở thành một trong những sự kiện tàn khốc nhất trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Với Giáo sư Lester Tenney cũng như hàng vạn người trong cuộc khác, cuộc hành quân Bataan thực sự là một nỗi ám ảnh hãi hùng.

Hình ảnh của 2 trong số hàng vạn nạn nhân của cuộc hành quân chết chóc.

Ngày 9/4/1942, cơn ác mộng bắt đầu giáng xuống quân Mỹ và quân Philíppin phòng thủ ở Bataan. Hôm qua, họ vẫn còn cầm súng sống mái với quân Nhật. Hôm nay, họ đã trở thành tù binh trong tay quân Nhật sau mệnh lệnh đầu hàng của Thiếu tướng Edward “Ned” P. King.

Đói khát và bệnh tật đã làm cho đội quân gồm khoảng 76.000 người (trong đó có hơn 11.000 quân Mỹ, còn lại là quân Philíppin) bó tay chịu trói trước đối thủ - quân Nhật Bản – có lực lượng ít hơn tới trên 20.000 người. Hi vọng trở về với người thân và gia đình giờ chỉ còn mong chờ vào “phép màu trao đổi tù binh”.

Rạng sáng 10/4, đang chập chờn trong cơn ác mộng, Tenney chợt giật nẩy mình bởi tiếng súng nhức tai. Một tiểu đội lính Nhật sộc vào, tên cầm súng trường, đứa vác súng máy. Tất cả đều hằm hằm. Hai chân Tenney lẩy bẩy, hai tay run rẩy, mồ hôi túa ra lạnh toát ở đầu và cổ. Họ sẽ trả thù? Rất có thể. Nhớ về vụ thảm sát Nam Kinh, Tenney rùng mình kinh hãi và chỉ còn biết lẩm nhẩm cầu nguyện.

Một tên lính Nhật lấy 2 ngón tay kẹp sát nhau đưa lên miệng, làm như động tác hút thuốc. Tenney hiểu rằng hắn muốn xin thuốc lá. Tenney không hút thuốc và cũng không có thuốc, nên phải lắc đầu. Bốp! Hai mắt Tenney tối sầm. Máu ào qua lỗ mũi. Tên lính Nhật thẳng tay nện cho Tenney một báng súng rồi cười ha hả.

Hắn bước tiếp đến một người tù binh Mỹ khác cạnh Tenney, làm điệu bộ tương tự. Người lính Mỹ rút đưa hắn một điếu thuốc. Hắn giằng lấy cả bao và “thưởng” cho “ân nhân” một cái báng súng. Cả bọn lính Nhật lại được một phen rú lên khoái chí, tiếp tục thản nhiên lục soát tư trang của tù binh, lấy đi bất cứ thứ gì chúng thích.

Bản đồ tuyến đường dẫn giải tù binh trong cuộc hành quân chết chóc.

“Tiếp theo sẽ là gì? Mình sẽ còn chịu đựng được bao lâu?”, Tenney tự hỏi, nhưng không thể đưa ra câu trả lời. Nếu biết hậu quả sẽ như thế này, Tenney nghĩ, sẽ cùng đồng đội chiến đấu tới cùng chứ không thể chịu đựng sự hành hạ, đói rét và ngược đãi. Trên thực tế, Tenney và đồng đội đã phải nếm đủ trò bạo hành phi nhân đạo trong gần 3 năm rưỡi. Tất cả đến từ việc kế hoạch di chuyển tù binh của người Nhật được xây dựng trên 3 giả thiết hoàn toàn vô căn cứ.

Thứ nhất, người Nhật cho rằng bán đảo Bataan chỉ có 25.000- 35.000 lính chiến đấu. Nhưng trên thực tế, con số đó lớn hơn gấp nhiều lần bởi còn rất nhiều binh lính cả của Mỹ và Philíppin trốn trong rừng và ẩn náu trong nhà dân sau đó cũng bị bắt làm tù binh. Thứ hai, quân Nhật cho rằng số tù binh bắt được trong trận Bataan hoàn toàn khỏe mạnh, có thể tiếp tục hành quân trong điều kiện không có sự bảo đảm về thức ăn và nước uống.

Trên thực tế, trong 45 ngày cố thủ ở Bataan, mỗi người lính mỗi ngày chỉ được một khẩu phần ăn chưa đầy 800 calo. Nhiều khi để bổ sung dinh dưỡng, họ đã phải bắt rắn, bắt khỉ và thậm chí là cả chuột làm thịt. Cơ thể suy nhược, bệnh tật đầy mình, đó là hình ảnh có thể thấy ngay từ những tù binh Bataan.

Cuối cùng, người Nhật cho rằng kế hoạch di chuyển tù binh của họ là hoàn mĩ, không một sai sót, tất cả các vấn đề đều được cân nhắc kĩ và họ biết là nên làm gì và làm như thế nào. Tuy nhiên, quá trình hành quân thường xuyên xảy ra chuyện tréo ngoe như: Chỉ huy A bảo tù binh xếp hàng chuẩn bị hành quân.

Một lúc sau, chỉ huy B tới bảo phải đợi lệnh. Sự thiếu thống nhất trong quân dẫn giải tù binh khi đó là rất lớn, đẩy tù binh vào thế chịu trận: Nghe lời chỉ huy A sẽ ăn đòn của chỉ huy B và ngược lại nghe lời chỉ huy B sẽ “dính chưởng” từ chỉ huy A. Tựu chung đều là chống lệnh.

Những sự việc kiểu này cứ diễn đi diễn lại tạo ra nhiều cơ hội cho quân Nhật “tính sổ” tù binh. Ngoài ra, người Nhật còn không cần biết họ đang ra lệnh cho những tù binh không biết tiếng Nhật. Mỗi khi vì không hiểu mệnh lệnh mà chậm trễ hay làm sai, tù binh đành phải cắn răng “ăn” gót giầy và báng súng.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.