Hy Lạp cầu cứu EU, IMF

Chính phủ Hy Lạp đề nghị EU và IMF cho vay khẩn cấp 45 tỉ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ ngày càng nghiêm trọng

Chính phủ Hy Lạp đề nghị EU và IMF cho vay khẩn cấp 45 tỉ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ ngày càng nghiêm trọng

Chính phủ Hy Lạp hôm 23-4 đã chính thức đề nghị Liên hiệp châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho vay khẩn cấp 45 tỉ euro để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang ngày càng nghiêm trọng

Trong bài diễn văn đọc trên truyền hình, Thủ tướng George Papandreou mô tả nền kinh tế của đất nước hiện như “một con thuyền đang chìm” và “việc yêu cầu kích hoạt cơ chế hỗ trợ của EU – IMF là cần thiết” để cứu con thuyền này.

Ông Papandreou thừa nhận rằng các biện pháp “khắc khổ, thắt lưng buộc bụng” được chính phủ thực thi trong vài tháng qua không thể thuyết phục được các nhà đầu tư tin rằng nước này có thể đối phó với món nợ 300 tỉ euro của mình.

Hy Lạp cầu cứu EU, IMF

Người dân Hy Lạp biểu tình phản đối ở thủ đô Athens hôm 23-4 sau khi chính phủ đề nghị EU và IMF cho vay khẩn cấp


Quyết định trên được đưa ra sau một cuộc họp nội các kéo dài 7 giờ. Một số bộ trưởng bày tỏ lo ngại rằng gói giải cứu sẽ đi kèm với những điều kiện thậm chí còn “khắc khổ” hơn so với những gì Chính phủ Hy Lạp đang áp dụng, như cắt giảm lương công chức, đóng băng lương hưu, tăng thuế...

Đáp lại lời đề nghị nói trên, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn hôm 23-4 khẳng định tổ chức này sẽ nhanh chóng triển khai gói cứu trợ theo đề nghị của Hy Lạp. 

Dù vậy, theo hãng tin AFP, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng gói giải cứu chỉ được cung cấp trong trường hợp đồng euro bị đe dọa và Hy Lạp thực thi những chính sách cứng rắn. Trong khi đó, Mỹ lên tiếng ủng hộ động thái nói trên của Chính phủ Hy Lạp và cho biết đang theo dõi sát sao tình hình.

Các thị trường chứng khoán ở châu Âu đã có phản ứng tích cực sau lời kêu gọi của Chính phủ Hy Lạp nhưng sụt giảm sau đó khi các nhà đầu tư cho rằng gói giải cứu nói trên chỉ là giải pháp tình thế. 

Theo hãng tin Reuters, cuộc khủng hoảng Hy Lạp đã tác động tiêu cực đến đồng euro đang được 16 trong số 27 nước thành viên EU sử dụng. Đã có những lo ngại rằng các vấn đề mà Hy Lạp gặp phải có thể lan sang những nền kinh tế không được mạnh lắm trong khu vực đồng euro, như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Theo Hoàng Phương
Hy Lạp cầu cứu EU, IMF

 



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.