Iran - cuộc đấu hậu bầu cử

Trong một động thái trấn áp mới nhất nhằm vào phe đối lập tại Iran, ngày 17/6, hai nhân vật ủng hộ cải cách có tiếng của ứng cử viên tổng thống thất cử Mir Hossein Mousavi là Hamid Reza Jalaaipour và Saeed Laylaz đã bị bắt giam. Ông Jalaipour là nhà xã hội học từng vận động trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Mousavi, còn ông Laylaz là nhà phân tích chính trị và kinh tế.

Trước đó, chiều ngày 16/6, phe ủng hộ Tổng thống Almadinejad đã tổ chức một cuộc mít tinh quy mô lớn tại thủ đô Têhêran lên án "những kẻ gây bạo động" và kêu gọi người dân Iran chấp nhận kết quả bầu cử. Đại Giáo chủ Ali Khamenei cùng ngày đã triệu tập cuộc họp với đại diện của bốn ứng cử viên tổng thống trong cuộc bầu cử gây tranh cãi ở nước này.

Tổng thống Almadinejad

Ông Khamenei yêu cầu các ứng cử viên không nên thực hiện những hành động có thể khiến tình hình thêm căng thẳng và phải tuyên bố chống căng thẳng và bạo động. Vị lãnh tụ tinh thần của Iran nhấn mạnh: "Trong cuộc bầu cử, cử tri có các quan điểm khác nhau, nhưng họ đều tin tưởng chế độ và ủng hộ nhà nước cộng hòa Hồi giáo".

Trong một động thái có liên quan, Nhà Trắng ngày 16/6 tuyên bố không can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của Iran. Trước đó, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs khẳng định bất chấp làn sóng biểu tình tại Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn muốn thực hiện các động thái ngoại giao trực tiếp với Têhêran về các vấn đề liên quan đến lợi ích của Mỹ như chủ nghĩa khủng bố và những nỗ lực hạt nhân của Iran.

Nhận định về biến động lớn nhất tại Iran kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, giới phân tích phương Tây cho rằng, ông Mousavi với chủ trương cải cách có lợi thế là huy động được lực lượng đông đảo ở thành thị ủng hộ, đặc biệt là đội ngũ thanh niên trẻ có tri thức. Tuy nhiên, Tổng thống tái đắc cử Ahmadinejad - được sự ủng hộ của các cử tri nghèo, cử tri nông thôn, quân đội và các lực lượng an ninh, đặc biệt là sự hậu thuẫn của Đại Giáo chủ Khamenei - vẫn duy trì vị trí rất vững vàng.

Đó là chưa nói tới việc phái cải cách của ông Mousavi thiếu một nhân vật nổi trội có đủ uy tín cũng như chưa xây dựng được một cơ cấu chính thức để có thể theo đuổi những mục tiêu của mình. Thực tế này cho thấy phe đối lập chỉ còn rất ít sự lựa chọn ngoài việc xuống đường bày tỏ sự phản đối kết quả bầu cử. Sẽ có việc kiểm phiếu lại ở một số khu vực bầu cử để làm dịu tình hình, nhưng khả năng bầu cử lại theo yêu cầu của phe ủng hộ ông Mousavi trong đó có cựu Tổng thống Iran Mohammad Khatami, khó thành hiện thực.

Theo giới quan sát, kịch bản thực tế hơn cho chính phủ nhiệm kỳ hai của Tổng thống Ahmadinejad sẽ là việc thành lập "nội các nhiều thành phần", trong đó có các đại diện của phe cải cách. Nhưng xem ra khả năng về một chính phủ liên hiệp ở Iran khó có thể xảy ra bởi nước này áp dụng chế độ tổng thống chứ không phải chế độ nghị trường. Tuy nhiên, các cuộc khủng hoảng chính phủ mới nhiều khi đòi hỏi phải có các biện pháp giải quyết mới, ngay cả khi điều này đòi hỏi phải thay đổi luật chơi và điều chỉnh hiến pháp.

Tình hình hiện nay, theo mạng tin Asia Times ngày 17/6, buộc Tổng thống Admadinejad phải có những bước đi hết sức thận trọng nếu ông có ý định ngăn chặn cuộc khủng hoảng trên phạm vi toàn quốc; đồng thời vẫn phải tìm kiếm các biện pháp mới để xoa dịu hàng triệu cử tri từng bỏ phiếu chống lại mình. Nhưng điều đó không có nghĩa các biện pháp cứng rắn sẽ bị loại bỏ.

Theo tờ "Le Figaro" của Pháp, từ 10 năm nay, đây là lần đầu tiên người dân Iran xuống đường phản đối chế độ. Năm 1999, làn sóng biểu tình đòi tự do của sinh viên nước này đã bị lực lượng Vệ binh Cách mạng dập tắt chỉ sau vài ngày. Khả năng đó sẽ tái diễn? Câu trả lời là hoàn toàn có thể bởi Têhêran đã tuyên bố duy trì trật tự bằng mọi giá và lẽ nào Tổng thống Ahmadinejad lại để cho "làn sóng Mousavi" trở thành khúc dạo đầu của một cuộc "cách mạng sắc màu" từng xảy ra ở Đông Âu, diễn ra trên đất Iran.

Theo Ngọc Hạnh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.