Lời động viên cuối cùng của Washington

Ngày 13/1/1962 núp dưới danh nghĩa Công ty Tây Phương, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và giới cầm quyền Quốc Dân đảng trên đảo Đài Loan triển khai hợp tác trinh sát trên không thu thập thông tin tình báo về Đại lục.

>> Chạy sang Đài Loan vẫn ôm mộng bom nguyên tử

Công ty Tây Phương này đã phái một đội trinh sát máy bay U-2 thực hiện việc trinh sát bí mật thu thập thông tin tình báo của Trung Quốc Đại lục.

Lần thứ nhất thực hiện nhiệm vụ trinh sát bí mật, lực lượng này đã phát hiện ra một khu vực bệ phóng thử nghiệm tên lửa ở vùng Tây Bắc Đại lục.

Ngày 21/2/1962 lần đầu tiên Trung Quốc thử nghiệm thành công việc phóng tên lửa Đông phong 2. Không lâu sau đó, cũng chính lực lượng trinh sát này đã phát hiện Trung Quốc đang tích cực nghiên cứu chế tạo bom hạt nhân và đang bước vào giai đoạn thực nghiệm.

Những thông tin tình báo này càng làm cho Tưởng Giới Thạch như ngồi trên đống lửa, đồng minh của Tưởng, Tổng thống Mỹ John Kennedy cũng đã tính đến phương án tập kích phá hủy căn cứ thử nghiệm vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.

Tháng 9/1963 Tưởng Kinh Quốc với vai trò là Ủy viên Chính vụ viện sang thăm Mỹ theo lệnh của cha mình là Tưởng Giới Thạch.

Khi hội đàm với Tổng thống Mỹ John Kennedy và Giám đốc CIA, Tưởng Kinh Quốc đề nghị, nếu Mỹ đồng ý, phía Đài Loan sẽ nhận trách nhiệm tập kích phá hủy căn cứ thử nghiệm tên lửa của Đại lục với một lực lượng đột kích từ 300 đến 500 quân bằng lực lượng đổ bộ đường không.

Cũng trong thời gian này, Nhà Trắng cũng còn đang tính toán một phương án khác, đó là thỏa hiệp với Liên Xô, dùng sức ép quân sự và ngoại giao để ép Bắc Kinh từ bỏ ý định phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đề nghị này của Mỹ đã bị Khơ – rút –xốp, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Liên Xô từ chối.

Phương án tập kích phá hủy căn cứ thử nghiệm tên lửa Trung Quốc của Mỹ đã được tính đến, nhưng bài học từ "chiến dịch vịnh Con Lợn" vẫn còn đó, biết đâu lần này ném chuột, chuột không chết lại vỡ bình ngọc?

Chính vì vậy Tổng thống Kennedy vẫn do dự không quyết. Sau khi Tổng thống Kennedy bị ám sát, người kế nhiệm là Tổng thống Johnson không dám thực hiện kế hoạch mạo hiểm này, bởi nếu như vậy Trung Quốc sẽ gây khó khăn không nhỏ cho Mỹ.

Thái độ và phản ứng đó của Nhà Trắng đã làm cho Tưởng Giới Thạch ăn không ngon, ngủ không yên.

Tháng 8/1965 trong một cuộc gặp bí mật với các quan chức CIA, cha con Tưởng Giới Thạch đã trách người Mỹ.

“Năm ngoái, khi Đại lục thử nghiệm vũ khí hạt nhân lần đầu chúng tôi đã nói tình hình Đông Á đang rất nghiêm trọng, nay Đại lục lại thử nghiệm đợt hai càng làm tăng thêm nguy cơ đe dọa Đài Loan. Lần đầu Đại lục ra thông điệp không đầu hàng sẽ tiêu diệt, lần này họ vẫn tiếp tục đe dọa, không thống nhất sẽ bị diệt vong.” - Tưởng Giới Thạch nói.

Cha con Tưởng Giới Thạch đã thực sự lo lắng và bất an trước sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Đại lục. Lúc này, Đại lục lại đẩy mạnh tuyên truyền kiểu mỗi tháng sản xuất được một quả bom nguyên tử, một năm 12 quả.

Trong khi đó, chỉ cần 3 quả bom nguyên tử là có thể san phẳng đảo Đài Loan. Chưa biết thực hư thế nào, nhưng những dư luận kiểu đó đã tác động rõ rệt đến tư tưởng quân đội Quốc Dân đảng.

Klein, quan chức CIA dẫn đầu phái đoàn Mỹ đã vỗ về họ Tưởng, 8 năm qua đã nhiều lần cùng bàn bạc các vấn đề quan trọng với Tưởng Giới Thạch nên Klein rất hiểu, chính phủ Mỹ cũng rất tôn trọng ý kiến của phía Đài Loan.

Quan điểm của Mỹ về vấn đề Đông Á đã thay đổi, Đài Loan cũng như Tưởng Giới Thạch có vai trò đặc biệt trong chính sách của Mỹ. Người Mỹ rất hiểu tình hình, cục diện lúc này, nhưng chuyện Đại lục tấn công Đài Loan bằng vũ khí hạt nhân còn là chuyện quá sớm.

Klein cho rằng mối uy hiếp dùng vũ khí hạt nhân đe dọa Đài Loan từ Đại lục thực chất chẳng có gì đáng sợ. Nhưng là người nhà binh từng trải nhiều trận mạc, hơn ai hết Tưởng Giới Thạch hiểu rõ câu “đừng hi vọng chuyện địch không tới, hãy dựa vào sức mạnh của mình mà sẵn sàng nghênh địch”.

Kết thúc buổi hội đàm, vẻ mặt Tưởng dường như không vui và hơi có chút xúc động. “Cái mà người dân cần là sự sinh tồn.” Tưởng bảo vị khách đến từ nước Mỹ.

Thấy thái độ Tưởng có vẻ vẫn lo lắng nhiều, Klein động viên: “Việc Đại lục sử dụng vũ khí hạt nhân chỉ là võ tuyên truyền của mà thôi. Nếu họ thực sự muốn tấn công Đài Loan bằng bom hạt nhân thì tất cả các thành phố lớn ở Đại lục cũng sẽ bị hủy diệt bằng bom hạt nhân Mỹ.” Tuy nhiên, “liều thuốc an thần” này của Giám đốc CIA giành cho Tưởng Giới Thạch tỏ ra không mấy hiệu quả.

“Những lời phát biểu chân thành và thẳng thắn của ngài ngày hôm nay sẽ rất có ích cho những người làm quyết sách của Mỹ. Chỉ một hai năm nữa thôi, người Mỹ sẽ chứng minh cho thế giới thấy Mỹ không phải là một con hổ giấy, Mỹ nhất định sẽ bảo vệ bạn bè, đồng minh bằng hành động.” Câu động viên cuối cùng của sứ giả đến từ Washington dường như vẫn không xua tan được nỗi lo sợ vô hình trong Tưởng. “Một hai năm nữa, e rằng không kịp rồi!” – Tưởng Giới Thạch thở dài.

Kĩ thuật và công nghệ hạt nhân của Trung Quốc càng phát triển, nỗi lo sợ của Tưởng về một cuộc chiến hạt nhân càng gia tăng. Tưởng đã chỉ thị cho xây dựng rất nhiều công trình hầm ngầm kiên cố có thể tránh được bom nguyên tử, vũ khí sinh hóa, đồng thời tăng cường giáo dục cho người dân và quân lính kiến thức phòng chống tập kích đường không, xây dựng hệ thống báo động.

Tuy nhiên, Tưởng không phải là người cam tâm bó tay chờ chết, ngược lại người đứng đầu đảo Đài Loan này quyết tâm khởi động lại kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, chạy đua vũ trang với Đại lục. (Còn nữa)

Theo Bình Nguyên



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.