Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang

Nô lệ là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà, người phụ nữ đã sống với gia đình tôi trong vòng 56 năm, nuôi dạy tôi và anh chị em của tôi mà không có bất kỳ một đồng thù lao nào.

Nô lệ là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà, người phụ nữ đã sống với gia đình tôi trong vòng 56 năm, nuôi dạy tôi và anh chị em của tôi mà không có bất kỳ một đồng thù lao nào.

Đó là chiếc hộp nhựa màu đen có kích cỡ khoảng bằng chiếc lò nướng với đầy tro ở bên trong. Nó nặng khoảng 1,6 kg. Tôi đặt nó vào trong một chiếc túi lót vải và đóng vào vali của mình cho chuyến hành trình vượt đại dương tới Manila (Philippines). Lúc đó là tháng 7. Từ Manila tôi đã đi ô tô tới một ngôi làng ở miền quê, nơi tôi trao lại tất cả những gì còn sót lại của một người phụ nữ - người đã dành 56 năm làm nô lệ cho gia đình tôi.

Tên bà là Eudocia Tomas Pulido. Chúng tôi gọi là bà Lola. Những ký ức đầu tiên của tôi về bà là dáng hình cao chưa đầy một mét rưỡi, với nước da nâu màu cafe và đôi mắt màu hạt điều. Lola mới chỉ 18 tuổi khi ông ngoại tôi tặng bà cho mẹ tôi như một món quà, và khi gia đình tôi chuyển tới Mỹ, chúng tôi đưa bà đi theo. 

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 1.

Nô lệ là từ chính xác nhất để mô tả cả cuộc đời bà. Một ngày của Lola bắt đầu khi tất cả mọi người trong gia đình còn chưa thức dậy, và chỉ kết thúc khi tất cả đã chìm vào giấc ngủ. Bà nấu nướng ba bữa ăn mỗi ngày, dọn dẹp nhà cửa, làm tất cả những gì bố mẹ tôi yêu cầu, và chăm sóc tôi cùng bốn anh chị em của tôi. Bố mẹ tôi chưa bao giờ trả công, thậm chí còn liên tục mắng nhiếc bà.

Bà không bị xích chân, nhưng cuộc sống của bà cũng chẳng khác một người bị xiềng xích là bao. Rất nhiều đêm khi tỉnh dậy đi vệ sinh, tôi thấy bà đang ngủ ở góc nhà, gục đầu trên một đống quần áo, tay vẫn còn giữ chặt miếng đồ đang gấp dở.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 2.

Lola Pulido (ảnh trái) là một phụ nữ đến từ miền quê nghèo ở Philippines. Ảnh bên phải là ông ngoại tác giả, người đã "mua" Lola về khi bà mới 18 tuổi.

Đối với những người hàng xóm, chúng tôi là một gia đình nhập cư kiểu mẫu. Bố tôi có bằng luật, mẹ tôi chuẩn bị trở thành bác sĩ, chúng tôi thường đạt điểm cao trong ở lớp và luôn luôn lễ phép. Chúng tôi không bao giờ nói về Lola với bất kỳ ai. Bí mật của gia đình ngấm sâu vào con người chúng tôi.

Khi mẹ tôi qua đời vì bệnh bạch cầu năm 1999, Lola tới sống cùng tôi ở một thị trấn nhỏ phía Bắc Seattle (Mỹ). Tôi có một gia đình, một công việc, một ngôi nhà ở ngoại ô - một giấc mơ Mỹ điển hình. Và, tôi còn có một người nô lệ.

***

Tôi nhận lại hành lý ở Manila, mở khoá vali để kiểm tra xem hộp đựng tro của Lola còn ở đó hay không. Bên ngoài là một hỗn hợp mùi quen thuộc, một mùi hỗn hợp của sự mệt nhọc và rác thải, của đại dương, mùi của những trái cây chín và mùi mồ hôi.

Sáng sớm hôm sau tôi tìm được một người lái xe, một người đàn ông trung niên nhã nhặn với biệt danh là "Doods", và rồi chúng tôi lên đường bằng xe tải của ông, len lỏi qua dòng xe cộ. Cảnh vật nơi này luôn luôn khiến tôi kinh ngạc: những chiếc ô tô, xe máy và xe jeepney nhiều không đếm xuể (jeepney là một loại xe chở khách được sửa lại từ xe quân đội cũ); đoàn người len lỏi giữa những hàng xe cộ và đi lại trên bờ của dòng sông nâu; những người bán hàng rong đi chân đất đuổi theo những xe ô tô để bán thuốc lá, kẹo ngậm và lạc luộc đóng gói; những đứa trẻ ăn xin đang áp mặt chúng vào cửa kính…

Doods và tôi đi về nơi mà câu chuyện của Lola bắt đầu, ở phía bắc của vùng đồng bằng trung du: tỉnh Tarlac (Philippines). Nơi đây - một quốc gia trồng lúa nước - là quê hương của ông ngoại tôi Tomas Asuncion, một trung uý quân đội nghiện xì gà. Những câu chuyện gia đình đã khắc hoạ hình ảnh của ông trong tôi là một người dữ tợn với những suy nghĩ dị thường và tăm tối, người có rất nhiều đất đai nhưng không có nhiều tiền, và giữ các cô tình nhân ở trong những ngôi nhà khác nhau của mình. Vợ ông - bà ngoại tôi - đã qua đời khi sinh cho ông một đứa con duy nhất, là mẹ tôi. Mẹ đã được nuôi nấng bởi rất nhiều utusans - những người hầu.  

Tục sở hữu nô lệ có một lịch sử dài trên những hòn đảo của Philippines. Trước khi người Tây Ban Nha tới đây, những người dân bản địa đã bắt bớ lẫn nhau làm nô lệ, thông qua các cuộc chiến tranh, cướp bóc hoặc đòi nợ. Có rất nhiều kiểu người nô lệ: từ những tù binh chiến tranh, những người có thể giành lại tự do của mình bằng lòng dũng cảm; cho tới những người hầu trong gia đình, những người được coi là của cải và có thể bị mua đi bán lại. Những nô lệ "cấp cao" có thể sở hữu những nô lệ "cấp thấp", và nô lệ "cấp thấp" lại sở hữu những nô lệ cấp thấp hơn… Một số người chấp nhận chọn thân phận nô lệ đơn giản vì họ muốn sinh tồn: họ sẽ lao động để đổi lấy thức ăn, nơi ở, và sự bảo vệ.

Khi người Tây Ban Nha tới đây vào thế kỷ 16, họ bắt dân bản địa làm nô lệ và sau đó thì mua thêm nô lệ châu Phi và Ấn Độ. Hoàng gia Tây Ban Nha đã dần dần loại bỏ việc sử dụng nô lệ tại mẫu quốc, song những nơi xa xôi tại Philippines thì họ không thể kiểm soát hết được. Truyền thống sử dụng nô lệ vẫn được giữ dưới một hình thức khác, ngay cả sau khi Mỹ kiểm soát đảo quốc này vào năm 1898. Ngày nay thậm chí ngay cả những người nghèo ở đây vẫn có thể có utusans hay katulongs (người giúp việc) hoặc kasambahays (người ở trong nhà), miễn là những người này nghèo hơn gia chủ.

Trung úy Tom - ông ngoại tôi - có tới những ba gia đình utusans sống trên những mảnh đất của ông. Vào mùa xuân năm 1943, khi người Nhật kiểm soát quốc đảo này, ông đã mua về một cô gái từ một ngôi làng ven đường. Cô ấy có họ hàng xa với gia đình. Ông tôi đã nhanh chóng nhìn thấy một món hời - một cô gái không xu dính túi, không được học hành, và dễ bảo. Bố mẹ cô ấy muốn cô cưới một người nông dân nuôi lợn gấp đôi tuổi cô: cô thực sự tuyệt vọng nhưng chẳng có nơi nào để đi cả. Ông tôi đã tiếp cận cô gái với một lời đề nghị: cô sẽ có thức ăn và nơi ở, với điều kiện là cô phải cảm kết sẽ chăm sóc đứa con gái 12 tuổi của ông.

Lola đồng ý, mà không hề hay biết rằng cô đang trao đổi cả cuộc đời mình.

"Cô ấy là món quà của bố dành tặng con" - Ông ngoại nói với mẹ tôi.

"Con không thích" - Mẹ tôi đáp, nhưng biết mình chẳng có sự lựa chọn nào khác.

Ông ngoại ra trận chiến đấu với quân đội Nhật, để lại mẹ tôi ở nhà cùng với Lola trong ngôi nhà tỉnh lẻ. Lola cho mẹ tôi ăn, chải tóc, và mặc quần áo cho mẹ tôi. Khi ra chợ, Lola mở ô che nắng cho mẹ. Buổi đêm, sau khi đã hoàn thành hết việc nhà - cho chó ăn, quét nhà, giặt giũ, gấp quần áo - bà ngồi bên cạnh giường mẹ tôi và quạt cho mẹ ngủ.

Một ngày ông ngoại Tom trở về từ cuộc chiến, và bắt quả tang mẹ tôi nói dối: bà làm một điều gì đó bí mật với một cậu con trai mà đáng ra bà không được phép nói chuyện cùng. Ông tức giận ra lệnh cho mẹ tôi đứng ra cạnh chiếc bàn. Mẹ co rúm lại sợ hãi cùng với Lola trong góc tường. Rồi bằng một giọng run sợ, mẹ nói với ông ngoại Tom rằng Lola sẽ nhận đòn thay cho bà. Lola nhìn mẹ tôi van lơn, nhưng rồi lầm lũi tiến tới bám tay vào chiếc bàn. Tom rút thắt lưng ra và quất xuống 12 nhát roi, mỗi nhát kèm theo một tiếng gằn giận dữ. Con-Không-Được-Nói-Dối-Ta. Con-Không-Được-Nói-Dối-Ta. Lola câm nín chịu đòn.

Sau này khi miêu tả sự dữ dội của câu chuyện này một cách vui vẻ, mẹ tôi vẫn mang giọng điệu như thể muốn nói "Con có thể tin nổi mẹ đã làm điều đó không?". Khi tôi đem chuyện đó kể cho Lola, bà lắng nghe chăm chú, mắt nhìn xuống buồn bã, và sau đó bà lại nhìn tôi và nhẹ nhàng nói: "Đúng rồi, mọi chuyện diễn ra như vậy đó".

7 năm sau, vào năm 1950, mẹ tôi cưới bố tôi và chuyển tới Manila sinh sống, đưa Lola đi theo. Tâm hồn bị quỷ ám của ông ngoại Tom đã khiến ông tự kết liễu đời mình vào năm 1951, với một khẩu súng nòng 32 li nhắm thẳng vào thái dương. Mẹ tôi hầu như không bao giờ nói về chuyện đó. Bà thừa hưởng những tính cách của ông ngoại - buồn rầu, độc đoán, với một tâm hồn rạn vỡ luôn giấu kín. Bà cũng thuộc lòng bài học của ông ngoại về cách để trở thành một matrona, một bà chủ: Luôn hiểu rằng mình là người đưa ra mệnh lệnh. Bạn cần luôn nhớ những người nô lệ phải phục tùng mình, mọi lúc, mọi nơi, vì điều đó tốt cho chính họ và cho gia đình bạn. Họ có thể khóc và phàn nàn, nhưng tâm hồn họ sẽ cảm tạ bạn. Họ sẽ yêu thương bạn vì đã giúp đỡ họ hoàn thành đúng thiên chức mà Chúa đã ban cho họ.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 3.
Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 4.

Lola năm 27 tuổi, đang bế Arthur - anh trai của tác giả trước khi gia đình họ chuyển tới Mỹ.

Anh trai Arthur của tôi sinh ra vào năm 1951. Tôi là đứa tiếp theo, và sau tôi là ba người khác được sinh liên tục. Bố mẹ tôi kỳ vọng Lola sẽ tận tuỵ chăm sóc chúng tôi như bà đã làm với họ. Khi bà trông nom chúng tôi, bố mẹ tôi đi học và kiếm được bằng cấp cao, gia nhập hàng ngũ của rất nhiều người với học hàm học vị nhưng chẳng có việc làm. Rồi bước ngoặt xảy ra khi bố tôi được mời vào vị trí phân tích tài chính ở Bộ Ngoại giao. Tiền lương chỉ ở mức xoàng, nhưng vị trí này làm việc ở Mỹ - nơi mà cả ông và mẹ tôi đều mơ ước từ khi còn nhỏ, nơi mà có thể sẽ biến những giấc mơ của họ thành sự thực.

Bố được cho phép mang theo gia đình và một người thân. Vì biết rằng cả hai sẽ phải đi làm, bố mẹ tôi cần Lola đi cùng để chăm sóc những đứa trẻ và ngôi nhà. Khi mẹ tôi báo tin cho Lola, bà không nhận lời ngay vì rất tức giận. Nhiều năm sau Lola kể với tôi rằng bà đã rất sợ hãi khi đó. "Nước Mỹ quá xa, và bố mẹ cháu có thể không để bác trở về quê hương nữa".

Cuối cùng Lola cũng đồng ý vì bố tôi đã hứa với bà rằng mọi chuyện sẽ khác khi ở Mỹ. Bố tới nói với bà rằng ngay khi đặt chân tới Mỹ, bố mẹ tôi sẽ trả "lương" cho bà. Lola có thể gửi tiền về cho bố mẹ mình, và họ hàng ở quê. Lola có thể gửi tiền để xây một ngôi nhà kiên cố thay cho chỗ ở tồi tàn hiện tại của bố mẹ bà.

Chúng tôi tới Los Angeles vào ngày 12/5/1964, tất cả đồ đạc được đóng hộp và buộc bằng dây thừng. Lola đã sống cùng với mẹ tôi 21 năm tính đến thời điểm đó. Với tôi, Lola còn có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với bố hay mẹ. Bà là người đầu tiên tôi nhìn thấy khi thức dậy, cũng là người cuối cùng tôi tạm biệt trước khi đi ngủ. Khi còn nhỏ, tôi đã học cách gọi "Lola" (thực ra là "Oh-ah" thì đúng hơn) trước khi tôi học cách nói "Mẹ" hay "Bố". Khi chập chững biết đi, tôi nhất định không chịu ngủ mà không được Lola ôm, hay ít nhất là ở gần bên cạnh.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 5.

Tôi mới được 4 tuổi khi gia đình tôi tới Mỹ, lúc đó tôi còn quá nhỏ để băn khoăn về vai trò của Lola trong gia đình. Việc tôi và anh chị em mình được nuôi dạy ở bên này thế giới giúp chúng tôi có một bước tiến trong nhận thức - điều mà bố mẹ tôi không bao giờ có được, hoặc không bao giờ muốn có.

Lola không bao giờ có được khoản "lương" mà bố mẹ tôi đã hứa hẹn. Bà hỏi bố mẹ tôi về điều đó một vài lần trong thời gian chúng tôi ở Mỹ. Có lần mẹ bà bị ốm (mà sau này tôi mới biết đó là bệnh lỵ), và gia đình bà ở quê nhà không thể đủ tiền trang trải thuốc men. "Về chuyện lương của tôi thì sao?" - bà hỏi bố mẹ tôi. "Chúng tôi có thể trả cho bà không?" Mẹ tôi thở dài. "Sao bà có thể hỏi điều đó? Bà không thấy chúng ta đang rất khó khăn hay sao? Bà có tự trọng không vậy?" Bố tôi đáp bằng tiếng Philippines bản địa.

Bố mẹ tôi đã vay tiền để tới Mỹ, và sau đó phải tiếp tục vay mượn để trang trải cuộc sống ở đây. Bố tôi đã bị điều chuyển từ tổng lãnh sự ở LA về lãnh sự Philippines ở Seattle. Ông được trả mức lương 5,600$ một năm. Ông phải làm thêm công việc khác là lau dọn toa tàu, và một công việc thứ ba là người đi đòi nợ thuê. Mẹ tôi làm kỹ thuật viên trong một vài phòng nghiên cứu. Chúng tôi hầu như không nhìn thấy họ ở nhà, và khi trở về, họ luôn ở trong trạng thái kiệt sức và cáu bẳn.

Mẹ tôi sẽ về nhà và quở trách Lola vì đã không dọn nhà cẩn thận, hoặc quên không mang thư vào. "Tôi đã nói là bà phải mang thư vào nhà trước khi tôi về cơ mà?" mẹ tôi tức giận nói giọng bản địa. "Nó chẳng phải là một công việc gì khó học cả, một đứa ngốc còn có thể nhớ thưa bà". Tiếp đó tới lượt bố tôi về. Khi bố bắt đầu cất tiếng nói, tất cả mọi người trong gia đình đều co rúm lại. Đôi khi bố mẹ tôi sẽ "song kiếm hợp bích" cho tới khi Lola gục xuống khóc.

Điều khiến tôi băn khoăn là: Bố mẹ rất tốt với những đứa trẻ chúng tôi, và chúng tôi cũng yêu họ. Nhưng họ có thể dịu dàng với chúng tôi, và dữ dằn với Lola ngay sau đó. Khi tôi khoảng 11, 12 tuổi, tôi bắt đầu hiểu về tình trạng tồi tệ mà Lola đang phải chịu đựng. Vào thời điểm đó Arthur hơn tôi khoảng 8 tuổi, và anh đã cảm thấy tức giận với điều đó trong một thời gian dài. Anh chính là người đã dạy cho tôi từ "nô lệ", khiến tôi hiểu rằng Lola thực sự là ai. Trước khi anh nói điều đó, tôi chỉ nghĩ rằng Lola là một thành viên không được may mắn trong gia đình. Tôi ghét những lúc bố mẹ tôi quát mắng bà, nhưng trước đó tôi chưa từng nghĩ rằng việc làm của họ là vô đạo đức.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 6.
Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 7.

Ảnh trái: Lola cùng với tác giả (bên trái) và các anh chị em. Ảnh phải: tác giả (thứ 2 từ bên trái) cùng với cha mẹ và các anh chị em, và Lola, 5 năm sau khi họ tới Mỹ.

"Em có thấy ai đang bị đối xử giống như bà ấy không? Có ai sống một cuộc sống tệ như vậy không?" - Arthur nói với tôi. Anh tóm tắt lại tình trạng của Lola: Không được trả lương. Làm việc kiệt sức mỗi ngày. Bị mắng xối xả mỗi khi ngồi nghỉ hơi lâu một chút hoặc buồn ngủ sớm một chút. Bị đánh nếu dám cãi lại. Mặc quần áo bỏ đi. Ăn cơm thừa canh cặn. Hầu như không bao giờ ra khỏi nhà. Không có bất kỳ bạn bè hay sở thích nào ở bên ngoài gia đình. Không có một nơi riêng tư nào (thực tế chỗ ngủ của bà ở trong nhà chúng tôi luôn là nơi nào đó còn trống sót lại - trên ghế dài, hoặc một góc trống trong phòng của các chị em tôi. Bà thường ngủ giữa một đống quần áo).

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 8.

Chúng tôi không thể tìm được một ví dụ tương tự ở nơi nào khác trừ những nhân vật nô lệ trên TV và trong phim ảnh. Tôi nhớ đã xem một bộ phim về miền Tây nước Mỹ tên là The Man Who Shot Liberty Valance (Người đàn ông bắn Liberty Valance). John Wayne thủ vai Tom Doniphon, một chủ trang trại đồng thời là một tay súng cự phách luôn luôn "hét ra lửa" những mệnh lệnh của mình với Pompey, người nô lệ mà anh ta gọi là "cậu bé". Pompey thầm lặng và biết vâng lời gọi ông chủ của mình bằng một giọng tiếng Anh không sõi là "ngài Tom". Mối quan hệ chủ - tớ của họ khá phức tạp. Tom cấm Pompey đi học, nhưng lại cho phép Pompey được uống rượu trong những quán chỉ dành cho người da trắng. Trong cảnh gần kết bộ phim, Pompey đã cứu ông chủ của mình khỏi chết cháy. Rõ ràng Pompey vừa sợ hãi vừa yêu thương Tom, và đã khóc thương khi Tom chết. Trong bộ phim này, tình chủ - tớ rõ ràng chỉ là phông nền cho cuộc đối đầu giữa Tom và tên ác nhân Liberty Valance, nhưng tôi không thể dời mắt khỏi Pompey. Tôi vẫn nhớ mình đã luôn liên hệ Lola với Pompey, Pompey với Lola.

Một ngày khi bố tôi phát hiện ra Ling - em gái tôi, khi đó 9 tuổi - đã bỏ bữa tối, ông tức giận mắng Lola xối xả vì lười biếng. Lola phân trần: "Tôi đã cố gắng cho nó ăn rồi". Lời tự vệ yếu ớt của Lola chỉ càng khiến cho bố tôi điên tiết, ông không kiềm chế được và đấm vào phía dưới vai của Lola. Lola chạy ra khỏi phòng - tôi có thể nghe thấy bà oà khóc nức nở.

"Ling nói nó không đói mà" - Tôi nói.

Bố mẹ tôi quay sang nhìn tôi. Họ có vẻ ngạc nhiên. Tôi thấy cơ mặt mình co rúm lại, thứ thường chỉ xảy ra khi tôi chuẩn bị khóc, nhưng lần này tôi không khóc. Trong ánh mắt của mẹ tôi ánh lên một thứ gì đó mà trước đây tôi chưa từng hay biết. Sự ghen tị chăng?

"Mày đang bảo vệ Lola đấy à?" Bố tôi lên tiếng. "Có phải mày đang cố gắng làm thế không?".

"Ling đã nói là nó không đói". Tôi nhắc lại, nhỏ tới mức gần như tiếng thì thầm.

Khi đó tôi 13. Đó là nỗ lực đầu tiên của tôi trong việc đấu tranh cho người phụ nữ đã dành cả ngày để chăm sóc mình. Người phụ nữ đó thường hát những lời ca bằng tiếng Tagalog ru tôi ngủ, người đã mặc quần áo và cho tôi ăn, đưa tôi đi học buổi sáng và đón tôi về buổi chiều. Có một lần, tôi bị ốm một thời gian dài và không thể ăn gì, bà đã nhai thức ăn rồi đưa vào miệng tôi để tôi dễ nuốt. Vào một mùa hè khi chân tôi phải bó bột, bà đã tắm cho tôi, cho tôi uống thuốc vào nửa đêm và hỗ trợ tôi trong suốt những tháng hồi phục sau đó. Tôi lúc nào cũng quàu quạu, nhưng bà chưa bao giờ mất kiên nhẫn hay phàn nàn một tiếng.

Giờ đây khi nghe tiếng khóc thảm thiết của bà, tôi cảm thấy phát điên lên.

Hồi còn ở Philippines, bố mẹ tôi không cần giấu diếm cách họ đối xử với Lola. Khi sang Mỹ, họ cư xử với bà còn tệ hơn nhưng cố gắng che giấu điều đó. Mỗi lần có khách ghé thăm nhà, bố mẹ tôi sẽ phớt lờ Lola, hoặc nếu được hỏi thì sẽ nói dối về bà và nhanh chóng chuyển sang chủ đề khác. Trong vòng 5 năm sống ở phía Bắc Seattle, chúng tôi ở đối diện với nhà Misslers, một gia đình 8 người vồn vã. Họ đã cho chúng tôi biết tới những thứ như mù tạt, thú chơi câu cá hồi, hay dùng máy cắt cỏ; xem bóng đá trên TV, và hò hét trong khi theo dõi diễn biến trận đấu. Lola sẽ phục vụ mọi người đồ ăn và nước uống trong suốt trận bóng, và bố mẹ tôi sẽ mỉm cười cảm ơn bà trước khi bà nhanh chóng biến mất. Bác Jim-to-lớn, người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình Missler hỏi: "Người phụ nữ nhỏ bé mà mọi người giữ ở trong bếp là ai vậy?". Bố nói, đó là một người họ hàng ở quê chúng tôi, nhưng bà ấy rất xấu hổ khi gặp người lạ.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 9.

Billy Missler, bạn thân nhất của tôi thì không tin vào điều đó. Cậu ấy đã dành đủ thời gian ở nhà tôi, thậm chí thỉnh thoảng là cả cuối tuần để quan sát bí mật của gia đình tôi. Một lần khi nghe thấy tiếng mẹ tôi la hét ở trong bếp, cậu ấy liền đi vào, để rồi nhìn thấy khuôn mặt đỏ gay đang chằm chằm lườm Lola của mẹ tôi, còn Lola khi đó đang run rẩy trong góc bếp. Tôi theo sau Billy một vài giây. Khuôn mặt Billy đan xen những cảm xúc xấu hổ và bối rối. Chuyện gì vậy? Tôi kéo nó ra và bảo nó hãy quên chuyện đó đi.

Tôi nghĩ rằng Billy đã cảm thấy thương xót Lola. Nó ca ngợi hết lời tài nấu nướng của bà, và chọc bà cười như nắc nẻ - điều tôi chưa từng nhìn thấy trước đó bao giờ. Mỗi lần nó ngủ lại nhà, Lola đều làm món Filipino nó yêu thích nhất: cơm trộn thịt bò tapa. Nấu ăn thực sự là tài năng của Lola. Tôi có thể thấy rõ điều đó khi bà cho chúng tôi ăn hoặc nói rằng bà yêu chúng tôi. Trong một lần tôi nói Lola là một người dì họ hàng xa, Billy nhấn mạnh rằng lần đầu gặp mặt tôi đã kể với nó rằng bà là bà ngoại tôi.

"Bà ấy… là cả hai, có thể hiểu vậy" - tôi nói với nó đầy ẩn ý.

"Tại sao bà ấy luôn luôn làm việc?" - Billy gặng hỏi.

"Bà ấy thích vậy". Tôi đáp.

"Tại sao bố mẹ cậu lại mắng bà ấy?"

"Bà hơi bị lãng tai…"

Thừa nhận sự thật cũng đồng nghĩa với việc gia đình tôi phải hé lộ mọi thứ. Chúng tôi đã dành một thập kỷ đầu tiên cố gắng hoà nhập với vùng đất mới. Nhưng việc có một nô lệ ở trong nhà đã là không phù hợp rồi. Việc có một người nô lệ gieo vào lòng tôi một mối hoài nghi, rằng chúng tôi là kiểu người gì vậy, chúng tôi đến từ nơi nào… Chúng tôi có xứng đáng được chấp nhận ở nơi này không. Tôi đã luôn cảm thấy cực kỳ xấu hổ, kể cả việc tôi đã đồng loã che giấu việc này. Tôi vẫn ăn thức ăn Lola nấu, mặc quần áo bà giặt, ủi và treo lên mắc đó thôi? Nhưng nếu không có bà, mọi thứ sẽ trở thành thảm hoạ mất.

Có một lý do khác để giữ bí mật: Giấy tờ cư trú của Lola đã hết hạn vào năm 1969, 5 năm sau khi chúng tôi tới Mỹ. Bà đã tới đây bằng một loại hộ chiếu đặc biệt gắn liền với công việc khi đó của bố tôi. Sau rất nhiều lần bất đồng với cấp trên, bố tôi đã bỏ việc ở Lãnh sự quán và tuyên bố ông nhất định sẽ ở lại nước Mỹ. Ông tìm cách xin được đăng ký cư trú với tư cách công dân cho cả gia đình, nhưng Lola thì không thể. Đúng ra thì ông phải gửi Lola trở lại quê nhà.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 10.

Lola năm 1976, khi đó bà 51 tuổi.

Mẹ của Lola, bà Fermina, mất vào năm 1973; bố của bà, ông Hilario thì mất năm 1979. Cả hai lần đó Lola đều vô cùng mong muốn được trở về. Cả hai lần, bố mẹ tôi đều từ chối. Không có tiền, không có thời gian. Lũ trẻ cần bà. Chính bố mẹ tôi cũng sợ nếu phải thiếu bà, họ đã thừa nhận với tôi sau này như vậy. Nếu chính quyền phát hiện ra Lola, và họ chắc chắn sẽ biết nếu bà cố gắng bỏ đi, thì bố mẹ tôi sẽ gặp rắc rối lớn và thậm chí có thể bị trục xuất. Họ không thể mạo hiểm vì điều đó. Tình trạng cư trú của Lola được gọi là tago nang tago (TNT) trong tiếng Filipinos, nghĩa là "ở nước ngoài bất hợp pháp". Và bà đã ở trạng thái TNT trong vòng 20 năm.

Sau mỗi lần người thân của bà qua đời, Lola lại trở nên lầm lì và lặng thinh trong nhiều tháng liền. Bà hầu như không phản ứng gì khi bị bố mẹ tôi làm phiền. Thế nhưng rồi Lola lại tiếp tục cúi đầu, lẳng lặng làm công việc của mình.

Việc bố tôi nghỉ làm đã bắt đầu một thời kỳ khủng hoảng của gia đình. Tiền bạc ngày càng eo hẹp, và bố mẹ tôi bắt đầu cãi lộn. Gia đình tôi chuyển nhà liên tục - từ Seattle tới Honolulu rồi lại quay lại Seattle, tới vùng Đông Nam Bronx và cuối cùng là ở một thị trấn của Umatilla, Oregon, nơi dân số chỉ có khoảng 750 người. Trong suốt hành trình di chuyển đó, mẹ tôi thường làm ca kéo dài 24 tiếng, ban đầu ở vị trí thực tập sinh và rồi sau đó là thực tập nội trú tại bệnh viện. Trong khi đó, bố tôi có thể biến mất khoảng vài ngày, làm những công việc kỳ lạ nào đó và đồng thời (mãi sau này chúng tôi mới biết), đi chơi gái - và còn gì nữa thì không ai rõ. Một ngày, ông trở về nhà và nói rằng ông đã làm mất chiếc ô tô sedan mới của gia đình.

Trong một thời gian dài Lola đã phải mang trọng trách của một người trưởng thành duy nhất trong gia đình. Bà biết tường tận những chi tiết trong cuộc đời chúng tôi mà bố mẹ tôi không bao giờ còn tâm trí để ý tới. Chúng tôi mời bạn tới nhà, và bà đã lắng nghe những câu chuyện về trường học, tụi con trai con gái, và bất cứ thứ gì có trong đầu lũ trẻ chúng tôi. Từ những câu chuyện đó, bà hoàn toàn có thể kể tên được tất cả những cô gái tôi đã từng thích từ lớp 6 cho đến cấp 3.

Năm tôi 15 tuổi, bố tôi bỏ nhà ra đi. Tôi không muốn tin vào thực tế là ông đã ruồng bỏ những đứa trẻ chúng tôi và mẹ tôi sau 25 năm chung sống. Trong một năm sau đó bà vẫn chưa thể trở thành bác sĩ chính thức, và với chuyên môn về ngành Y khoa nội, thu nhập của bà không dư dả mấy. Bố tôi cũng không chi trả tiền nuôi con, vậy nên tiền bạc luôn trở thành một gánh nặng.

Mẹ tôi có thể nén nhẫn nại khi đi làm, nhưng vào buổi đêm trở về nhà bà hoàn toàn sụp đổ trong đau khổ và tuyệt vọng. Và nguồn an ủi lớn nhất của bà trong khoảng thời gian này, không ai khác, chính là Lola. Mẹ tôi càng cáu kỉnh với bà về những thứ nhỏ nhặt, thì Lola lại càng quan tâm tới mẹ nhiều hơn: Lola nấu những món bà thích, dọn dẹp phòng trên mức cẩn thận. Đôi khi tôi thấy hai người họ ở trên bàn bếp vào đêm muộn, thân thiết và trò chuyện về bố tôi. Đôi khi họ cùng cười khanh khách, đôi khi lại tỏ ra vô cùng giận dữ khi nói về tội lỗi của bố tôi. Họ hầu như không để ý chuyện lũ trẻ chúng tôi thoắt ẩn thoắt hiện bên ngoài.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 11.

Một đêm tôi nghe tiếng mẹ khóc, bà chạy ra phòng khách và sà vào vòng tay của Lola. Lola an ủi bà hết sức dịu dàng, hệt như cái cách bà đã nói với anh chị em chúng tôi khi chúng tôi còn nhỏ. Tôi nán lại nhìn, rồi trở về phòng mình, vừa lo cho mẹ, vừa cảm thấy ngưỡng mộ Lola.

***

Doods đang ngân nga một giai điệu gì đó. Tôi ngỡ mình mới chỉ chợp mắt khoảng một phút, và thức dậy khi nghe thấy bài hát của anh. "Còn 2 tiếng nữa" anh nói. Tôi lại kiểm tra chiếc hộp nhựa trong cái túi bên cạnh mình - nó vẫn còn đó - rồi tôi nhìn ra ngoài đường cái. Cao tốc MacArthur. Tôi nhìn đồng hồ. "Này, anh bảo 2 tiếng nữa từ cách đây 2 tiếng rồi đấy" - tôi nhắc. Doods chỉ tiếp tục ngân nga.

Việc Doods không hề hay biết về mục đích chuyến hành trình của tôi thực sự khiến tôi nhẹ nhõm. Tôi đã có đủ những cuộc tự thoại diễn ra trong đầu mình. Tôi chẳng tốt đẹp gì hơn bố mẹ mình cả. Tôi đã có thể làm nhiều thứ hơn để giải thoát cho Lola. Tôi đã có thể làm cho cuộc sống của bà tốt đẹp hơn. Tại sao tôi không hành động? Tôi đáng ra đã có thể tố cáo bố mẹ mình, và việc đó sẽ huỷ hoại cả gia đình ngay tức khắc. Nhưng thay vì thế, tôi và các anh chị em của mình đã chọn cách im lặng, giữ kín mọi thứ thay vì phá huỷ cuộc sống trước mắt, để cho gia đình chúng tôi dần dần tan vỡ.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 12.

Doods và tôi đang đi giữa một miền quê tươi đẹp. Không phải là vẻ đẹp lung linh ta vẫn thường thấy trong các tờ rơi du lịch, nó thực sự sống động và có hồn, và nếu so sánh với khu vực thành thị, thì nơi đây cũng tinh tế không thua kém. Những dãy núi chạy dài song song ở hai bên đường cao tốc: dãy Zambales ở phía Tây, và dãy Sierra Madre ở phía Đông. Từng dãy núi từ Đông sang Tây đều mang một màu xanh và đổ dần sang thẫm.

Doods chỉ tay vào một đường mờ mờ phía xa. Đỉnh Pinatubo. Tôi đã từng tới đây vào năm 1991 để đưa tin về hậu quả sau khi ngọn núi lửa này phun trào - đây là thảm hoạ núi lửa lớn thứ hai thế giới trong thế kỷ 20. Những dòng dung nham từ núi lửa mà người bản địa gọi là lahars tiếp tục trào ra trong hơn một thập kỷ, nhấn chìm những ngôi làng cổ, lấp đầy những dòng sông và thung lũng, và xoá sổ toàn bộ hệ sinh thái. Dòng lahars đi xa tới tận chân những ngọn đồi ở tỉnh Tarlac - nơi bố mẹ Lola đã sống cả phần đời, nơi Lola và mẹ tôi đã từng ở đó. Rất nhiều dấu tích của gia đình chúng tôi đã bị chôn vùi trong chiến tranh và những trận lụt, và giờ một phần trong đó lại tiếp tục bị chôn vùi dưới một lớp bùn dày khoảng 6 mét.

Nơi đây cũng thường xuyên phải hứng chịu những trận đại hồng thuỷ. Những cơn bão chết người thường tàn phá nơi này vài lần mỗi năm. Nạn hôi của không bao giờ chấm dứt. Và những ngọn núi mơ màng một ngày quyết định rằng chúng phải thức giấc. Không giống như Trung Quốc hay Brazil, những nơi nếu thảm hoạ xảy ra thì sẽ có một số lượng lớn các vùng phải hứng chịu thiệt hại, Philippines là một quốc gia với những hòn đảo rải rác trên biển. Khi thảm hoạ xảy ra, những nơi đó bị nhấn chìm một thời gian, rồi sau đó cuộc sống lại tiếp diễn. Đó là lý do tại sao bạn vẫn có thể nhìn nhắm những cảnh vật tươi đẹp như tôi và Doods đang trải nghiệm.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 13.

Ruộng lúa ở Mayantoc, nơi Lola sinh ra và lớn lên.

Một vài năm sau khi bố mẹ tôi li hôn, mẹ tôi lấy một người chồng mới tên là Ivan, một người nhập cư gốc Croatia mà bà quen qua một người bạn. Lola được yêu cầu phải phục tùng "ông chủ" mới. Ông ta chưa bao giờ tốt nghiệp cấp 3, đã kết hôn tới 4 lần và là một tay cờ bạc trác táng, một kẻ luôn thích được quan tâm chăm sóc bởi mẹ tôi và Lola.

Ivan đã giúp tôi nhìn thấy một khía cạnh khác trong con người Lola mà tôi chưa từng hay biết. Việc ông ta lấy mẹ tôi chỉ là một sự nông nổi, và vấn đề lớn nhất là cách ông ta sử dụng tiền của mẹ tôi. Một lần trong cuộc cãi vã, khi mẹ tôi khóc còn ông ta đang la mắng, Lola tiến tới và đứng chen vào giữa họ. Bà quay sang nhìn Ivan và gằn giọng gọi tên hắn ta. Hắn nhìn Lola, chớp mắt, và ngồi xuống. Tôi và em gái Inday bị đánh ngã trên sàn nhà. Ivan nặng khoảng hơn 113kg, và chỉ giọng nói trầm khàn của hắn thôi cũng đủ làm cho tường nhà rung chuyển. Lola đã khiến ông ta phải ngồi im chỉ với một từ. Tôi đã chứng kiến cảnh tượng này vài lần trước đó, nhưng phần lớn thời gian Lola vẫn phục tùng Ivan một cách vô điều kiện, vì mẹ tôi muốn vậy. Tôi đã đau lòng khi chứng kiến Lola hi sinh bản thân vì người khác, đặc biệt là trước những kẻ như Ivan. Nhưng điều khiến tôi thực sự nổi giận với mẹ lại đến từ một thứ có vẻ bình thường.

Mẹ tôi luôn luôn tức tối khi Lola bị ốm. Bà không muốn mọi việc bị đình trệ, không muốn chi trả tiền thuốc, và luôn buộc tội Lola giả vờ ốm hoặc không biết tự chăm sóc bản thân. Mẹ tôi đã làm điều đó khi Lola bắt đầu rụng răng vào cuối những năm 70. Lola đã nói rằng mình bị đau miệng trong hàng tháng trời, nhưng mẹ nói "Đó là do bà không đánh răng cẩn thận thôi".

Tôi đã nói rằng Lola cần đi khám nha sỹ. Lola đã khoảng ngoài 50 tuổi và chưa bao giờ đi khám nha sỹ. Tôi đi học đại học cách nhà khoảng một giờ đi đường, và cứ mỗi lần về thăm nhà tôi lại đề cập về chuyện này. Một, rồi hai năm trôi qua. Lola phải uống thuốc giảm đau mỗi ngày, và hàm răng của bà trông giống như tượng đá Stonehenge nham nhở. Một ngày, sau khi chứng kiến cảnh Lola khó nhọc nhai bánh mì bằng một bên miệng chỉ còn sót lại vài chiếc răng hàm, tôi đã không thể kiềm chế nữa.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 14.

Mẹ và tôi cãi vã tới đêm, và chúng tôi phân trần trong nước mắt về những quan điểm trái ngược của mình. Mẹ nói bà quá mệt mỏi với việc phải gồng mình nuôi cả gia đình, và đã chán ngán cảnh những đứa con luôn về phe bảo vệ Lola, và tại sao chúng tôi không đưa quách Lola yêu dấu đi, bà không muốn có Lola ngay từ đầu, và bà than trách Chúa tại sao đã để cho bà sinh ra một đứa giả dối ngạo mạn, giả đò nhân hậu như tôi. Tôi để cho bà nói hết, rồi đến lượt tôi phản pháo.  Tôi nói rằng mẹ mới chính là người hiểu rõ nhất thế nào là sự giả tạo, cả cuộc đời mẹ chỉ đeo mặt nạ mà thôi, và nếu mẹ chịu dừng việc đau xót chính mình lại chỉ một phút thôi mẹ sẽ thấy Lola hầu như không thể ăn bởi cái răng chết tiệt của bà ấy sắp rụng rời ra rồi, và tại sao mẹ không thể chỉ một lần nghĩ về Lola như một con người thực sự thay vì một nô lệ được nuôi sống để phục tùng người khác?

"Một nô lệ?" Mẹ tôi nói "Một nô lệ ư?"

Cuộc cãi vã đêm đó giữa chúng tôi đã kết thúc khi bà tuyên bố rằng tôi chẳng bao giờ hiểu được mối quan hệ giữa bà với Lola. Không-bao-giờ. Giọng nói của bà khi ấy thấp và đau đớn tới mức giờ đây, sau rất nhiều năm, tôi vẫn còn cảm thấy trong lòng nhói lên mỗi lần nghĩ tới đêm đó. Thật tệ khi bạn ghét chính mẹ mình, và đêm đó tôi đã cảm thấy vậy. Ánh mắt mẹ tôi khi đó cũng cho thấy bà cảm thấy điều tương tự về tôi.

Cuộc cãi vã hôm đó chỉ làm đầy thêm nỗi sợ của mẹ tôi rằng Lola sẽ đánh cắp những đứa trẻ từ bà, và bà bắt Lola phải trả giá vì điều đó. Mẹ tôi chì chiết Lola nhiều hơn, và tra tấn bà bằng những câu nói đại loại như "Chắc là bà rất hạnh phúc khi thấy lũ trẻ ghét tôi phải không". Khi chúng tôi giúp đỡ Lola làm việc nhà, mẹ sẽ nổi đoá và châm chọc "Lola, bà nên đi ngủ đi. Bà đã làm việc vất vả lắm rồi nhỉ, lũ trẻ lo cho bà nhiều lắm". Một lần mẹ tôi gọi Lola vào phòng ngủ để nói chuyện, và sau đó Lola đi ra cùng một đôi mắt sưng húp. Cuối cùng, Lola cầu xin chúng tôi đừng cố gắng giúp đỡ bà nữa.

"Tại sao bà còn ở lại đây?" Chúng tôi hỏi.

"Ai sẽ nấu ăn?" bà nói, và câu nói này của bà với tôi cũng tương tự như "Ai sẽ làm tất cả mọi thứ?". Ai sẽ chăm sóc chúng tôi? Và chăm sóc mẹ? Lần khác thì bà đáp: "Tôi biết đi đâu bây giờ?". Điều này khiến tôi loé lên câu trả lời thực sự. Thời gian trôi quá nhanh kể từ khi chúng tôi sang Mỹ. Chúng tôi vừa mới bắt kịp với nhịp sống ở đây, một thập kỷ đã trôi qua. Ngoảnh đi ngoảnh lại, một thập kỷ nữa lại trôi qua. Tóc Lola đã điểm bạc. Họ hàng ở quê sau khi không nhận được khoản tiền hỗ trợ mà Lola đã hứa sẽ gửi về cho họ, đã tự hỏi chuyện gì đã xảy đến với bà. Bà không dám quay về quê hương vì xấu hổ.

Người phụ nữ nô lệ suốt 56 năm làm việc không công (P1): Bị ngược đãi, bố mẹ chết cũng không được để tang - Ảnh 15.

Lola không có bất cứ ai thân quen ở Mỹ, cũng không có phương tiện di chuyển. Điện thoại làm bà bối rối. Những thứ máy móc công nghệ - máy ATMs, các thiết bị liên lạc, máy bán hàng tự động, và bất cứ thứ gì có bàn phím đều khiến bà hoảng sợ. Những người nói quá nhanh luôn khiến bà bối rối, và thứ Tiếng Anh bồi của bà cũng làm họ lâm vào tình cảnh tương tự. Bà không thể lên lịch một cuộc hẹn, sắp xếp một chuyến đi, điền một tờ đơn, gọi một bữa ăn mà không có người giúp đỡ.

Tôi tạo một thẻ ATM cho Lola gắn liền với tài khoản ngân hàng của tôi và dạy bà cách sử dụng nó. Bà dùng được lần đầu tiên thành công, song tới lần thứ hai thì loạn hết cả lên, và từ đó không bao giờ dùng nó nữa. Bà vẫn giữ chiếc thẻ bởi bà cho nó là một món quà từ tôi.

Tôi cũng dạy bà cách lái xe. Bà nguây nguẩy xua tay, nhưng tôi đã nhấc bổng bà lên rồi đặt bà ngồi vào ghế lái: cả hai chúng tôi cười vang. Tôi dành 20 phút giải thích về cơ chế điều khiển và cách lái. Ánh mắt bà chuyển dần từ tươi vui sang hoảng hốt. Khi tôi khởi động máy và bảng đồng hồ điện tử bật sáng, bà chạy biến ra khỏi chiếc xe vào trong nhà trước khi tôi kịp nói bất kỳ lời nào. Tôi đã thử vài lần sau đó. Tôi nghĩ rằng việc biết lái xe sẽ thay đổi cuộc đời bà. Bà có thể đi tới những nơi khác nhau, và nếu việc ở với mẹ tôi trở nên không thể nào chịu nổi nữa, bà có thể lái xe bỏ đi mãi mãi...

Alex Tizon, tác giả của câu chuyện này đã qua đời vào tháng Ba vừa qua. Ông là một nhà báo từng đạt giải Pulitzer và là tác giả cuốn sách Big Little Man: In Search of My Asian Self (Người đàn ông lớn nhỏ bé: Đi tìm con người châu Á của tôi).

Theo Thời Đại

người giúp việc

nô lệ

câu chuyện cuộc sống


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.