Những cái chết bất ngờ bên hồ Monuon

Dù thế giới đã bước vào thời đại số hóa, nhưng châu Phi vẫn là mảnh đất của nhiều bí ẩn, từ những hủ tục đầy ma quái đến những thảm kịch gây ra bởi "sát thủ vô hình" như sự kiện hàng chục người đột nhiên lăn ra chết tức tưởi, không một lời trăng trối bên hồ Monuon năm 1984 và nỗi kinh hoàng mang tên hồ Nyos năm 1986.

Chúng làm đau đầu các nhà khoa học, buộc họ phải chạy đua với thời gian để ngăn ngừa khả năng tái diễn những sự việc đau lòng như vậy.

Kivu là một trong những hồ lớn nhất châu Phi, nằm trong lãnh thổ Ruanda, cách núi lửa Nyiragongo phun trào, gây ra thảm họa lớn nhất đối với Ruanda kể từ khi nước này rơi vào nội chiến.

Trong lần phun trào đó, núi lửa Nyiragongo đã làm hơn 50 người chết và bị thương, đẩy trên 500.000 người khác rơi vào cảnh màn trời chiếu đất. Dẫu vậy, các nhà khoa học vẫn cho rằng người dân địa phương đã gặp may bởi thảm họa đáng sợ hơn có thể làm cả triệu người mất mạng đã không xảy ra.

Các nhà khoa học lo rằng núi lửa Nyiragongo hoạt động kéo theo động đất sẽ làm thức tỉnh tên "sát thủ" ngủ yên dưới đáy hồ Kivu, vốn được coi là nguy hiểm hơn bất cứ vụ núi lửa phun trào hay động đất nào.

Tới nay, cho dù biết khá ít và còn nhiều tranh cãi về tên "sát thủ" này, nhưng các nhà khoa học đều thống nhất chung ở một nhận định là một khi dòng dung nham chảy xuống đáy hồ Kivu, người dân Ruanda sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường. Cảnh báo này là hoàn toàn có cơ sở vì thảm họa tương tự đã xảy ra.

Camơrun, quốc gia Tây Phi một ngày năm 1984. Alhaji Abdul thong thả đạp xe từ nhà đến nông trường. Đột nhiên, Abdul sững người. Phía trước là cả chục người nằm bất động. Ban đầu, Abdul nghĩ đó là một vụ tai nạn giao thông. Nhưng tới gần, Abdul biết rằng đã có một cái gì đó xảy ra, tai nạn giao thông bởi không có dấu hiệu của sự va chạm hay lật xe và xác các nạn nhân không bị xây xát hay đổ máu. Kết quả tìm kiếm vài tiếng đồng hồ sau đó của cảnh sát cho thấy có ít nhất 37 người đã chết một cách kỳ lạ. Họ đều gục xuống trên đường khi sắp sửa tới nông trường. Tại sao họ lại chết tức tưởi như vậy?

Abdul kể lại: "Lúc đó có hai người chạy về phía tôi nói rằng trên xe họ có 12 người thì 10 người đã chết. Khi tôi hỏi tại sao những người đó chết, họ bảo rằng lúc đó họ ngồi trên nóc xe còn những người kia ngồi trong xe. Lái xe là người đầu tiên bước xuống để xem tại sao động cơ đột nhiên lại chết máy. Kết quả anh ta lập tức ngã quay ra, chết luôn.

Những người ngồi trong xe thấy thế dường như muốn tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, xuống xe và cũng chịu chung số phận. Tất cả các nạn nhân đều chết cùng một kiểu, không hề giẫy giụa, dường như mắc phải một loại bệnh truyền nhiễm nào đó rất "kinh khủng". Do các nạn nhân đều chết bất ngờ, nên có giả thiết cho rằng họ bị tấn công bởi vũ khí sinh hóa.

Pierre Zabu là bác sĩ đầu tiên đến hiện trường nằm bên hồ Monuon. Tuy đã chứng kiến không ít cái chết, nhưng Zabu vẫn cảm thấy rùng mình khi chứng kiến các xác chết nằm la liệt. Ý nghĩ về một loại vi trùng gây bệnh truyền nhiễm cực nhanh và cực độc khiến Zabu lạnh toát sống lưng, chỉ sợ mình sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo.

Dù vậy, Zabu và các nhân viên cảnh sát, cứu hộ khác vẫn phải khiêng các xác chết lên xe của quân đội điều đến trong hoàn cảnh không có găng tay chuyên dụng và mặt nạ phòng độc. Các xác chết vừa tới bệnh viện, cảnh sát lập tức thiết lập hàng rào an ninh phong tỏa toàn bộ bệnh viện để tránh khả năng lây lan.

Vài tháng sau khi sự việc trên xảy ra, Đại học Rhode (Mỹ) cử Giáo sư Haraldur Sigurdsson lập tức loại trừ có sự can dự của vũ khí sinh hóa bởi tất cả các nạn nhân đều chết trong tình trạng ngạt khí cực mạnh. Vấn đề là tại sao họ lại bị ngạt khí? Giáo sư Sigurdsson cố gắng tìm câu trả lời trong số nhân chứng.

Có người cho biết sự việc xảy ra tại hiện trường xuất hiện một màn sương màu trắng đục, nhưng nó tan đi rất nhanh. Giáo sư Sigurdsson nhớ lại khi ông đến hiện trường thì gặp một người may mắn thoát chết trong sự kiện trên. Ông ta hốt hoảng kêu lên "Chạy đi mau, nếu các anh không muốn đi vào chỗ chết!". Chính lúc đó, Giáo sư Sigurdsson ngửi thấy mùi rất khó chịu, giống như mùi trứng thối hoặc thuốc súng.

Mùi trứng thối và màn sương màu trắng, chúng rốt cuộc là gì? Giáo sư Sigurdsson nghĩ mãi và chợt nhớ chỗ các nạn nhân chết đều ở gần hồ Monuon. Dù sát thủ là ai hay cái gì nhất định phải liên quan đến hồ Monuon. Quả quyết như vậy, Giáo sư Sigurdsson lập tức mạo hiểm thuê một chiếc thuyền nhỏ ra giữa hồ Monuon, lấy dây buộc một chiếc bình thả xuống lấy mẫu nước.

Khi kéo chiếc bình lên, Giáo sư Sigurdsson thấy nước trong bình có rất nhiều bong bóng. Ông biết rằng ở sâu dưới đáy hồ có rất nhiều khí và rất có thể đó là CO2. Bình thường với một lượng nhỏ, khí CO2 mang đến cho người ta cảm giác vô hại. Nhưng khi CO2 trở nên đậm đặc trong không khí, nó sẽ trở thành "sát thủ" kinh hoàng.

Tới lúc này, vấn đề đặt ra là nguyên nhân nào khiến một lượng khí CO2 thoát khỏi đáy hồ Monuon? Điều đáng tiếc là khi các nhà khoa học chưa tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên thì "sát thủ" CO2 lại ra tay và gây ra thảm kịch khủng khiếp hơn rất nhiều. (Còn nữa)

Theo Gia Hân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.