Trùm ma túy Escobar ra đầu thú

Ngày 30/5/1991, tất cả các cơ quan báo chí thành phố Medellin bất ngờ nhận được thư của Escobar bày tỏ nguyện vọng ra đầu thú.

>> Kỳ 9: Bước ngoặt kỳ lạ

>> Kỳ 8: Trả thù đẫm máu

>> Kỳ 7: Cartel de Medellin lọt lưới

>> Kỳ 6: Chơi với lửa

>> Kỳ 5: Báo chí cũng rơi vào tầm ngắm

>> Kỳ 4: Ra tay tàn độc

>> Kỳ 3: Bắn "đạn bọc đường" mua chuộc quan chức

>> Kỳ 2: Trải tiền lót quan hệ

>> Kỳ 1: Chuyện đời bất hảo của trùm ma túy Escobar

Điều kỳ lạ là tên trùm ma túy không hề yêu cầu được nhận lượng khoan hồng của Chính phủ Côlômbia. Hắn cũng không yêu cầu Tổng thống Gaviria ngừng các hoạt động tấn công tội phạm ma túy đang tiến hành vả lại càng không đòi hỏi hợp pháp hóa tài sản khổng lồ có được từ việc buôn bán ma túy.

Thời hạn 15 ngày cho việc đầu thú mà báo chí cho rằng Escobar đã nêu ra trong cuộc gặp bí mật với mục sư Herreros trôi qua, nhưng tên trùm ma túy vẫn không có bất cứ động tĩnh gì. Rạng sáng ngày 19/6/1991, khi mà sương vẫn phủ mờ mặt đất, mục sư Herreros lên chiếc trực thăng của chính phủ, rời thành phố Medellin đến địa điểm Escobar chỉ định.

Sau khi chiếc trực thăng hạ cánh, tay chân thân tín của Escobar đợi sẵn ở đó trèo lên máy bay kiểm tra. Đảm bảo chắc chắn trên máy bay chỉ có viên phi công và mục sư Herreros, hắn mới cho phép máy bay bay tiếp, hạ cánh xuống địa điểm bí mật, nơi tên trùm ma túy đang ẩn náu. Lúc này, Escobar cũng đã làm xong "hậu sự" , phân phát cho mấy trăm tên tay chân theo hắn nhiều năm, mỗi tên từ 30.000 đến 50.000 USD làm lộ phí, rời bỏ chốn rừng sâu, tìm đường sống tiếp.

Chiều hôm đó, Ủy ban sửa đổi hiến pháp Côlômbia thông qua dự luật cấm dẫn độ công dân nước này. Nghe được tin này, Escobar mới quyết định ra khỏi hang ổ, giao nộp vũ khí cho cảnh sát. Khoảng 17 giờ ngày 19/6, Escobar được đưa đến tòa thị chính thành phố Medellin. Tên trùm ma túy chấp nhận tra tay vào còng. Tổng Chưởng lý Quốc gia, Giám đốc cơ quan điều tra hình sự Côlômbia và mục sư Herreros cùng đưa Escobar lên sân thượng của tòa thị chính. Tại đây, một chiếc máy bay trực thăng đã chờ sẵn để đưa Escobar đến giam giữ trong nhà tù Envigado ở thị trấn quê hương hắn.

Trước khi "đón Escobar", nhà tù Envigado vốn đã rất kiên cố, nhưng vẫn được đầu tư nâng cấp để đảm bảo không những tên trùm ma túy không thể trốn thoát mà ngay cả những kẻ muốn ám sát hắn cũng không thể đột nhập. Xung quanh nhà tù Envigado, một hệ thống dây thép gai bùng nhùng cao 4,6m, nối với mạng điện cao áp 10.000 V được dựng lên. Ngoài bốn tháp canh cao 9m ở bốn góc, nhà tù Envigado còn có 69 tháp canh lớn nhỏ khác, đảm bảo không bỏ sót bất cứ động tĩnh nào xảy ra trong khuôn viên.

Lực lượng canh gác, ngoài 60 nhân viên cảnh sát chuyên ngành trại giam ngày đêm trấn giữ vòng trong còn có 160 binh sĩ chính quy thay nhau tuần tra phía ngoài. Gần nhà tù Envigado, người ta cũng bố trí hơn 10 chiếc xe tăng sẵn sàng đối phó với mọi tình huống. Phòng giam giữ Escobar được thiết kế đặc biệt chắc chắn, tường làm bằng đá hoa cương và bê tông cốt thép dày nửa mét, nóc được gia cố bằng những tấm thép dày, hàn chặt với nhau.

Sau khi Escobar vào nằm khám, ngày 2/7/1991, Chính phủ Côlômbia tuyên bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp từ ngày 4/7/1991 - thời điểm hiến pháp mới bắt đầu có hiệu lực. Điều đó có nghĩa những quy định có từ thời Tổng thống Belisario Betacour Cuartas, phục vụ cho việc tấn công tội phạm ma túy như giới hạn một số quyền tự do công dân, cho phép tổng thống có quyền lực đặc biệt trong việc tái lập trật tự xã hội... sẽ không còn tác dụng. Ngay hôm sau, lực lượng vũ trang Cartel de Medellin (thành lập vào tháng 11/1981) chính thức thông báo quyết định giải tán, chấm dứt gần 10 năm bạo hành trong xã hội Côlômbia.

Người dân Côlômbia vui mừng về sự phát triển tích cực trong cuộc đấu tranh chống tội phạm ma túy. Nhưng giới chức Mỹ lại tỏ ra khá lo lắng. Họ không loại trừ khả năng Escobar chỉ phải nằm tù vài năm rồi được Chính phủ Côlômbia thả tự do và ở trong tù, Escobar vẫn có thể chỉ huy từ xa các hoạt động của Cartel de Medellin.

Một số quan chức Mỹ cảm thấy tức giận vì Chính phủ Côlômbia thực hiện chính sách "không dẫn độ", cho rằng cơ quan tư pháp của Côlômbia khó có thể vượt qua sức ép đe dọa tấn công khủng bố để đưa ra phán quyết thích đáng đối với bọn tội phạm ma túy. Ngày 30/5/1991, Giám đốc Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) William Hedgcock Webster đã bày tỏ sự thất vọng về chính sách khoan hồng này của Côlômbia. Webster cho rằng Mỹ đã ủng hộ mạnh mẽ cuộc chiến chống ma túy của Côlômbia, nhưng giờ thì Bôgôta lại "bỏ cuộc giữa chừng", không thực thi hiệp định dẫn độ đã ký với Oasinhton nữa.

Trước tình hình đó, Tổng thống Gaviria đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế chịu trách nhiệm đến cùng trong cuộc chiến chống ma túy và không nên soi mói tiến trình hòa bình vừa mới bắt đầu ở Côlômbia. Một cuộc điều tra dư luận tiến hành sau khi Escobar vào tù tại 5 thành phố lớn như Bôgôta, Medellin, Cali... cho thấy 75% số người được hỏi cho rằng quan tòa Côlômbia hoàn toàn có thể đưa ra phán quyết công bằng đối với tên trùm ma túy; 84% bày tỏ sự bất bình đối với việc Mỹ phê phán chính sách của Côlômbia. (Còn nữa)

Theo Nam Khánh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.