Từ cậu bé mồ côi gốc Việt trở thành Bộ trưởng Y tế Đức

Ông Philipp Roesler - một người gốc Việt 36 tuổi, hôm 24/10 đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Y tế Đức. Ông Roesler đã trở thành người Châu Á đầu tiên được lựa chọn vào một trong các vị trí Bộ trưởng trong Nội các Đức và cũng là vị bộ trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử nước này.

"Câu chuyện cổ tích của một đứa trẻ mồ côi trở thành Bộ trưởng” là dòng tít lớn được đặt trang trọng ở trang đầu của nhiều tờ báo bán chạy nhất của Đức ngày 25/10.

Bà Angela Merkel - người vừa tái đắc cử chức Thủ tướng của nước Đức trong cuộc bầu cử hồi tháng 9, đã lựa chọn ông Roesler, một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ tự do (FDP), vào vị trí Bộ trưởng Y tế trong chính phủ liên minh mới của bà. Nội các mới gồm 16 thành viên sẽ chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 28/10 tới.

Vai trò của ông Roesler sẽ rất quan trọng bởi chính phủ mới đang mong muốn tìm cách thực hiện một loạt cải cách lớn cho hệ thống y tế của nước Đức.

Roesler sinh tháng 2 năm 1973 ở tỉnh Khánh Hòa, miền Nam Việt Nam khi chiến tranh đang xảy ra. Roesler sống trong một trại trẻ mồ côi. Khi được 9 tháng tuổi, Roesler được một cặp vợ chồng người Đức nhận làm con nuôi và đưa sang Đức.

Khi lên 4 tuổi, bố mẹ nuôi của Roesler ly dị. Roesler được cha nuôi là một cựu sĩ quan quân đội tiếp tục nuôi nấng và dạy dỗ. Roesler theo học ngành y ở Hanover và từng phục vụ trong quân đội Đức.

Roesler gia nhập đảng FDP năm 1992 và tham gia vào đội ngũ lãnh đạo đảng này năm 2005. Một năm sau đó, ông được bầu làm Chủ tịch Đảng FDP vùng Lower Saxony. Tháng 2 năm 2009, ông được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Y tế, Lao động và Giao thông Vận tải của bang Lower Saxony và sau đó trở thành nhân vật số hai của bang này.

Ông Roesler đã cưới vợ, cũng là một bác sĩ, được 6 năm. Họ có hai cô con gái sinh đôi 1 tuổi.

Các đồng minh chính trị miêu tả ông Roesler là một người “thông minh và sáng suốt". Bản thân ông Roesler cho biết khi là một đứa trẻ ông đã biết đặc điểm gốc Châu Á đã khiến ông nhìn khác với những người khác. Tuy nhiên, ông này khẳng định ông không cảm thấy phiền toái vì điều đó.

Ông Roesler đã từng cùng vợ về thăm quê hương Việt Nam một lần vào năm 2006.

Theo Kiệt Linh



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.