Vết trượt của lòng tham và hư danh (Kỳ 3)

Hanssen bán tài liệu cho tình báo Liên Xô để lấy tiền. Điều đó đã được thể hiện rõ ngay từ lần ra giá đầu tiên trong bức thư gửi Cherkashin ngày 4/10/1985 và có thể là do áp lực đảm bảo cuộc sống cho một đại gia đình mà ở đó ngoài vợ, Hanssen còn có 6 người con đang ở tuổi ăn học.

>> Siêu điệp viên không hoàn hảo (kỳ 1, 2)

Tuy nhiên, việc Hanssen cộng tác với KGB không hoàn toàn xuất phát từ nguyên nhân khó khăn về tài chính. Trong một bức thư gửi trung tâm chỉ huy KGB ở Mátxơcơva, Hanssen viết: "Từ 14 tuổi, tôi đã quyết định đi theo con đường này (làm điệp viên hai mang)". Huênh hoang tự cho mình là đặc vụ vĩ đại nhất trong lịch sử FBI, Hanssen còn ngấm ngầm muốn trở thành điệp viên vĩ đại nhất của KGB.

Bên cạnh đó, nếu so sánh với Aldrich Hazen Ames, một điệp viên CIA làm việc cho KGB, Hanssen như một sự đối lập. Ames lái xe thể thao Jaguar vi vu đây đó, Hanssen đi làm bằng chiếc xe Ford loại phổ thông. Ames tậu hẳn một căn biệt thự trị giá tới 400.000 USD chỉ để nghỉ cuối tuần, Hanssen sống trong một ngôi nhà bình thường làm bằng gạch và gỗ như bao người Mỹ có thu nhập trung bình khác. Hanssen cũng không sài hàng hiệu hay hàng tháng chi cả nghìn USD trả phí "buôn" điện thoại đường dài như Ames...

Có lẽ vì thế, Hanssen đã duy trì được cuộc sống hai mặt lâu hơn Ames rất nhiều. Trong 27 năm làm việc cho FBI, Hanssen có 15 năm cộng tác với KGB, còn con số đó của Ames chỉ là 9. Đồng thời, trong số tài liệu mà Hanssen bán cho KGB, theo đánh giá của nhiều chuyên gia tình báo, có cái giá trị hơn nhiều so với những bản tin của Ames. Thậm chí, Hanssen còn tiết lộ cả những bí mật động trời, trị giá tới cả tỉ USD (chúng tôi sẽ đề cập trong những số sau), gây hậu quả khôn lường đối với anh ninh quốc gia của Mỹ.

Thực ra, Hanssen đã bị lộ ngay từ năm đầu tiên hợp tác với KGB. Người nắm được bí mật chết người của Hanssen chính là cô vợ Bonnie Hanssen. Bonnie đã bắt gặp quả tang Hanssen đang đọc thư dưới tầng hầm. Thấy vợ, Hanssen hoảng hốt giấu bức thư đi. Tưởng chồng ngoại tình, Bonnie đã khóc toáng lên. Không còn cách nào khác, Hanssen đã thú nhận mình làm gián điệp cho Liên Xô để lấy tiền. Với tài giải thích của Hanssen, Bonnie tin rằng chồng mình chỉ cung cấp cho Mátxơcơva những thông tin "vớ vẩn", "không giá trị". Hơn nữa, khi đó họ rất cần tiền nuôi dưỡng con cái, nên cuối cùng Bonnie đã "nhắm mắt làm ngơ".

Giữ kín miệng với người ngoài, nhưng bí mật này sau đó được Bonnie trút bầu tâm sự với anh trai mình - Mark Wauck - cũng là một nhân viên FBI. Wauck đã lưu ý cấp trên về việc điều tra xác minh khả năng Hanssen hoạt động gián điệp. Điều kỳ lạ là FBI không có bất cứ phản ứng nào với sự lưu ý của Wauck.

Tiếp đó, vào năm 1993, Hanssen đã bẻ khóa mã máy tính của một đồng nghiệp ở FBI - đặc vụ Ray Mislock - in ra một số trang tài liệu mật từ máy tín của Mislock rồi mang đưa cho chủ nhân của nó, nói: "Liệu cậu còn có thể tiếp tục không tin rằng hệ thống mạng đã mất an toàn?". Các quan chức FBI một lần nữa bỏ qua chi tiết này. Họ cho rằng Hanssen làm vậy chỉ muốn cảnh báo với mọi người về lỗ hổng an ninh trong hệ thống của FBI.

Sau này, Mislock cho rằng việc Hanssen đột nhập vào máy tính của Mislock là xem có phải FBI đang điều tra ông ta hay không và sử dụng câu chuyện lỗ hổn an ninh máy tính để củng cố thêm vỏ bọc của mình.

Hai năm trước khi Hanssen tra tay vào còng, Thomas Kimmel - một nhân viên điều tra cao cấp của FBI - đã cảnh báo Giám đốc Freeh rằng có một tên gián điệp KGB trong hàng ngũ các quan chức cao cấp FBI. Tuy nhiên, Freeh đã phủ nhận điều này và cho rằng báo cáo của Thomas có quá nhiều lỗ hổng và nếu muốn thì KGB phải cài cắm điệp viên của mình ở CIA chứ không phải là FBI.

Hậu quả là Freeh đã phải trả giá cho sự khinh suất của mình. Khoảng 4 tháng sau khi vụ Hanssen vỡ lở, Freeh đã phải từ chức còn FBI phải rà soát lại toàn bộ công tác phản gián. Gần 500 đặc vụ FBI đã phải đối mặt với máy phát hiện nói dối, trong số đó gồm 150 nhân viên quản lý cao cấp và những quan chức đứng đầu các phòng, ban, đơn vị ở tổng hành dinh Oasinhtơn. Bất cứ ai từ chối kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối đều bị điều đi nơi khác hoặc tước đi những đặc quyền về an ninh hoặc bị xử lý kỷ luật.

Kỳ 4: Lấy chuột bắt mèo

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.