Việt Nam tham gia Công ước chống tra tấn

Từ nay đến cuối năm, Việt Nam tập trung hoàn thiện các bước chuẩn bị để gia nhập Công ước chống tra tấn - thông tin từ cuộc họp Ban Chỉ đạo về nhân quyền do Phó Thủ tướng Phạm gia Khiêm chủ trì hôm 28-7 cho biết như thế.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin về nhân quyền cho mọi tầng lớp nhân dân (1). Trong tinh thần này, TTCT xin giới thiệu vài chi tiết của Công ước Liên Hiệp quốc chống tra tấn cùng các đối xử hay trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hoặc hạ phẩm giá (nguyên văn tên gọi Công ước).

Một tù nhân ở nhà tù Guantanamo của Mỹ, nơi bị tai tiếng vì ngược đãi và tra tấn tù nhân (Ảnh: AP)

Công ước được Đại hội đồng LHQ thông qua từ ngày 10-12-1984, có hiệu lực từ ngày 26-6-1987 sau khi hội đủ 20 quốc gia phê chuẩn. Đến tháng 12-2008, đã có 146 quốc gia ký kết công ước, trong số đó chỉ còn khoảng 10 quốc gia chưa phê chuẩn.

Một số nội dung chính

Công ước (2) gồm một lời nói đầu và 33 điều. Công ước bắt đầu bằng định nghĩa “tra tấn có nghĩa là bất cứ hành vi nào qua đó cố tình gây ra đau đớn hay đau khổ nghiêm trọng, bất kể vật chất hay tinh thần, nhắm vào một người nhằm mục đích thu được từ người ấy hay một người thứ ba thông tin hay tự khai...” (điều 1).

Từ định nghĩa cơ bản trên về tra tấn, công ước ràng buộc “mỗi quốc gia tham gia tiến hành những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp... nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn trong bất cứ lãnh thổ nào thuộc thẩm quyền của quốc gia ấy”. Không có bất cứ trường hợp ngoại lệ nào, cho dù là tình trạng chiến tranh hay đe dọa lâm chiến, nội tình chính trị hay bất kỳ tình trạng khẩn cấp nào khác, có thể được viện dẫn để biện minh cho tra tấn. Mệnh lệnh từ cấp trên hay cơ quan thẩm quyền không thể được viện dẫn như là một biện minh cho tra tấn” (điều 2).

Nôm na mà nói, tra tấn không chỉ là đánh đập hành hạ thân xác, mà còn là đe dọa hành hạ tinh thần, và công ước cấm chỉ hoàn toàn điều đó. Điều 15 công ước còn nêu rõ rằng các lời khai thu được trong tra tấn (thân xác hay tinh thần) đều vô nghĩa, ngược lại sẽ là bằng chứng của sự tra tấn: “Mọi quốc gia tham gia công ước đều phải đảm bảo rằng mọi lời khai được xem là kết quả của tra tấn sẽ không được viện dẫn như là chứng cứ trong mọi tiến trình xét xử nào, ngoại trừ việc dùng như là chứng cứ chống lại một ai đã tra tấn để lấy lời khai đó”.

Thử giải mã tội ác khmer đỏ bằng công ước chống tra tấn

Có thể liên hệ hai điều 1 và 2 nêu trên vào vụ án xét xử bị cáo Duch, nguyên trưởng trung tâm thẩm vấn Tuol Sleng (S-21) của Khmer Đỏ, đang diễn tiến tại Phnom Penh từ tháng 3 đến nay. Trong mọi lời khai của mình, Duch đều đổ lên cấp trên:

- Chánh án Cartwright: Từ khi mở trại S-21 cho đến ngày 6-1-1979, có 345 người Việt bị hỏi cung, thường bị tra tấn và giết hại ở S-21. Có đúng thế không?

- Bị cáo Duch: Thưa quý tòa, đúng thế. Tôi muốn điều chỉnh từ ngữ “thường bị tra tấn” thành “bị tra tấn trong trường hợp bất khả kháng”.

- Chánh án Cartwright: Tôi nhận thấy có rất nhiều tên của đàn ông và phụ nữ người Việt. Thế còn các trẻ em Việt Nam cũng bị đưa vào S-21 thì sao?

- Bị cáo Duch: Nếu các trẻ đó cũng đến S-21 cùng với cha mẹ chúng, nguyên tắc chung là chúng cũng bị tiêu diệt!

- Chánh án Cartwright: Các ông chủ trương không đưa tên trẻ em vào danh sách của S-21. Có đúng vậy không?

- Bị cáo Duch: Về câu hỏi danh sách, tôi không là người soạn ra nó. Tôi cũng không ra chỉ thị gì như thế. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ở S-21 thường là như thế.

- Chánh án Cartwright: Thành ra đến nay không ai biết chính xác có bao nhiêu trẻ em Việt Nam có thể đã bị bắt, giam giữ và giết chết ở S-21. Có đúng thế không?

- Bị cáo Duch: Do không có ghi chép gì về tên tuổi các trẻ đó nên không thể ước tính là bao nhiêu. Quy định là như thế...

(trích phiên thẩm vấn sáng 10-6-2009)

Căn cứ điều 2 nêu trên, những chối tội của Duch đều là vô nghĩa và vô ích. Trong hồ sơ xét xử Duch, còn có hồ sơ của các nạn nhân “tự khai là làm gián điệp cho Việt Nam”, bị Khmer Đỏ bắt và bị đưa đến trại S-21 của bị cáo Duch. Các bản tự khai của các nạn nhân này đều cùng một môtip:

- Tôi tên là Nguyễn Thị Bạch Huệ, 20 tuổi. Hiện tại ở trong đoàn văn công Bông Sen của công tư hợp doanh thành phố Sài Gòn, đi múa hát ở tiệm ăn của nhà nước tên là Rex. Tháng 1-1978, được ông Hiền là người chịu trách nhiệm đoàn văn công dẫn tôi đến gặp ông lãnh đạo thành phố. Ông này nói: Tôi tổ chức cho cô đi do thám tình hình ở Campuchia. Cô còn trẻ, có kinh nghiệm về việc thu hút tình cảm thanh niên. Tới ngày 24-4-1978, chúng tôi đi nắm tình hình bờ biển Campuchia, khi đó bị quân đội cách mạng Campuchia vây bắt tôi tại hòn Tang.

Một bản “tự khai” khác, trích đoạn như sau, nội dung tương tự:

Tôi tên Võ Thị Thúy, 25 tuổi, hiện tại buôn bán cùng với ba má tôi, gần chợ Rạch Giá. Tối 27-3-1978, ông chủ tịch phường gọi tôi lên gặp cùng với ban chấp hành tỉnh Rạch Giá. Họ nói: Cô có trình độ cũng cao, nhan sắc cũng khá. Bây giờ tôi tổ chức cho cô làm nhân viên tình báo của tỉnh nhà. Đầu tiên cô sẽ đi do thám vùng biển. Nếu cô không đi, cô lại có người yêu ở Mỹ, cô sẽ bị bắt bỏ tù, bỏ tù luôn ba má cô. Cô có nhan sắc lôi kéo thanh niên cùng đi với cô, làm cho họ quên đi sự lo ngại, chỉ vui tươi cố gắng do thám. Tối 30-3-1978, ông chủ tịch phường đã tổ chức cho tôi lên đường cùng nhiều người khác, giả làm người đi trốn tị nạn chánh trị. Bọn tôi vô gần hòn Polava thì bị quân đội Campuchia bắt.

Các bản “tự khai nhận tội” trên cùng nội dung bị “sai do thám bờ biển” (nên hiểu là vượt biên). Duch khai trước tòa rằng các tự khai đó là “để tuyên truyền trên đài phát thanh” về “âm mưu xâm lược” của VN. Nếu căn cứ điều 15 Công ước chống tra tấn thì các bản tự khai nhận tội này hoàn toàn không có giá trị, thậm chí còn tố cáo tội ác tra tấn của Duch.

Trên đây là đôi điều về Công ước chống tra tấn, mà theo Ban chỉ đạo về nhân quyền, Việt Nam đang chuẩn bị tham gia. Quyết định này được loan báo trong bối cảnh từ đầu năm tới nay, Việt Nam đã tham gia đối thoại về nhân quyền với một số quốc gia (Na Uy và Thụy Sĩ), Bộ Ngoại giao công bố Báo cáo quốc gia kiểm điểm định kỳ việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam (UPR) trước LHQ ngày 8-5, sắp xuất bản tạp chí Nhân Quyền, ra mắt website nhân quyền.

Theo Danh Đức



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.