Zahra Rahnavard: Mơ ước của mọi phụ nữ Iran

Đồng cảm và đòi quyền lợi cho phụ nữ, chuyện không phải ai cũng làm được ở Iran.

Trong suốt chiến dịch bầu cử ở Iran mấy tháng qua, khắp nơi trên phố phường thủ đô Tehran xuất hiện các áp phích tranh cử của các ứng viên tổng thống. Trong số đó, có một áp phích in hình một người đàn ông và một phụ nữ lớn tuổi nắm tay nhau. Đó chính là ứng cử viên tổng thống Hossein Mousavi và vợ, bà Zahra Rahnavard.

Phá bỏ mọi rào cản

Hình ảnh này chẳng có gì đặc biệt tại các quốc gia khác. Thế nhưng, ở một đất nước Hồi giáo như Iran, nơi những người vợ không bao giờ được xuất hiện cùng chồng tại nơi công cộng, hình ảnh hai vợ chồng nắm tay nhau giữa thanh thiên bạch nhật đã gây ấn tượng mạnh trên cả nước.

Trong suốt chiến dịch bầu cử tổng thống Iran, bà Zahra Rahnavard, 64 tuổi, đã phá vỡ những quy tắc truyền thống của quốc gia Hồi giáo này khi thường xuyên xuất hiện bên cạnh chồng mình.

Trùm trên đầu chiếc khăn truyền thống màu đen điểm xuyết thêm vài bông hoa màu sáng, bà Rahnavard không chỉ xuất hiện bên cạnh phu quân của mình là còn đi xa hơn thế.

Tham gia cuộc tranh cử tổng thống với vai trò là người vận động tranh cử tích cực, bà Rahnavard có lúc còn đứng lên bục diễn thuyết. Thậm chí, bà còn một mình đứng ra tập hợp nhiều cuộc thảo luận lớn và công khai lên tiếng chỉ trích các chính sách đối xử bất lợi với phụ nữ Iran.

Sự nghiệp không thua kém nam giới

Ở đất nước Iran, Zahra Rahnavard là một trong số ít những phụ nữ vẫn giữ cho mình tên thời con gái chứ không đổi theo họ chồng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình học thức, Rahnavard được học hành tử tế. Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, bà theo học ngành sư phạm, rồi lấy bằng thạc sĩ ngành Nghệ thuật, trường đại học Tehran. Bà cũng đạt học vị thạc sĩ và tiến sĩ ngành Khoa học chính trị tại trường đại học Azad.

Nhiều tác phẩm nghệ thuật của bà trưng bày ở một số địa điểm công cộng tại thủ đô. Nhiều người còn biết đến bà như một nhà văn với hơn 15 tác phẩm về chính trị trị, văn hóa, tôn giáo, thơ ca.

Học vấn và sự nghiệp của Rahnavard khiến nhiều người phải ngạc nhiên. Phụ nữ thán phục bà bởi ở một đất nước phụ nữ ra đường còn hơn, việc đi học lại càng khó hơn, vậy mà bà Rahnavard đã đạt được rất nhiều học vị.

Thực tế, sự nỗ lực của bản thân bà không chỉ đơn thuần đến trường học tập mà còn là nỗ lực dám vượt ra những nguyên tắc tôn giáo và văn hóa của cả một đất nước.

Bước ngoặt đến với chính trường

Năm 1969, Rahnavard kết hôn với Mousavi. Cũng từ đó, bà tham gia vào các hoạt động chính trị cùng chồng. Ra nước ngoài một thời gian, bà quay về khi chồng nắm giữ chức Thủ tướng Iran từ năm 1981 đến 1988. Thời điểm này, Rahnavard trở thành người phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở đất nước Iran.

Trong suốt những năm từ 1997 đến 2005, thời kỳ tổng thống Mohammad Khatami điều hành đất nước, người phụ nữ nhỏ bé này trở thành cố vấn chính trị cho tổng thống. Bà cũng là người giữ chức hiệu trưởng danh dự trường đại học Al Zahra dành cho phụ nữ ở Tehran.

Khi quyết định tham gia vào chiến dịch tranh cử của chồng. Rahnavard tâm sự: "Chúng tôi có kinh nghiệm. Ông ấy cho tôi những lời khuyên tốt, ngược lại, tôi cũng có lời khuyên hợp lý cho ông ấy".

Nữ chính trị gia khéo cư xử

Rahnavard khiêm nhường và không muốn mình lấn át chồng khi trả lời báo giới. Tuy nhiên, trong con mắt của giới truyền thông, nhiều phụ nữ và những người có quan điểm chính trị cởi mở, Rahnavard thật sự sắc sảo không thua kém chồng.

Vẫn xuất hiện trong chiếc khăn trùm đầu truyền thống, giọng nói nhỏ nhẹ mỗi khi trả lời các phóng viên và cử tri, nhưng mỗi khi xuất hiện trên bục phát biểu, bà đều đưa ra những luận điểm xuất sắc.

Khi nói chuyện, cử chỉ bà tự nhiên, diễn đạt bằng tay rất thân thiện, cởi mở. Điều này đã chiếm được cảm tình của nhiều phụ nữ và cả phái nam có tư tưởng tiến bộ ở đất nước Hồi giáo này.

Cư xử đúng mực như một người phụ nữ, nhưng khi cần, Rahnavard sẵn sàng khẳng định vai trò của mình trước các đấng mày râu. Bà còn đập tan dư luận về việc phụ nữ tham gia vào chính trị.

Sự mạnh mẽ của Rahnavard đã tạo ra một tác động lớn. Nhiều ứng cử viên tổng thống của Iran đã mạnh dạn đưa ra những tuyên bố đặc biệt dành cho phái nữ.

Mohsen Rezai tuyên bố nếu ông được làm tổng thống, một quý bà sẽ được bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao. Mehdi Karroubi cho rằng không có gì cản trở phụ nữ tham gia nội các. Riêng Ahmadinejad không đề cập trực diện vấn đề này, nhưng ông cũng tự biện hộ khi nhắc lại chính mình là người đề nghị cho phụ nữ được vào sân vận động tham gia cổ vũ bóng đá.

Công khai bảo vệ giá trị bản thân

Trong một cuộc tranh luận trước kỳ bỏ phiếu tranh cử tổng thống với ông Ahmadinejad, ông này đã tỏ ý nghi ngờ bằng cấp của bà Rahnavard. Chồng bà đã phản ứng bằng câu nói: "Vợ tôi là một trong những phụ nữ tiến bộ và quan trọng của đất nước này".

Bản thân Rahnavard cũng không nhượng bộ, trong một bài diễn thuyết đặc biệt kéo dài 90 phút, bà yêu cầu đối thủ của chồng mình phải rút lại câu nói kia trước công chúng và xin lỗi bà trong vòng 24 giờ. Phản ứng mạnh mẽ của bà không những khiến cả thế giới quan tâm mà còn làm các ứng cử viên tổng thống khác phải khâm phục.

Giờ đây, khi cuộc bầu cử tổng thống ở Iran vẫn còn gây tranh cãi, nhiều người dân đã gọi bà là đệ nhất phu nhân kế tiếp của đất nước. Điều này chứng tỏ họ thừa nhận vai trò không hề nhỏ của bà trong cuộc vận động tranh cử của chồng.

Có người cho rằng việc bà Rahnavard xuất hiện cùng chồng chỉ là một quân bài chính trị nhằm lấy lòng những người mong munó có sự cải cách ở Iran. Tuy nhiên, với nhiều người, bà Rahnavard đơn giản chỉ là một người vợ, một người phụ nữ mong muốn công bằng cho phụ nữ theo đạo Hồi.

Hành động tiêu biểu nhất có lẽ là việc bà buộc một người đàn ông ở vị trí cao cấp công khai xin lỗi mình. Rahnavard là biểu tượng cho quyền của phụ nữ. Bà trở thành tấm gương, khích lệ phụ nữ đứng lên đòi quyền cho chính mình.

Thông tin thêm

Bà Zahra Rahnavard là người phụ nữ đầu tiên của Iran đứng đầu một trường đại học kể từ sau Cách mạng Iran 1979.

Bà là thạc sĩ nghệ thuật và tiến sĩ khoa học chính trị, một người đam mê nghệ thuật điêu khắc. Cuộc hôn nhân của bà với ông Mousavi đã cho họ 3 cô con gái. Hiện nay, Rahnavard đã có cháu ngoại.

Theo



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.