Chủ tịch VFF muốn từ chức mà không được

Cơ chế và cả việc chọn người thay thế không phải đơn giản, khiến ông Hỷ không thể đưa ra quyết định từ chức vào lúc này.

Cơ chế và cả việc chọn người thay thế không phải đơn giản, khiến ông Hỷ không thể đưa ra quyết định từ chức vào lúc này.
Ông Hỷ từng gắn bó nhiều năm với VFF trên cương vị người đứng đầu. Ảnh: Thế Ngọc.

Mới đây, Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng tiết lộ cấp trên của mình là ông Nguyễn Trọng Hỷ đang có ý định giao lại chiếc ghế nóng cho người khác. Thông tin này gây sốc cho làng bóng đá Việt Nam bởi nó xuất hiện trước thềm AFF Cup - giải đấu được đánh giá là rất khó khăn của đội tuyển quốc gia. Hơn nữa, nhiệm kỳ của ông Hỷ cũng chỉ còn hơn một năm nữa là kết thúc.

Hôm qua, chính ông Hỷ thừa nhận đã có những lúc ông rất buồn vì bóng đá Việt Nam không đi theo ý muốn, lại gặp vô vàn áp lực bởi vị trí của một người lãnh đạo cao nhất VFF. Trong những lúc như thế, ông vẫn tâm sự với cấp dưới thân cận của mình là Phó chủ tịch Lê Hùng Dũng. Thậm chí ông Hỷ chẳng ngại ngần tiết lộ thông tin, ông từng muốn ông Dũng làm thay mình một năm.

Thực tế cho thấy, trong làng bóng Việt Nam, ông Dũng chính là người hợp lý nhất lên thay ông Hỷ. Có tiếng nói, có tiền và tâm huyết với bóng đá, ông Dũng chính là người không thể thiếu ở VFF hiện tại. Hơn nữa, trong cơ chế bóng đá thị trường, phát triển theo xu hướng xã hội hóa thể thao, việc đưa chủ một doanh nghiệp lớn lên vị trí Chủ tịch là rất hợp thời và đi đúng hướng. Ngoài ông Dũng, có thông tin một ứng cử viên khác ở Tổng cục TDTT cũng rất muốn ngồi vào vị trí mà ông Hỷ sẽ để lại sau khi hết nhiệm kỳ. Tuy nhiên so với ông Dũng, ứng cử viên này có vẻ không phù hợp và chưa nhận được sự ủng hộ cao của cấp trên.

Cầu thủ giỏi ở Việt Nam đếm trên đầu ngón tay, còn những nhà quản lý bóng đá có tài chỉ 1-2 người. Chưa biết trong hơn một năm nữa, sẽ có gương mặt lớn dạng như bầu Kiên, bầu Đức xuất hiện hay không nhưng từ thời điểm này, nếu ông Hỷ trao ấn cho ông Dũng, chắc chắn sẽ nhận được sự đồng tình của dư luận.

Ý định của ông Chủ tịch VFF đã không thể thực hiện được bởi ông Dũng đang rất bận việc kinh doanh. Điều hành doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Dù đủ sức kiêm nhiệm, nhưng ông chủ ngân hàng và vàng bạc đá quý này thích quan tâm hơn tới thương trường. Đó là một lý do mà ông Hỷ chưa thể từ chức lúc này, song còn một lý do khác, nguyên tắc hơn, bắt buộc hơn. Đó là nếu ông Hỷ muốn từ chức, ông sẽ phải trình trước Đại hội chờ phê duyệt theo đúng quy định của FIFA. Nếu vậy, nhanh nhất cũng phải tới Đại hội thường niên vào tháng 10 này hay đợi đến tận tháng 10 năm sau, khi Đại hội nhiệm kỳ mới diễn ra.

“Tôi bây giờ đang cảm thấy rất nhẹ nhõm. Dù vậy, tôi sẽ không buông khi mình vẫn đang làm tốt mọi việc. Với tôi, có làm thêm 3 tháng hay một năm nữa, cũng sẽ chẳng tranh giành với ai làm gì. Chừng nào tôi còn ngồi ghế Chủ tịch, chừng đó tôi sẽ còn làm nhiều thứ cho bóng đá Việt Nam, chứ không vì bất cứ cá nhân nào hết”, ông Hỷ tâm sự.

Phía trước ông Hỷ, sẽ là một giải AFF Cup đầy thử thách, nhưng Việt Nam không phải không có cơ hội vô địch. Nếu thầy trò HLV Phan Thanh Hùng đòi lại được chức vô địch 2008, chẳng phải ông Hỷ cũng được thơm lây bởi từ trước đến nay, có ai làm được như ông. Tuy nhiên, nếu tuyển Việt Nam không thành công, giống như các đàn em của họ thất bại ở U23 tại SEA Games năm ngoái, khi đó, mới thấy được sự hợp lý của ý định muốn từ chức của ông Hỷ vào thời điểm này.

Theo Vnexpess



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.