Thể Công trên con đường phục sinh

Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra - những người yêu Thể Công xưa đang mong mỏi cái lẽ đời đó ứng vào tượng đài một thuở của bóng đá Việt Nam.

Cánh cửa này khép lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra - những người yêu Thể Công xưa đang mong mỏi cái lẽ đời đó ứng vào tượng đài một thuở của bóng đá Việt Nam.

Thể Công là cái tên đã in sâu vào tâm thức những người yêu bóng đá Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.


Đường Phương Mai đoạn rẽ từ Trường Chinh (Hà Nội) bao năm nay vẫn gập ghềnh sỏi đá. Những hôm mưa gió, nước đọng thành vũng lầy lội như bẫy người đi. Nhưng, hãy kiên nhẫn đi đến cuối con đường đó, nơi có những sân cỏ nhân tạo, xen lẫn những trại lính tĩnh lặng, những ruộng rau xanh mướt...

Nơi đó có đại bản doanh của Trung tâm đào tạo trẻ Viettel, nơi ăn ở, luyện tập của hàng trăm cầu thủ trẻ đủ mọi lứa tuổi từ U11 đến U13, U15, U17... do các chuyên gia - chủ yếu là những cựu cầu thủ Thể Công - cất công tuyển chọn. “Cho đến nay chúng tôi đã có 12 trung tâm vệ tinh, cắm chốt trên nhiều địa phương trong cả nước”, ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm - chia sẻ. "Nhiệm vụ của mỗi vệ tinh là tìm kiếm, tạo sân chơi và sàng lọc ra những em nhỏ có tố chất để nếu có điều kiện sẽ đưa về trung tâm mẹ đào tạo".

Tiền thân của Trung tâm đào tạo này vốn là một biểu tượng có bề dày và tầm vóc lớn nhất của bóng đá Việt Nam - CLB Thể Công.

Cách đây gần 60 năm, vào một ngày gần cuối tháng 9/1954, Thể Công - viết tắt của cụm từ "Thể dục thể thao Công tác đội" - được thành lập. Ban đầu, Thể Công gồm 23 cán bộ chiến sĩ của Trường Lục quân Việt Nam, được chia làm ba đội: bóng đá (11 cầu thủ), bóng rổ (5) và bóng chuyền (6). Đội bóng đá nhanh chóng phát triển và ghi tên tuổi vào lịch sử thể thao nước nhà. Năm 1955, giải bóng đá đầu tiên của miền Bắc được tổ chức tại Hải Phòng với tên gọi "Giải Hoà Bình", hai đội hình A và B của Thể Công tham gia đều giành chức vô địch.

Từ năm 1955 đến 1979, Thể Công được coi như CLB thành công nhất của bóng đá quốc gia với 13 lần vô địch giải bóng đá miền Bắc, bên cạnh những chiến tích vang dội trên trường quốc tế như chiến thắng trước đội Bát Nhất (đội bóng mạnh nhất Trung Quốc lúc đó) rồi đội tuyển Cuba... Sau khi đất nước thống nhất và có giải Vô địch quốc gia (tiền thân của V-League), Thể Công vẫn là đội bóng mạnh, với 5 lần đăng quang. Nhiều cầu thủ áo lính trở thành nòng cốt của đội tuyển quốc gia, góp phần tạo nên những lứa thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam như Cao Cường, Thế Anh, Phan Văn Mỵ, Trọng Giáp, Vương Tiến Dũng... đến Hồng Sơn, Như Thuần, Việt Hoàng, Phương Nam... Cho đến lúc đó, Thể Công vẫn là đội bóng có thời gian trụ hạng lâu nhất và có đội ngũ cổ động viên đông đảo nhất Việt Nam.

Như trò đùa của số phận, đúng vào thời điểm kỷ niệm tròn 50 năm thành lập - năm 2004 - câu lạc bộ phải xuống hạng Nhất do chỉ cán đích thứ 11 trên 12 đội ở giải Vô địch quốc gia. Từ mùa giải năm sau, câu lạc bộ đổi tên thành Thể Công Viettel và chịu sự quản lý một phần của Tổng Công ty Điện tử Viễn thông Quân Đội. Tháng 9/2007, đội bóng giành quyền lên V-League và trở lại tên gọi cũ - Thể Công.

Ngày vui ngắn chẳng tày gang. Ngày 22/9/2009 (trước lễ kỷ niệm 55 năm thành lập), Bộ Quốc phòng quyết định xóa tên Thể Công. Hai tháng sau, câu lạc bộ được chuyển giao cho Tổng công ty viễn thông Viettel. Chỉ được một thời gian ngắn, ông lớn của ngành viễn thông đã để lại đội một cho Thanh Hóa, chỉ giữ lại đội hai thi đấu ở giải hạng Nhất năm 2010 dưới tên gọi Trung tâm bóng đá Viettel. Kết thúc mùa giải đó, đội hai cũng được chuyển nốt cho Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội T&T. Những vết tích về đội bóng hào hùng một thuở coi như mai một và đứng trước nguy cơ tan theo gió bụi thời gian.


Đội trẻ của Thể Công Viettel là đại diện của Việt Nam tham dự giải U13 Đông Nam Á hồi hè năm nay. Ảnh: Doãn Mạnh.


Người ta vẫn hay nói "thật vàng không sợ lửa". Dù qua nhiều thăng trầm, có lúc đã bị xóa tên, nay Thể Công đang tái sinh từ tro tàn.

Trong một vài năm trở lại đây, Trung tâm đào tạo trẻ Viettel đã gặt hái một loạt thành công ở các giải đấu dành cho các lứa tuổi. Các đội U13, U15 thường xuyên nằm trong nhóm đội mạnh ở giải bóng đá nhi đồng và thiếu niên toàn quốc, trong khi U17 vừa bất ngờ giành quyền lên chơi ở hạng Nhì - sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu. Từ những thành công đó, Trung tâm đặt ra mục tiêu có đội thi đấu ở hạng Nhất năm 2015, và 2 năm sau lên chơi ở giải chuyên nghiệp.

Từ từ nhưng chắc chắn, đội bóng quân đội đang từng bước hồi sinh bằng triết lý đào tạo bóng đá căn bản và nhân văn, thể hiện trong việc nhấn mạnh tu dưỡng đạo đức và đào tạo văn hóa cho cầu thủ. Đây đúng là thứ mà bấy lâu nay bóng đá "chuyên nghiệp" của Việt Nam vẫn thiếu, dẫn đến đủ thứ hệ lụy cho môn thể thao vốn là niềm say mê của hàng triệu triệu người hâm mộ.

"Chúng tôi chấp nhận làm bóng đá từ những thứ căn bản với khối lượng đầu tư khổng lồ để đổi lại là những cầu thủ trọn đức vẹn tài", ông Hải nhấn mạnh và cho biết trung tâm đang lên kế hoạch mở rộng quy mô, sân bãi và chiến lược để tạo sự đột phá trên con đường tâm huyết mà những người hâm mộ bóng đá nước nhà đợi mong: tìm lại quý danh của Thể Công năm xưa.

Theo Vnexpress


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.