VĐV Lê Thị Huệ: 'Tôi đã khóc trong vô vọng'

Suốt 10 năm sống trong nghịch cảnh, từ một VĐV hàng đầu trở thành tàn tật, Huệ tâm sự cô không oán trách ai mà chỉ mong không bị bỏ quên.

Suốt 10 năm sống trong nghịch cảnh, từ một VĐV hàng đầu trở thành tàn tật, Huệ tâm sự cô không oán trách ai mà chỉ mong không bị bỏ quên.

- 10 năm đã qua từ cái ngày bị chấn thương trong một buổi tập ở đội tuyển vật nữ quốc gia, chị nghĩ gì khi mình rơi vào trường hợp thiếu may mắn như thế?

- Tôi chẳng oán trách ai mà chỉ buồn vì bản thân thiếu may mắn. Trong cuộc đời VĐV, ai cũng muốn có cơ hội được tham dự những giải đấu lớn và chẳng ai muốn bị chấn thương. Thế nhưng, đáng tiếc là khi chuyển sang chơi môn vật từ môn judo, lúc đó vật nữ vẫn còn quá mới nên chưa được tham gia giải quốc tế nào. Chúng tôi ai cũng háo hức được tham dự SEA Games trên sân nhà năm 2003 và tập luyện rất tích cực.

Thật không may, lúc tập tốt thì tai nạn xảy ra và những ước mơ ban đầu đều tan vỡ. Lúc đó tôi tiếc nuối, buồn, khóc trong vô vọng nhưng biết sao được, số phận của mình như thế thì phải chấp nhận. Bản thân tôi bây giờ cũng thiệt thòi nhiều thứ, làm gì cũng phải có người nhà trợ giúp. Việc sinh hoạt cá nhân hay đi lại phải có người trợ giúp do đốt sống cổ số 3, số 4 bị tổn thương, ảnh hưởng đến tứ chi.

Sinh hoạt hàng ngày của Huệ phải nhờ sự giúp đỡ của người mẹ già. Ảnh: VC.

- Hàng tháng, chị được hưởng trợ cấp ra sao?

- Tôi đang được hưởng trợ cấp tai nạn lao động của bảo hiểm xã hội, mức dành cho tôi là 580.000 đồng một tháng, còn người chăm sóc được hưởng 450.000 đồng một tháng. Sau một thời gian tổng cộng hai khoản tiền này được tăng lên 2,4 triệu đồng một tháng. Trước đây, cả nhà dùng tiền trợ cấp thương binh của bố tôi và tiền bảo hiểm của tôi để mua gạo và tiền sinh hoạt, nhưng kể từ khi ông mất năm 2011 thì khoản tiền trợ cấp thương binh không còn. Mẹ tôi năm nay cũng ngoài 70 tuổi, sức khỏe yếu vì lo lắng, chăm sóc cho tôi nên gần đây cũng bệnh tật luôn. Trước gia đình còn làm ruộng thì đỡ hơn nhưng giờ chẳng còn ai làm. Hai mẹ con sống dựa vào tiền trợ cấp của tôi nên chi tiêu gặp nhiều khó khăn, chưa nói đến đi viện nọ, viện kia chữa bệnh.

- Hiện nay, việc điều trị phục hồi chức năng với chấn thương của chị được tiến hành đến đâu?

- Trước tôi được hỗ trợ khá tốt ở Bảo Long, nhưng do điều kiện đi lại khó khăn và xa nhà nên đã xin về ở cùng bố mẹ. May là tôi còn được ở bên bố một thời gian trước khi bố mất. Từ khi rời Trung tâm Bảo Long về nhà thì tôi cũng không còn đi chữa bệnh, phục hồi chức năng như trước nên mỗi khi trái gió trở trời, chỗ tổn thương đốt sống cổ cũng bị đau nên rất khó chịu, còn cơ thể thì đau quanh năm. Chi phí sinh hoạt hằng ngày còn chật vật nên tôi chẳng còn tiền để chữa trị dù biết nếu không điều trị có thể tình trạng bệnh sẽ tồi tệ hơn. Từ vài năm nay, tôi không còn đi khám nữa và cũng nghĩ là chẳng còn hy vọng gì.

- Từ khi chị bị chấn thương, sự quan tâm của ngành thể thao và đơn vị Thanh Hóa thế nào, thưa chị?

- Sau khi tôi rời khỏi bệnh viện và được chuyển lên Trung tâm Bảo Long khoảng một năm thì ít được quan tâm hơn trước. Lúc trước cũng thỉnh thoảng cũng đoàn của ngành thăm hỏi. Còn phía Thanh Hóa thì thường đến dịp Tết hoặc ngày 27/7 cũng có đoàn đến thăm. Tôi chỉ mong mọi người quan tâm hơn một chút chứ không oán trách gì. Số phận của mình như thế thì phải chấp nhận thôi.

Bạn đọc quan tâm đến VĐV Lê Thị Huệ có thể liên lạc theo địa chỉ:
Lê Thị Huệ, thôn Châu Chính, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa.

Theo Ngoisao



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.