Việt Nam xác định trách nhiệm dẫn đến thất bại ở Olympic London

Trong 2 ngày mổ xẻ thất bại của đoàn TTVN tại Olympic, lãnh đạo đoàn đã thừa nhận mình có trách nhiệm lớn nhất khi không hoàn thành chỉ tiêu có huy chương tại Olympic.

Trong 2 ngày mổ xẻ thất bại của đoàn TTVN tại Olympic, lãnh đạo đoàn đã thừa nhận mình có trách nhiệm lớn nhất khi không hoàn thành chỉ tiêu có huy chương tại Olympic.

Như vậy một lần nữa, thất bại của đoàn TTVN đã có người nhận trách nhiệm, giống như kỳ Asiad 2 năm trước. Thế nhưng, nhận trách nhiệm thôi liệu có đủ?

 

Trong mỗi thất bại của đoàn TTVN, vị trí trưởng đoàn luôn là người phải đứng mũi chịu sào. Không hề trốn tránh trách nhiệm, lãnh đạo đoàn TTVN, cụ thể là trưởng đoàn Lâm Quang Thành (Phó Tổng cục trưởng TC TDTT) đã đứng ra nhận lỗi: “Với trách nhiệm là trưởng đoàn, tôi xin nhận trách nhiệm. Việc không hoàn thành nhiệm vụ là phấn đấu có huy chương cũng là một bài học cho các nhà quản lý, chúng ta còn rất lý thuyết, duy ý chí, dẫn đến sự hời hợt, không chặt chẽ, thiếu tính chuyên nghiệp”.

Bộ Trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh chủ trì buổi tổng kết (Ảnh: Quang Thắng)

 

Trong khi đó, dù không trực tiếp dẫn quân nhưng với vai trò Tổng cục trưởng TC TDTT, ông Vương Bích Thắng cũng nhận trách nhiệm về mình.

  “Ở quá trình chuẩn bị, tôi khẳng định ngành thể thao đã thực hiện rất thành công với việc có tới 18 VĐV giành vé chính thức. Nhưng ở quá trình quan trọng nhất là thi đấu, chúng tôi đã không hoàn thành khi không thể có huy chương như mục tiêu đề ra. Là những người đứng đầu, tôi và trưởng đoàn Lâm Quang Thành phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên. Chúng tôi đã nhận trách nhiệm và đã có giải trình cụ thể với Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL”, ông Thắng nói.

 

Nhận lỗi trước mỗi thất bại luôn đơn giản. Còn nhớ tại Asiad 2010, sau thất bại của đoàn TTVN tại Quảng Châu-Trung Quốc, trưởng đoàn Lê Quý Phượng cũng nhận lỗi về phần mình, nhưng đó gần như là công việc bắt buộc.

 

Người hâm mộ quan tâm tới thành tích của đoàn TTVN, tới sự tiến bộ, chứ không phải là những lời nhận lỗi hay lời hứa.

 

Thực tế, sẽ là không công bằng nếu cho rằng thất bại của đoàn TTVN có hoàn toàn lỗi của những người lãnh đạo. Bản thân ông Vương Bích Thắng thừa nhận, thất bại một phần xuất phát từ thực trạng yếu kém của thể thao Việt Nam. “Chúng ta đã có kế hoạch chuẩn bị Olympic từ đầu 2011. Nhưng phải thừa nhận, thời gian hơn một năm rưỡi đó chỉ đủ để tiếp cận thành tích châu lục, thế giới chứ chưa vững chắc giành huy chương Olympic. Sau cuộc họp, ngành thể thao thống nhất buộc phải thay đổi trong thời gian tới. Cụ thể là sẽ phối hợp với các bộ môn, địa phương rà soát và chọn ra các môn, nội dung thế mạnh đề đầu tư trọng điểm”.

 

Thất bại của đoàn TTVN là điều sớm được dự báo ngay từ khi đoàn TTVN bắt đầu chuẩn bị cho Olympic. Theo Trưởng đoàn Lâm Quang Thành, những khó khăn của đoàn TTVN trong quá trình chuẩn bị bắt nguồn từ nhiều yếu tố và sau thất bại tại Olympic, TTVN sẽ cần phải có biện pháp sửa chữa và có đề án để khắc phục ngay.

 

Đánh giá về các thất bại đáng tiếc của đoàn TTVN, ông Thành đã có những lý giải: “Đối với cử tạ vì sao không đạt huy chương, thì cũng đã phân tích cụ thể rồi. Đó chính là sai sót trong quá trình diễn biến thi đấu, trong khởi động và cả tâm lý. Đối với Hoàng Xuân Vinh, đứng hạng 4 thế giới cũng là một thành tích xuất sắc.

 

Qua Olympic lần này, có thể khẳng định bắn súng là một môn có đủ khả năng có huy chương nên cần phải đầu tư cho kỳ sau. Taekwondo chúng ta có sự chuẩn bị tốt với hỗ trợ từ phía Hàn Quốc. Tuy nhiên, tất cả đã thấy VĐV của chúng ta chưa có đủ kinh nghiệm. Và khi đã bị vỡ trận, thì chúng ta thua liên tục.

 

Còn lại môn TDDC có nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là về tâm lý, các VĐV cũng chưa thực hiện đúng các bài mình đã tập luyện. Tóm lại dưới sự đánh giá dưới nhiều góc độ, nhiều khía cạnh khác nhau, đây là bài học cũng là cơ sở để TTVN quy hoạch lại các trung tâm trọng điểm”.

 

Ngoài ra, cũng theo ông Thành, số lượng VĐV phải xem xét lại toàn bộ lực lượng hậu bị của chúng ta. Trước đây, VN có lứa VĐV rất nhiều để tập trung cho SEA Games 2003. Tuy nhiên, từ đó đến nay vì nhiều yếu tố khách quan, lứa VĐV kế cận đang rất thiếu hụt. Chính vì thế, ngành thể thao phải rà soát lại toàn bộ, quy hoạch các tuyến kế cận, các tài năng để mang lại thành tích cao hơn.  

 

Theo Dân Trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.