Bóng đá Nhật Bản dẫn đầu châu Á như thế nào?

Đế chế nào cũng có thời điểm bước ngoặt, xây dựng mọi thứ từ con số 0 và quá trình phát triển của giải vô địch J.League

Đế chế nào cũng có thời điểm bước ngoặt, xây dựng mọi thứ từ con số 0 và quá trình phát triển của giải vô địch J.League luôn là hình mẫu để các nền bóng đá châu Á khác hướng đến. 

Một thế lực hùng mạnh ở châu Á bắt đầu làm bóng đá chuyên nghiệp bằng cách đổ một núi tiền, tiên phong là các doanh nghiệp lớn tài trợ cho CLB. Những HLV tài năng và các ngôi sao bóng đá tên tuổi được trải thảm mời về chơi cho giải đấu vô địch quốc gia. 

Công thức này nghe có vẻ quen thuộc, đúng với giải Trung Quốc Super League vào năm 2017 hay gần 10 năm trước ở giải MLS của Mỹ. Nhưng từ năm 1993, người Nhật đã làm điều này, khởi đầu cho một nền công nghiệp bóng đá chuyên nghiệp và phát triển thần tốc cho đến hôm nay. 

Bóng đá Nhật Bản dẫn đầu châu Á như thế nào? - Ảnh 1.

25 năm xây dựng J-League, Nhật Bản không chỉ có giải vô địch hàng đầu châu Á mà bóng đá nước này cũng đã trở thành cường quốc hàng đầu châu lục, là lá cờ đầu của châu Á tranh tài ở các kỳ World Cup. Cách làm bóng đá của Nhật Bản, khi nhìn lại, vẫn là mô hình đáng để các nước trong khu vực học hỏi.

Arsene Wenger đã là tượng đài của giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Nhưng trước khi gia nhập Arsenal vào năm 1996, HLV người Pháp từng có một năm dẫn dắt CLB Nagoya ở J-League. Những người nổi tiếng và có tài như Wenger không hề thiếu trong những năm đầu xây dựng giải vô địch quốc gia Nhật Bản.

Nhật từng có chủ trương học theo bóng đá Brazil, vốn mạnh ở sự khéo léo, kỹ thuật và giàu tính cống hiến. Người châu Á vốn có thể hình không được to lớn như châu Âu hoàn toàn phù hợp với lối chơi của Brazil. Thế nên làn sóng các cầu thủ tên tuổi của Brazil đã đổ về giải J-League trong thời gian đầu. Zico, Dunga, Jorginho từng có thời gian thi đấu ở Nhật và sau đó trở thành HLV. Huyền thoại Zico còn có 4 năm làm HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản.

Danh thủ người Anh Gary Lineker cũng bị thu hút bởi sức hấp dẫn của Nhật Bản, khi ông về chơi bóng cho CLB Nagoya từ năm 1992 đến 1994.

Bóng đá Nhật Bản dẫn đầu châu Á như thế nào? - Ảnh 2.

Lineker (phải) từng chơi cho Nagoya.

J-League thời đó như một quả bom phát nổ, làm nức lòng người hâm mộ Nhật Bản. Trong 3 năm đầu kể từ khi giải J-League ra đời, trung bình mỗi trận đấu có khoảng 20.000 khán giả đến sân, một con số tích cực nếu so với chỉ vài ngàn trước đó. J-League đã làm được bước đầu tiên khi làm cách mạng nền bóng đá: kéo được khán giả đến sân, thu hút ngôi sao và gây tiếng vang với truyền thông khu vực và thế giới.

Nhưng một giải đấu chuyên nghiệp chỉ làm được như thế chắc chắn không thể kéo dài trong nhiều năm và tạo sự phát triển thực chất. 

Vậy những người điều hành bóng đá Nhật Bản đã làm gì tiếp theo?

Liên đoàn bóng đá Nhật đã xây dựng một kế hoạch dài hạn, hướng đến xây dựng hệ thống các CLB ở nhiều cấp với số lượng lên tới 100 CLB. Làm bóng đá cần có tiền và tài năng trẻ. Thế là Liên đoàn mời gọi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ở chính địa phương đó xây dựng các trung tâm đào tạo bóng đá trẻ cho từng địa phương. 

Lứa trẻ sẽ là nguồn lực chính cho các CLB địa phương sau này, được đào tạo bài bản, có cơ hội phát triển nhờ được cọ xát thi đấu nhiều và quan trọng là chơi bóng trong một môi trường chuyên nghiệp, minh bạch, chú trọng thực lực và nuôi dưỡng ước mơ được chơi ở hạng cao nhất hay được các CLB tên tuổi ở châu Âu để mắt.

Bóng đá Nhật Bản dẫn đầu châu Á như thế nào? - Ảnh 3.

Shinji Kagawa, tài năng nổi bật của Nhật Bản.

Con đường đi của một cầu thủ trẻ được vạch ra rất rõ ràng. Ở đó, họ hiểu rằng những người có tài năng thực sự, thái độ chuyên nghiệp và sự nỗ lực sẽ giúp các cầu thủ thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, chứ không cần để ý đến những vấn đề bên ngoài khác.

Nhật Bản trong 10 năm gần đây đã tạo ra thế hệ cầu thủ trẻ tài năng, không chỉ tỏa sáng ở trong nước mà còn có cơ hội đá chính ở các CLB lớn ở châu Âu. Nổi bật là những cái tên như Shinji Kagawa (Dortmund, Man Utd), Keisuke Honda (AC Milan), Yuto Nagatomo (Inter Milan), Shinji Okazaki (Leicester).

Thời gian đầu người Nhật học theo bóng đá Brazil nhưng nhiều năm trở lại đây họ đã theo xu hướng của bóng đá Đức. Rất nhiều cầu thủ trẻ Nhật Bản sang giải Bundesliga thi đấu và có vị trí chính thức. Trong khi giải J-League cũng thu hút được các ngôi sao từ các quốc gia khác. Theo thống kê, 3% cầu thủ đá ở World Cup 2016 từng chơi bóng ở giải J-League.

Bóng đá Việt Nam học gì từ J-League?

4 năm trước, bóng đá Việt Nam có chủ trương học theo mô hình làm bóng đá của Nhật Bản. Nhiều quan chức đã được cử sang Nhật Bản học hỏi kinh nghiệm và chuyên gia Nhật thậm chí còn được mời về để giúp tư vấn xây dựng giải vô địch quốc gia Việt Nam. Ông Tanaka Koji đã làm trưởng BTC V.League năm 2014 nhưng chưa làm được một năm, ông đã khăn gói trở lại quê nhà.

Bóng đá Nhật Bản dẫn đầu châu Á như thế nào? - Ảnh 4.

Công Phượng làm hoạt động kết nối cộng đồng khi chơi ở Nhật.

Mô hình và biện pháp đã có, nhưng áp dụng cho Việt Nam được hay không lại là một vấn đề khác. Có những vấn đề rất nhỏ, nhưng thuộc mặt nền tảng và ý thức, bắt buộc Việt Nam phải xây dựng từ đầu nếu muốn học theo người Nhật.

Kitaguchi, chuyên gia đào tạo bóng đá trẻ ở Nhật từng chia sẻ: "Ở Nhật các cầu thủ chuyên nghiệp hầu hết các buổi sáng là đi làm công tác xã hội như một phần không thể thiếu trong hợp đồng lao động của mình. Phải thực thi chức năng phát triển cộng đồng và gắn kết cộng đồng nơi đội bóng đóng quân". 

Công Phượng trong thời gian thi đấu cho Mito Hollyhock cũng phải đi phát tờ rơi giới thiệu về đội bóng, như một hoạt động về sự gắn kết cộng đồng. Tất cả các cầu thủ chuyên nghiệp đều ý thức được việc này và làm với sự tự giác cao độ.

Trong khi đối với các cầu thủ Việt Nam, đây lại là điều lạ lẫm.

Theo Trí Thức Trẻ


bóng đá chuyên nghiệp


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.