Khi "vua" ăn đòn

Người ta vẫn bảo trọng tài là "vua". Thế nhưng mới ở vòng 22 V.League cách đây vài hôm thôi, ông "vua" ấy đã ăn đòn và đã sợ đến tái xanh mặt mũi. Vấn đề là: Ai đòi công bằng cho "vua", và bản thân "vua" có hiểu được giá trị đích thực của sự công bằng?

Trọng tài "ăn".. di động

Vòng 22 V.League, nhiều người xem trực tiếp trận Hải Phòng - TP. HCM qua ti vi ngỡ ngàng với hình ảnh ông trọng tài biên Huỳnh Quốc việt vẫy tay xin rời sân và sau đó thì đúng là đã rời sân với những bước chân tập tễnh. Chẳng là những cơn mưa chai lọ liên hồi kỳ trận xuất hiện trên sân Lạch Tray, cái gót chân của ông Việt không may đã trúng phải một chiếc điện thoại di động, khiến ông mất hết tinh thần làm việc.

Khán giả Hải Phòng bực tức với một quyết định nào đó của ông Việt, nên cố tình tấn công ông chăng? Xin được trả lời là "không". Người Hải Phòng không giận ông Việt, mà giận cái thái độ thi đấu rất uể oải của chính đội mình. Sau khi trận đấu khởi đi chừng 15 phút, các cầu thủ Hải Phòng đá như rắn mất đầu thì mọi cảm giác cổ vũ hào hứng khán giả mất hết. Thay vào đó, họ liên tục la ó, thậm chí còn thốt lên hai chữ "bán độ", ám chỉ đội nhà "buông súng" trước đối phương.

Rốt cuộc Hải Phòng vẫn thắng, nhưng một bàn thắng không cứu vãn nổi cả một thế trận buồn tẻ, đồng nghĩa với một sự thất vọng cực độ của các CĐV. Thế là bất chấp những tiếng gào "hãy giữ gìn trật tự" của BTC và bất chấp cả lực lượng an ninh, những CĐV quá khích ngồi trên khán đài B sân Lạch Tray đã ném tất cả những gì có thể ném xuống đường pites.

CĐV Hải Phòng quá khích trên sân (Ảnh: C.G)

Khổ cho ông trọng tài Huỳnh Quốc Việt khi ông lại trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trước cơn cuồng phong giận dữ này. Sau khi bị chiếc điện thoại di động va vào chân, ông Việt mặt không còn giọt máu. Kết quả là trọng tài thứ tư, Vũ Bảo Linh đã phải vào sân làm nhiệm vụ giúp ông.

...Và trọng tài "ăn" đá

Nếu như trọng tài Huỳnh Quốc Việt "ăn" trọn một chiếc máy điện thoại di động vào chân thì trọng tài Châu Đức Thành hai hăm về trước thậm chí còn "ăn" trọn một mảnh đá nhọn vào đầu. Hai năm trước, trọng tài Thành làm nhiệm vụ giám biên trong trận GĐT.LA - HA.GL trên sân Long An. Trong một tình huống bắt việt vị cầu thủ Minh Phương của đội của nhà, trọng tài Thành đã bị khán giả la ó dữ dội. Thế là hàng loạt những vật thể lạ liên tiếp hướng về phía ông.

Cho đến khi ông nằm xuống, bất tỉnh thì người ta mới vỡ lẽ một mảnh đá nhọn đã làm ông rách đầu. Ngay lúc ấy, trận đấu đã phải tạm hoãn và trọng tài Thành đã phải khâu 3 mũi trước khi cuốn băng trắng kín đầu, dũng cảm tiếp tục làm nhiệm vụ.

Sau vụ việc này, sân Long An đã bị treo 1 trận và bị phạt 20 triệu đồng. Tuy nhiên, ai cũng thấy mức phạt quá nhẹ và mức treo sân ấy là quá nhẹ. Nó không tương thích với những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần mà trọng tài xấu số Châu Đức Thành phải nhận. Nó cũng chẳng tương thích với những qui định kỷ luật mà VFF lúc ấy nắm trong tay, nhưng không dám vận dụng đến cùng.

Thế nên sau một số sự cố, người ta xót xa cho trọng tài Châu Đức Thành một phần thì sau một bản án, người ta lại xót xa cho ông "vua" xấu số này nhiều phần hơn. Ngay từ thời điểm ấy, đã có người cảnh báo: Nếu chỉ xử nhẹ hều như vậy thì chưa biết chừng những sự cố tương tự lại sẽ nổ ra. Thật không may, bây giờ thì nó đúng là đã nổ ra với trường hợp trọng tài Huỳnh Quốc Việt.

VFF hãy mạnh tay

Nhìn cái cảnh trọng tài Huỳnh Quốc Việt gương mặt thất thần, dùng tay ra hiệu xin tạm dừng trận đấu, những khán giả có lương tâm không thể không chạnh lòng trước cái nguy hiểm khôn lường của nghề làm "vua". Vẫn biết ông Việt chấn thương thì đã chấn thương rồi, nhưng nếu VFF tiếp tục có những hình phạt không thỏa đằng sau những sự cố như thế này thì e rằng từ nay về sau nó sẽ còn tái diễn nhiều hơn nữa.

Xin đừng để chấn thương gót chân của một trọng tài bùng phát thành chấn thương niềm tin của người hâm mộ.

Theo Phan Đăng



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.