Nếu Công Phượng "gian lận tuổi": Mất gì? Được gì?

Nghi án “gian lận tuổi” của Công Phượng đã nảy sinh nhiều chi tiết mới sau cuộc điều tra cặn kẽ của VTV. Cứ cho rằng đó là câu chuyện có thật, chúng ta sẽ mất gì và được gì?

Nghi án “gian lận tuổi” của Công Phượng đã nảy sinh nhiều chi tiết mới sau cuộc điều tra cặn kẽ của VTV. Cứ cho rằng đó là câu chuyện có thật, chúng ta sẽ mất gì và được gì?

Công Phượng 19 tuổi hay 21 tuổi? Câu hỏi ấy đã bao trùm bóng đá nước nhà trong thời gian qua, thậm chí được quan tâm hơn cả sự chuẩn bị của đội tuyển Việt Nam cho AFF Cup 2014. Điều đó đã cho thấy vị trí lớn của tài năng trẻ xứ Nghệ trong lòng NHM bóng đá nước nhà. Nó giống như một biểu tượng đã và đang bị bào mòn bởi những nghi ngờ xung quanh việc gian lận tuổi.

Vẫn còn rất nhiều tranh cãi về cái tuổi thật của Công Phượng. Gia đình Công Phượng khẳng định em sinh năm 1995 (19 tuổi) nhưng cơ sở pháp lý chưa thể chứng minh điều đó. Mọi chuyện trở nên phức tạp hơn khi VTV đưa ra phóng sự điều tra đanh thép đánh thẳng vào những lỗ hổng về mặt giấy tờ.

 

Khoan hãy nói tới sự thật phía sau cuộc điều tra này. Vấn đề đáng bàn ở đây là cái được và mất nếu Công Phượng thực sự đang là một chàng trai ở tuổi 21.

Bất cứ cầu thủ nào khi dính vào một scandal đều bị ảnh hưởng lớn về mặt tinh thần. Công Phượng cũng vậy! Trong thời gian vừa qua, em đã chịu rất nhiều sức ép từ truyền thông và NHM. Càng khó hơn với tài năng trẻ xứ Nghệ khi em đang ở độ tuổi phát triển vốn chưa nhiều va vấp. Từ niềm hi vọng sáng giá của bóng đá nước nhà, Phượng chưa tới mức sụp đổ nhưng hoàn toàn có khả năng đánh mất niềm tin và chùn bước.

Rồi sự thực sẽ ảnh hưởng ra sao tới nền bóng đá nước nhà? Rất nhiều! Đơn giản bởi Công Phượng là lá cờ tiên phong của U19 Việt Nam, là những người đang kéo NHM trở lại. Nếu Phượng gian lận tuổi, không ít thì nhiều nó sẽ ảnh hưởng tới niềm tin của NHM mà phải rất khó khăn bóng đá Việt Nam mới tái dựng được.

Đó là những cái mất, rất đau đớn và xót xa! Nhưng nếu là sự thực, nó vẫn cần được đưa ra ánh sáng. Hành trình đi tìm tuổi thật của Công Phượng sẽ bị coi là “động cơ vùi dập tài năng” nếu nó không có cơ sở. Nhưng ngược lại, đó là điều cần thiết. Đó là trách nhiệm của truyền thông, của công lý, sự công bằng và cần được ủng hộ.

Sau khi theo dõi đoạn phóng sự điều tra do VTV thực hiện, bầu Đức, người đứng đầu Học viện HAGL Arsenal JMG đã có sự thay đổi trong nhận thức “Việc Công Phượng thực sự sinh năm 1993 hay 1995, chúng tôi không xác minh hay làm rõ được mà tha thiết nhờ cơ quan chức năng có thẩm quyền sớm vào cuộc để tìm ra lẽ phải”.

Bầu Đức cần lẽ phải và NHM bóng đá Việt Nam cũng vậy! Rõ ràng, khi bỏ tiền túi đầu tư vì bóng đá nước nhà, ông Đức chẳng việc gì phải đấu đá vì thành tích. Tôn chỉ của ông khi mở học viện là tài năng “Mục đích tôi mở học viện ra là để đào tạo nhân tài cho bóng đá Việt Nam và những cầu thủ tốt sau này sẽ phục vụ tuyển quốc gia chứ không vì chạy theo thành tích ảo để phải khai gian tuổi cầu thủ”.

Ông Đức nói đúng nhưng sự thật ra sao thì chỉ có gia đình Công Phượng nắm rõ. Nếu Công Phượng sinh năm 1993 như nghi án, ông bầu Pleiku đã bị lừa dối. Khi Phượng lên tuyển U19 Việt Nam, tới lượt VFF bị lừa. Và các nạn nhân tiếp theo là AFF, AFC. Nếu đó là sự thực thì giờ sự gian lận ấy sẽ ảnh hưởng tới cả nền bóng đá. Theo quy định, bóng đá Việt Nam sẽ phải nhận những án phạt từ các LĐBĐ khu vực và châu lục. Kèm theo đó là sự đi xuống về danh dự, uy tín của một nền bóng đá. Đó là sự nghiêm trọng trong câu chuyện tưởng chừng rất nhỏ.

Mất mát, thiệt thòi nhưng vẫn phải làm và đó là tiêu chí của sự đấu tranh! Chúng ta đã từng chấp nhận đau thương để đưa thế hệ tài năng của những Văn Quyến, Quốc Vượng, Quốc Anh ra ánh sáng vào năm 2005. Tất nhiên, tính chất vụ việc hiện tại của Công Phượng không nghiêm trọng và đáng bị nên án như vậy! Nhưng nếu không đảm bảo yếu tố trung thực ở những chi tiết nhỏ nhất, lấy cơ sở gì để tin vào sự trong sáng trong tương lai?

Như tôn chỉ của bầu Đức, ông muốn U19 Việt Nam lớn lên trong môi trường lành mạnh, công bằng. Tuổi tác không phải yếu tố quá quan trọng với 1 tài năng đang là niềm hi vọng số 1 của bóng đá nước nhà. Nhưng đó sẽ là vấn đề đáng bàn nếu ngay ở bước khởi đầu, ông đã bị lừa dối.

Giả sử rằng Công Phượng là chàng trai đang ở tuổi 21, lại có một vấn đề khác nảy sinh. Đó là công tác quản lý hồ sơ quá nhiều bất cập ở đơn vị hành chính cấp cơ sở. Luật pháp đã có những quy định rõ ràng và có lẽ không cần phải nói thêm.

Bóng đá Việt Nam đã trải qua quá nhiều sự cố, sóng gió để rồi ở trận giao hữu giữa ĐT Việt Nam và Malaysia vừa qua, sân Mỹ Đình thưa bóng khán giả. NHM quay lưng với bóng đá nước nhà vì cạn kiệt niềm tin. Trong bối cảnh ấy, “đi tìm sự thật” là nhiệm vụ không chỉ của riêng ai. Nếu che dấu sự thật, chẳng khác nào tiếp tay cho tiêu cực, đi ngược với hành lang phát triển mà bóng đá Việt Nam đang hướng tới.

Bởi vậy, cần có 1 góc nhìn khác xung quanh việc điều tra tìm cái tuổi thật của Công Phượng. Đừng coi đó là “động cơ vùi dập 1 tài năng” mà hãy xem đây là cuộc chiến chống tiêu cực của bóng đá Việt Nam. Để có 1 nền bóng đá trong sạch, cái sạch phải đến từ những chi tiết nhỏ nhất. Đấu tranh phải có mất mát nhưng thà mất một để được mười….


Theo Duy Hải/Bongdaso

Bình luận