Thể Công - 55 năm ấy biết bao nhiêu tình

55 năm đã đi qua kể từ ngày đoàn thể thao Quân Đội - Thể Công được thành lập (23-9-1954 - 23-9-2009). Và từ các môn bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bắn súng, xe đạp... biết bao thế hệ đã thành danh dưới mái nhà Thể Công và có những đóng góp to lớn cho nền thể thao nước nhà.

Những con người đầu tiên ấy giờ đã ở độ tuổi thất thập cổ lai hi. Dù đôi chân giờ đây đã run vì tuổi tác, nhưng họ vẫn tay bắt mặt mừng khi gặp nhau nhớ về hành trình 55 năm trong buổi gặp mặt tổ chức ngày 23-9 vừa qua...

23 thành viên đầu tiên

Ngày 23-9-1954 tại Côn Minh, Trung Quốc, đoàn thể thao Thể Công chính thức được thành lập với 23 thành viên (11 VĐV bóng đá, 5 VĐV bóng rổ, 7 VĐV bóng chuyền) do ông Nguyễn Văn Bưởi làm trưởng đoàn. Sau đó, đoàn di chuyển về nước, đóng quân tại chiến khu Việt Bắc (Đại Từ, Thái Nguyên), rồi tiếp tục di chuyển về Trường Sĩ quan lục quân I (Sơn Tây).

Khi Hà Nội giải phóng (10-10-1954), đoàn theo đội quân giải phóng về thủ đô và đóng quân tại sân vận động Cột Cờ trên đường Nguyễn Tri Phương - Hoàng Diệu. Lúc ấy do thiếu người nên các VĐV Thể Công rất đa năng. Cụ thể từ VĐV bóng chuyền khi cần thiết, họ lại trở thành cầu thủ dự bị cho đội bóng đá hay các VĐV bóng rổ thì bổ sung cho đội bóng chuyền...

Trong số 23 con người đầu tiên ấy, giờ chỉ còn lại ba người và hai trong số đó có mặt tại buổi gặp gỡ là VĐV bóng chuyền Nguyễn Doãn Cường (79 tuổi) và hậu vệ Phạm Ngọc Quế (80 tuổi). Dù bước chân và đôi tay đã run vì tuổi tác, nhưng trong ngày kỷ niệm 55 năm thành lập đoàn ông Cường vẫn đi xe buýt từ Bắc Ninh lên Hà Nội.

Từ TP Hạ Long vượt gần 200km bằng ôtô khách, hậu vệ Phạm Ngọc Quế (bí thư chi bộ đầu tiên của đoàn thể thao Thể Công) vỡ òa hạnh phúc trong ngày gặp lại đồng đội năm xưa và các đàn em của đoàn Thể Công hôm nay.

Mới đấy mà đã 55 năm trôi qua, ông Cường, ông Quế dường như vẫn không quên được những tháng năm gian khó nhưng “lòng quyết tâm thì cao hơn núi”. “Biết bao khó khăn, vất vả khi khẩu phần ăn của lứa VĐV đầu tiên chỉ có bo bo, ngô, sắn... Không có sân đúng chuẩn, họ tập bóng chuyền trên những sân ximăng, ruộng lúa đã được anh em san lấp ở xã Đại Tự, Hoài Đức (Hà Tây cũ).

Do hằng năm mỗi người chỉ được phát một bộ quần áo, một đôi giày nên việc các tuyển thủ phải tập chân không hoặc mang những đôi giày rách bươm là chuyện bình thường.

Tình trạng thiếu thốn đến độ anh Tĩnh (người cao nhất trong đội bóng chuyền với 2,07m) bữa nào cũng ăn đói. Thương bạn, anh em trong đội thường phải nhường thức ăn cho Tĩnh. Khổ như vậy nhưng suốt từ 1955-1960, đội bóng chuyền Thể Công đã liên tiếp vô địch Giải bóng chuyền toàn miền Bắc và đóng góp 5/10 tuyển thủ cho đội bóng chuyền quốc gia” - ông Cường xúc động kể lại.

Sau ngày giải phóng thủ đô, ngày 28-10 đội bóng đá Thể Công đã có trận đấu đầu tiên với đội Trần Hưng Đạo trên sân Hàng Đẫy. Ở trận này, đội bóng mới được thành lập Thể Công xuất sắc cầm hòa đội Trần Hưng Đạo với tỉ số 1-1. Sau đó, tại Giải bóng đá Hòa Bình (giải bóng đá đầu tiên của nước VN dân chủ cộng hòa) tổ chức tại Hà Nội năm 1955, đội Thể Công đã giành chức vô địch và thống trị bóng đá miền Bắc suốt những năm 1960 trở về sau.

Đoàn hùng binh diệu kỳ

Nhắc về những kỷ niệm của đội bóng đá Thể Công năm xưa hẳn không ai quên được những cái tên: hai cha con ông Trương Tấn Bửu, Trương Tấn Nghĩa, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Cao Cường, Phan Văn Mỵ, Thái Nguyên Bền, Vũ Mạnh Hải... hay thế hệ sau này như Hồng Sơn, Đức Thắng, Đỗ Mạnh Dũng... Bao thế hệ cầu thủ tài năng đã làm rạng danh đội bóng quân đội, gieo vào lòng người yêu bóng đá VN một tình yêu sâu nặng với Thể Công.

Sau sáu năm thành lập, năm 1961 Thể Công bắt đầu tuyển thế hệ cầu thủ trẻ đầu tiên với các cầu thủ: Thái Nguyên Bền, sau đó là lớp của Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Nguyễn Trọng Giáp...

Liên tục nhiều năm liền từ 1960 trở về sau, Thể Công nhiều lần là nhà vô địch ở Giải bóng đá vô địch miền Bắc, ở thời kỳ này bóng đá Thể Công đóng góp đến 8/11 cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, họ đã lập những chiến tích lẫy lừng trong những chuyến du đấu nước ngoài.

Trong những giai thoại về Thể Công, có thể nói chiến thắng 3-2 trước đội Cuba trên sân Hàng Đẫy năm 1970 dưới sự chứng kiến của hàng vạn khán giả và Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những kỷ niệm oanh liệt nhất của đoàn quân Thể Công.

Tiền vệ Phan Văn Mỵ nhớ lại: “Hòa 0-0 ở hiệp một, sang hiệp hai trời mưa to Cuba vượt lên dẫn trước 2-0. Lúc này tinh thần toàn đội hết sức lo lắng. Tuy nhiên, với sự thay người hợp lý và tinh thần chiến đấu ngoan cường, các cầu thủ Thể Công đã lật ngược tình thế và giành chiến thắng với tỉ số 3-2.

Kết thúc trận đấu, đội không thể lên ôtô về được vì vòng vây mừng chiến thắng của khán giả. Tối đó, đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến thăm đội kể lại trên đường về nhà, dân xuống đường ăn mừng khiến ôtô của đại tướng không đi được. Họ nói với đại tướng: “Quân đội ta anh hùng quá đại tướng ạ!”.

Năm 1974, Thể Công có chuyến du đấu 11 trận tại Trung Quốc và giành chiến thắng đến tám trận. Trận đấu để đời trong chuyến đi ấy diễn ra trên sân vận động Công Nhân trước đội bóng Bát Nhất (đội bóng của quân đội nhân dân trung Quốc) vào ngày 24-8-1974. Đây là một trong những bản hùng ca oanh liệt nhất của Thể Công.

Những thế hệ cầu thủ Thể Công kể lại ngày đó mỗi người chỉ được biếu hai vé và được mua 15 vé ở mỗi trận Thể Công thi đấu. Do số lượng vé quá ít nên cả tháng trước trận đấu, không ai dám về nhà vì không đủ vé cho người thân. Ngày ấy, người dân Hà Nội muốn xem Thể Công thi đấu phải đổi cả vỏ xe đạp, đồng hồ... để có được tấm vé vào sân. Vậy mà có lúc nhiều người vẫn không tìm được vé.

Ngày ấy, món quà cho những trận cầu tuyệt vời của Thể Công chính là sự có mặt của hàng vạn khán giả chen lấn đến sân cổ vũ đội bóng. Hay như con bò mà Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài tặng đội Thể Công vì thành tích xuất sắc của đội bóng. Sau đó, chú bò đã được thả quanh khu vực sân Cột cờ và các cầu thủ Thể Công đã xếp lịch “vừa đá bóng, vừa chăn bò”.

Tất cả bề dày truyền thống hào hùng này đã làm nên thương hiệu “Thể Công” nổi tiếng cho bóng đá VN trong những năm qua. Và một khi nhắc đến Thể Công, người yêu bóng đá lại nhớ về những chiến tích oai hùng của các cầu thủ áo lính.

Trong lịch sử 55 năm thành lập, đội Thể Công là CLB bóng đá giàu truyền thống và thành tích nhất của bóng đá VN với 13 lần vô địch Giải hạng A miền Bắc, 5 lần vô địch Giải bóng đá quốc gia. Năm 2004 Thể Công rớt xuống Giải hạng nhất.

Năm 2005 Thể Công đổi tên thành CLB Thể Công Viettel và chịu một phần quản lý của Tổng công ty Viễn thông quân đội Viettel. Năm 2006 Thể Công giành suất lên chơi ở V-League và trở về với tên cũ: CLB Thể Công. Thể Công là CLB sản sinh ra rất nhiều cầu thủ tài năng cho bóng đá VN.

Theo Khương Xuân



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.