Tìm tuổi thật Công Phượng: Khác gì gameshow truyền hình?

Với truyền thông ở thời điểm hiện tại, Công Phượng không còn là hình ảnh một tài năng bóng đá nữa, mà đang bị đối xử như một ngôi sao showbiz. Và khi ngôi sao ấy được gắn với từ “scandal” lập tức trở thành miếng mồi ngon.

Với truyền thông ở thời điểm hiện tại, Công Phượng không còn là hình ảnh một tài năng bóng đá nữa, mà đang bị đối xử như một ngôi sao showbiz. Và khi ngôi sao ấy được gắn với từ “scandal” lập tức trở thành miếng mồi ngon.

Công Phượng là điển hình cho hai thái cực của truyền thông hiện đại: Nâng lên thật cao và dìm xuống thật sâu, mà mục đích có thể chỉ là thu hút bạn đọc, hoặc tăng rating (tỉ suất người xem của một chương trình). Thậm chí, chuyện “tìm tuổi thật của Công Phượng” đã có màu sắc của một… gameshow trên truyền hình.
Tìm tuổi thật Công Phượng: Khác gì gameshow truyền hình?
Hành trình đi tìm tuổi thật của Công Phượng rất giống một gameshow 
Công Phượng - một Phương Mỹ Chi của bóng đá

Nổi lên cùng thành công của U.19 từ VCK Giải U.19 Đông Nam Á, Công Phượng từng được ví với cô bé Phương Mỹ Chi bước ra “ánh sáng” từ sân chơi Giọng hát Việt nhí.

Tài năng không thể phủ nhận, nhưng Phương Mỹ Chi cũng dính ồn ào ngay sau thành công vang dội. Bắt đầu từ câu chuyện nhuốm “mùi” scandal khi hét giá cátsê “trên trời”, tin đồn bị nhà trường đuổi học vì chạy show quá nhiều, thậm chí việc cô bé mặc thời trang “giấu quần” (thực tế là áo dài quá quần soóc) cũng khiến cư dân mạng nổi sóng, soi mói, bình phẩm.

Rất may là cho đến giờ này, truyền thông đã “tha” cho Phương Mỹ Chi, một phần là cô bé được bao bọc bởi một người dày dạn kinh nghiệm trong showbiz là ca sĩ Quang Lê.

Còn Công Phượng thì sao? Với một tài năng chớm nở, việc đầu tiên của truyền thông là… ve vuốt, “thổi” lên mây. Công Phượng từng được ví như Messi của Việt Nam, là “ánh sáng cuối đường hầm của bóng đá Việt Nam”… Ngay sau VCK Giải U.19 Châu Á, Công Phượng đã bắt đầu gặp vấn đề bởi sự tác động của truyền thông và có hiện tượng “ngôi sao”, sa sút phong độ.

HLV Guillaume - người dẫn dắt Công Phượng 7 - 8 năm trời - cho rằng: “Công Phượng lên mây là lỗi báo chí. Chỉ sau một bàn thắng trước Australia, các anh đưa Phượng lên như một ngôi sao sáng. Môi trường xung quanh anh ta đã hoàn toàn biến đổi. Đi ngoài đường, anh ta không có nổi 2 mét để tự do. Anh ta được lăng xê quá đáng trong vòng một tháng qua, đừng quên rằng anh ta chỉ là một cầu thủ trẻ”. Song chính HLV Guillaume cũng không ngờ rằng: Việc truyền thông đưa đối tượng của họ lên mây mới chỉ là phần mở đầu. Phần sau còn kịch tính hơn: Vùi dập bằng scandal.

“Ơn giời, Phượng… đây rồi”

Khi đưa câu chuyện về nghi án Công Phượng gian lận tuổi lên sóng, VTV trong chương trình “Chuyển động 24h” có lý khi cho rằng: “Cần phải tìm ra sự thật, sự thật phải được đặt trên tài năng”…

Liên tiếp trong mấy ngày trời, Chuyển động 24h đã cất công về quê Công Phượng để tìm mọi cách chứng minh cầu thủ này 21 tuổi, sinh năm 1993 chứ không phải 19 tuổi như chúng ta vẫn biết.

Cho đến nay, vẫn chưa có kết luận chính thức nào về chuyện Công Phượng 21 hay 19 tuổi, song với scandal “gian tuổi”, Phượng trở thành “con mồi” không thể tuyệt vời hơn.

Vấn đề là có vẻ chưa ai rõ “mục đích thật sự” của câu chuyện xung quanh tuổi tác Công Phượng là gì?

Sẽ hoàn hảo nếu người ta đi sâu vào câu chuyện Công Phượng để mở rộng và chứng minh được cung cách làm việc hời hợt và thiếu trách nhiệm của hệ thống hành chính cấp xã (cấp giấy khai sinh vô tội vạ, cung cấp khai sinh không số không sổ, để mất hồ sơ gốc của tất cả người dân trong xã…). Hay từ chuyện Công Phượng, người ta có thể bóc gỡ cả một đường dây “phù phép” gian lận tuổi trong thể thao để chứng minh nạn gian lận tuổi đang hoành hành và phá nát nền thể thao nước nhà.

Ở đây có thể thấy rõ, Công Phượng đã bị “người lớn” đưa đẩy từ bé. Khi còn là cậu bé, Công Phượng có thể là nạn nhân trong câu chuyện “phù phép” để thi đấu ở những giải nhi đồng cấp huyện, thành phố vốn là trào lưu phổ biến cách đây 10 năm. 

Đến khi Phượng là một sản phẩm của lò đào tạo HAGL Arsenal, Công Phượng trở thành những giá trị mà người ta khoác lên đủ các mỹ từ để hướng đến mục đích: Bán được giá càng cao càng tốt. Khi thành công với U.19, Công Phượng và đồng đội lại mang dáng dấp của một “gánh xiếc” khi vắt sức thi đấu hết giải này tới giải khác, mục đích chủ yếu là “câu” khán giả đến sân.

Và bây giờ, Công Phượng là con mồi của truyền thông khi mà dựa vào tên tuổi em, người ta tốn cả một êkíp, dùng thời lượng rất dài (vài ngày) để tạo ra hiệu ứng cho người xem theo kiểu một “gameshow” có sử dụng chiêu trò (chứ không phải một chương trình tin tức) mục đích cơ bản là tăng rating cho chương trình.

Bầu Đức lo lắng khi để các cầu thủ U.19 chơi V.League, nhưng có lẽ lo lắng ấy quá sớm, khi mà một trong những tài năng lớn nhất của lứa U.19 là Công Phượng có thể khó đứng vững trước cơn say mồi của giới truyền thông.

Theo Lao động

Bình luận