V-League và những tranh cãi vì thiếu chuyên nghiệp

Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hóa dọa bỏ V-League vì bức xức với trọng tài. Đấy không thể gọi là phản ứng chuyên nghiệp. Nhưng cũng nhân nói về sự chuyên nghiệp, chưa chắc những người đang điều hành cuộc chơi hơn những người đang chịu sự điều hành của họ.

Chủ tịch Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hóa dọa bỏ V-League vì bức xức với trọng tài. Đấy không thể gọi là phản ứng chuyên nghiệp. Nhưng cũng nhân nói về sự chuyên nghiệp, chưa chắc những người đang điều hành cuộc chơi hơn những người đang chịu sự điều hành của họ.

Đây chẳng phải là lần đầu vị chủ tịch của đội bóng xứ Thanh phản ứng mạnh xung quanh cách điều hành của trọng tài. Cách nay vài tuần lễ, sau trận đấu giữa V.Hải Phòng và Thanh Hóa ở sân Lạch Tray, sau khi Thanh Hóa bị gỡ hòa ở phút bù giờ thứ… 7, cũng chính ông Đệ đòi “cạch” mặt trọng tài Hoàng Phạm Công Khanh.



Hình minh họa

Lần này, đòi hỏi của ông Đệ còn mạnh bạo hơn, vị chủ tịch CLB Thanh Hóa dọa bỏ V-League, nếu công tác trọng tài không được chấn chỉnh.

 

Dĩ nhiên, những phát biểu dạng vừa nêu của ông Nguyễn Văn Đệ đều mang tính chủ quan, và đấy chẳng phải là cách phản ứng chuyên nghiệp. Như chuyện ông này đòi rút đội Thanh Hóa ra khỏi cuộc chơi chẳng hạn.

 

Không lẽ trên tư cách một người đang nắm trong tay vận mệnh của hàng chục con người ở đội bóng xứ Thanh, ông Đệ sẵn sàng dẹp đội Thanh Hóa và đẩy các thuộc cấp của mình, cùng vài chục cầu thủ ra… đường?

 

Đặc biệt, phản ứng ấy xuất phát từ một lỗi nhận định cho đến giờ vẫn chưa thể khẳng định rõ ràng là trọng tài đúng hay sai? Bóng đã ra khỏi sân hay chưa sau pha đi bóng của Moses bên phía XM Xuân Thành Sài Gòn? – thì càng phải thẳng thắn thừa nhận rằng đấy là phản ứng chẳng hay.

 

Tuy nhiên, như chúng tôi đã từng đề cập trước đó, tại sao cứ hễ trọng tài mắc lỗi là các đội bóng lại dị ứng đến mức cực độ? Người dân khi xem bóng đá nội cứ hễ thấy trọng tài sai lầm là phản ứng cực mạnh, đấy chắc chắn cũng chẳng phải là điều ngẫu nhiên.

 

Cái này thì cần xem lại uy tín của giới “vua sân cỏ”, chính những nghi án dạng hư hư ảo ảo xung quanh giới trọng tài nhiều năm vừa qua khiến người hâm mộ có rất ít niềm tin nơi giới này.

 

Sự phức tạp của bóng đá nội nằm ở chỗ sai sót của trọng tài lắm lúc chưa hẳn là cái sai đơn thuần về mặt chuyên môn. Sự phức tạp nằm ở chỗ ai dám khẳng định các trọng tài vô tư trong mỗi quyết định được đưa ra? Tin rằng đấy chính là lý do mà người dân Thanh Hóa phản ứng dữ dội như vậy với quyết định của các trọng tài, chứ chưa hẳn họ phản ứng vì cay cú với 1 tình huống chưa rõ đúng – sai.

 

Cách giải thích của BTC giải và những người tham gia điều hành cuộc chơi cũng chưa thỏa đáng, khi người ta cứ nhắc hoài điệp khúc cũ rích: “Trọng tài cũng là con người nên cũng có lúc sai!”. Nói thế có khác nào càng tạo ra thêm mâu thuẫn giữa những người tham gia cuộc chơi, trong khi điều cần làm là tạo ra niềm tin cho người hâm mộ với giới trọng tài thì những người điều hành bóng đá nội chưa làm được.

 

BTC vừa công bố những đoạn băng ghi hình về tình huống gây tranh cãi nọ. Xem đi xem lại nhiều lần, người ta vẫn chưa thể khẳng định bóng đá ra ngoài sân hay chưa. Dù vậy, chất lượng của những thước phim này mới là điều đáng nói.

 

Để xác định tính đúng – sai trong một trận cầu gây chú ý của dư luận cả nước mà người ta chỉ dựa vào đoạn phim được quay lại bằng chiếc máy quay đơn giản, như loại thường được dùng trong các chuyến đi dã ngoại thì đúng là chưa tương xứng: Chất lượng hình ảnh thì mờ, tốc độ xử lý hình ảnh chưa đáp ứng được với yêu cầu của các tình huống phức tạp…

 

Các ông chủ làm bóng đá bay giờ đều giàu sụ, mỗi năm bỏ hàng chục tỷ, thậm chí vài chục tỷ đồng để sắm cầu thủ là chuyện bình thường. VPF, BTC giải cũng không thiếu tiền, thậm chí có lúc còn chơi sang đến mức đòi mướn trọng tài ngoại về bắt V-League, ấy thế mà vẫn không trang bị nổi cho mỗi sân hệ thống máy ghi hình có chất lượng tốt hơn những chiếc máy sơ sài hiện đang sử dụng, thì thử hỏi người ta đã quan tâm đúng mức đến cuộc chơi hay chưa? Đã chuyên nghiệp hay chưa?

 

Tranh cãi nói cho cùng cũng chỉ xuất phát từ những điều mù mờ như thế. Phản ứng của nhiều ông bầu, phản ứng của người tham gia cuộc chơi đôi lúc rất nực cười, với những đòi hỏi chẳng giống ai. Nhưng ở chiều ngược lại, chắc gì những người đang điều hành bóng đá nội đã chuyên nghiệp hơn những người đang được họ điều hành, để người ta phải sẵn sàng tuân thủ các quyết định của họ?!

Theo Trọng Vũ
Dân trí



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.