Thực hư 'chiêu bẩn' bơm nước vào thịt trâu, bò

Trong khi người tiêu dùng lo lắng vì thông tin thịt trâu, bò bị người giết mổ bơm nước để gian lận khối lượng thì cơ quan chức năng vẫn chưa thể làm rõ hành vi này.

Trong khi người tiêu dùng lo lắng vì thông tin thịt trâu, bò bị người giết mổ bơm nước để gian lận khối lượng thì cơ quan chức năng vẫn chưa thể làm rõ hành vi này.

Phát hiện nhiều vụ việc

Chi cục Thú y Thành phố Đà Nẵng vừa đình chỉ giết mổ hơn 70 con bò do nghi ngờ có bơm nước. Điều này làm người dân lo ngại bởi đây không chỉ đơn thuần là hành vi gian lận khối lượng mà còn cả về chất lượng. Không ai đảm bảo liệu nước bơm vào thịt có đảm bảo vệ sinh và sức khỏe người tiêu dùng có bị ảnh hưởng bởi, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, nguồn nước không đảm bảo còn là môi trường để sinh sôi các yếu tố độc hại khác.

Đây không phải là hành vi vi phạm mới mà hồi giữa tháng 6/2013 vừa qua, lực lượng thú y tại nhiều tỉnh, thành phố đã liên tục phát hiện các hành vi bơm nước vào thịt gà, thịt lợn, thịt trâu, bò của các hộ giết mổ nhằm gian lận khối lượng.

Cụ thể, đoàn kiểm tra liên ngành tại Cà Mau đã kiểm tra và phát hiện 35 trường hợp bơm nước vào lợn sau giết mổ. Huyện Thới Bình là địa phương phát hiện số vụ vi phạm nhiều nhất với 4 trường hợp. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện 4 con lợn tại một cơ sở giết mổ ở huyện Hóc Môn đang bị bơm nước trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Tại Long An, một trong những tỉnh cung cấp lượng thực phẩm lớn cho Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn kiểm tra cũng từng phát hiện 1 cơ sở giết mổ bơm nước vào thịt trâu, bò. Đây là hành vi bị cấm bởi bơm nước vào gia súc sau giết mổ sẽ làm thịt dễ nhiễm các loại vi sinh, chất lượng thịt giảm.

Bức xúc trước thực trạng này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhận định, bơm nước vào lợn và gia cầm để thu lợi bất chính là hành vi gian lận thương mại, vi phạm pháp luật và gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, đến nay, sau gần 4 tháng phát hiện thông tin trên và tiến hành siết chặt kiểm tra các lò giết mổ, chuyện gian lận bằng cách bơm nước vào thịt vẫn chưa được làm ngã ngũ. Điều này làm người tiêu dùng không khỏi lo lắng.

Thực hư 'chiêu bẩn' bơm nước vào thịt trâu, bò - 1

Từng phát hiện nhiều vụ việc bơm nước vào trâu, bò trước khi giết mổ (Ảnh: Dân Việt)

Có bơm được nước vào thịt không?

Chị Nguyễn Thị Hiên, trú tại Đống Đa, Hà Nội cho hay: “Cùng là thịt lợn nhưng đúng là thịt bây giờ nấu lên chảy ra nhiều nước hơn ngày xưa thật. Cũng có thể họ nuôi bằng cám công nghiệp, thịt không được chắc như ngày xưa nhưng nghe nói người ta có thể bơm nước vào thịt lợn, thịt bò trước khi giết mổ làm tôi thấy lo lắng, không biết miếng thịt mình mua có bị bơm nước hay không. Nếu mua phải thịt bơm nước thì đúng là thiệt đôi đường, vừa bị gian lận lại vừa lo miếng thịt không đảm bảo”.

Trước lo lắng của người tiêu dùng, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, Cục Thú y đã tổ chức hệ thống kiểm tra và thực hiện, tuyên truyền cho những người giết mổ không được sử dụng bơm nước bẩn, đặc biệt khi phát hiện thấy có dấu hiệu không cấp giấy kiểm dịch.

“Chúng tôi cũng chỉ đạo các đầu mối chốt ở giao thông, nếu phát hiện thịt vận chuyển có nghi ngờ sẽ giữ lại không cho vận chuyển tiếp. Việc buôn bán tại chợ cũng đã kiểm tra, tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo với các hành vi bơm nước”, ông Đông nói.

Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi siết chặt kiểm tra đến nay, mới chỉ có Thành phố Đà Nẵng đình chỉ giết mổ hơn 70 con bò do nghi ngờ có bơm nước. Kết quả xác minh cuối cùng vẫn chưa có.

Ông Đông cũng thừa nhận, ngay ở Thành phố Hà Nội, Cục Thú y đã trực tiếp khảo sát thực tế một số hộ giết mổ trâu, bò thì các hộ này cho hay, việc bơm nước không phải là cho thẩm thấu vào cơ để tăng trọng lượng con bò mà đưa nước vào dạ dày bò vì dạ dày bò rất nhiều ngóc ngách, nếu không cho nước vào sẽ khó làm sạch sau giết mổ.

Như vậy, cho đến nay, việc có hay không chuyện bơm nước vào thịt trâu, bò, lợn nhằm gian lận khối lượng dẫn đến thiệt hại cho người tiêu dùng cả về khối lượng và chất lượng vẫn chưa được làm rõ. Trước mắt, Cục Thú y đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nếu phát hiện hoặc nghi ngờ gia súc bị bơm nước phải ngừng ngay việc vận chuyển giết mổ, tổ chức nuôi nhốt cách ly để theo dõi và truy xuất nguồn gốc. Các lực lượng chức năng sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, tiêu thụ thịt gia súc tại các chợ, siêu thị và truy xuất nguồn gốc đối với những miếng thịt có màu sắc bất thường. “Thực hư thế nào, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ”, ông Đông khẳng định.

Theo Khampha.vn

Bình luận