Bầu Đức: BĐS Việt Nam bây giờ càng làm càng chết

"Trong khi thị trường BĐS trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi thì Hoàng Anh Gia Lai lựa chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài".

"Trong khi thị trường BĐS trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi thì Hoàng Anh Gia Lai lựa chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài".

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai chia sẻ với báo Đất Việt sau biến cố nhân sự tại tập đoàn này.

BĐS trong nước càng làm càng lỗ

Tháng 6/2013, sau khi công bố dư nợ từ các dự án BĐS, Hoàng Anh Gia Lai quyết định bán 6 dự án thủy điện và 2 dự án đang xây dựng và bất động sản mà công ty đã và đang đầu tư.

Việc bán các dự án thủy điện này giúp giảm nợ vay 1.876 tỷ đồng và mang lại doanh thu 2.099 tỷ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị cho biết, riêng dự án bất động sản tại Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai sẽ tách các công ty con sở hữu các dự án căn hộ ra khỏi tập đoàn, chỉ giữ lại dự án tại Myanmar và một số dự án trực thuộc Công ty Phát triển nhà Hoàng Anh.

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai


Việc Hoàng Anh Gia Lai quyết định "đầu hàng" thị trường BĐS tại Việt Nam được coi như một cuộc tái cấu trúc ngành BĐS. Bởi lẽ ông Đức cho rằng: "Hoàng Anh Gia Lai tạm thời bỏ ngỏ thị trường BĐS Việt Nam vì càng làm càng lỗ".

Theo kế hoạch đầu tư năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chỉ tập trung vào hai lĩnh vực lớn là nông nghiệp và BĐS, nhưng là các dự án BĐS nước ngoài.

Ông Đức cho biết, là một trong những người đầu tư vào thị trường BĐS lớn nhất TP.HCM nhưng Hoàng Anh Gia Lai cũng phải quyết định rút khỏi thị trường vốn được cho là béo bở, nhiều màu mỡ này.

Theo giải thích của ông Đoàn Nguyên Đức, chỉ những phân khúc đầu tư cho nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp may còn trông chờ chút lãi. Nếu đầu tư vào phân khúc nhà ở thương mại và nhà ở cao cấp thì không mong thu được vốn.

"Trong khi thị trường BĐS trong nước không ai nói được khi nào mới có dấu hiệu phục hồi thì Hoàng Anh Gia Lai lựa chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào thị trường BĐS nước ngoài", ông Đức chia sẻ.

Ông Đoàn Nguyên Đức ví von đợt tái cấu trúc lần này là "rứt những đứa con thân thiết của mình ra đi".

“Việc cái cấu trúc ngành bất động sản sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai giảm dư nợ vay, cải thiện các chỉ số tài chính”, ông Đức nói.

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thừa nhận thị trường BĐS trong nước không có dấu hiệu phục hồi và họ sẽ tập trung chủ yếu vào đầu tư BĐS ở nước ngoài.

Không có chuyện mâu thuẫn nội bộ

Đi cùng với việc tái cấu trúc ngành BĐS, việc thay đổi nhân sự của Hoàng Anh Gia Lai cũng gây sự chú ý. Sự kiện hai sếp lớn của tập đoàn này là ông Lê Hùng - Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng và phát triển Nhà Hoàng Anh (HAGL Land) và ông Nguyễn Văn Tốn - Trưởng Ban kiểm soát gửi đơn từ nhiệm khiến thị trường rộ lên tin đồn có mâu thuẫn giữa lãnh đạo Tập đoàn HAGL.

Ông Lê Hùng là người được HĐQT HAGL cử  trực tiếp phụ trách dự án khu phức hợp tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ "Hoàng Anh Gia Lai Việt Nam Myanmar Center", đầu năm 2013.

Ông Đức cho biết, ông Hùng sẽ chuyển qua làm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty An Phú và ông Nguyễn Văn Tốn chuyển sang Tổng Giám đốc Tổng Công ty An Phú.

Công ty An Phú là cổ đông của Tập đoàn HAGL, nên về nguyên tắc đã làm ở An Phú thì phải từ chức ở HAGL để tập trung toàn tâm toàn ý vào một nhiệm vụ, một lĩnh vực.

"Nói là từ chức nhưng thực chất là thăng chức, nhận nhiệm vụ mới, trách nhiệm mới nặng nề hơn", ông Đức nói.

Ông Đức cũng khẳng định không có chuyện mâu thuẫn nội bộ nào ở đây.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, việc chuyển công tác của hai sếp lớn, nằm trong kế hoạch tái cấu trúc HAGL, tăng cường hiệu quả kinh doanh.

Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết thêm, dự kiến nhân sự ông Lê Hùng sẽ chuyển sang vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty An Phú và ông Nguyễn Văn Tốn chuyển sang Tổng Giám đốc Tổng Công ty An Phú.

Việc điều chuyển này là do cả ông Hùng và ông Tốn trước đây từng công tác tại Công ty BĐS TP.HCM, là người có kinh nghiệm quản lý kinh doanh BĐS.

BĐS bắt đầu đổ vỡ

Đánh giá về tình trạng khó khăn của thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Đực - Phó GĐ Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng khẳng định: Hiệu ứng BĐS đổ vỡ mới chỉ bắt đầu.

"Nguy cơ đổ vỡ của các DN BĐS lớn là đã có. Rất nhiều DN không thể hoàn thiện được công trình, thậm chí nhiều chủ đầu tư đã bỏ chạy, hoặc là họ bán, sang nhượng cho nhiều chủ đầu tư khác..."

Theo ông Đực, cội nguồn của nguy cơ hàng loạt DN BĐS đổ vỡ chính là vì sản phẩm không bán được, dẫn đến tìn trạng đóng băng và đưa đến tồn kho một lượng lớn BĐS.

Bằng chứng là hàng loạt các chủ đầu tư bỏ trốn, nhiều khách hàng bị lừa, mất tiền oan.

Từ ngày 26 đến ngày 28/7/2013, hàng chục khách hàng, theo hứa hẹn của ông Edward Chi (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Minh Việt - chủ đầu tư dự án Tricon Tower - Bắc An Khánh, Hà Nội), đã kéo tới trụ sở tại tòa nhà C1, D6 Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội) để đòi tiền và bồi thường thiệt hại.

Nhưng ông chủ thì biến mất, dự án mới chỉ xây xong phần móng và "đắp chiếu" nhiều tháng liền.

Mới đây nhất là vụ việc ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng, Chủ tịch Công ty Vina Megastar, chủ đầu tư của rất nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội đã bị bắt giữ về hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Hay việc Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án Nguyễn Chu Ngọc 16 năm tù giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nguyễn Chu Ngọc được biết đến như một đại gia kinh doanh nhà hàng, bất động sản khét tiếng ở Nghệ An, Hà Tĩnh.

Còn rất nhiều những vụ việc liên quan đến thị trường BĐS đổ vỡ, nhiều đại gia phải chịu cảnh tù tội, lao lý trong khi đó người dân thì khóc mếu, kêu trời.

 Theo Đất Việt



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.