Cảnh giác với những “bẫy” lừa cuối năm

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng những ngày cuối năm, rất nhiều hình thức lừa đảo tung ra.

 Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng những ngày cuối năm, rất nhiều hình thức lừa đảo tung ra. Vì thiếu cẩn trọng, không ít bạn trẻ rơi vào tình trạng “tiền mất, tật mang”.

Cảnh giác với những “bẫy” lừa cuối năm


Trăm thứ bẫy “giăng bủa” sinh viên

Cuối năm luôn là thời điểm để sinh viên tìm việc làm, kiếm thêm thu nhập chi tiêu cho dịp Tết nên nhiều bẫy lừa đã được “giăng” ra. Lan (trường CĐ Công nghệ Hà Nội) chưng hửng sau 4 tuần làm việc ở một quán cơm. Đây là hợp đồng thời vụ, cho dịp Tết ngắn ngày, chỉ kéo dài 1 tháng nhưng Lan đã bất cẩn chú ý tới thời hạn cụ thể.

Làm việc ở đây, chưa kể tới việc chủ quán gây khó dễ và rất mệt nhọc, tới khi nhận lương, Lan còn bị bắt nạt vì số tiền được trả không xứng đáng. Thay vì 2 triệu, Lan chỉ nhận được 1, 2 triệu đồng với những lý do: nghỉ ngang, phá hợp đồng khi chưa hết hạn (12 tháng).

Thủy (trường CĐ Công nghiệp in Hà Nội) xin việc vào quán cà phê và lâm vào tình trạng “bán sức lao động, tay trắng về không”. Với kiểu công việc mùa vụ trước Tết này, người lao động sẽ không cần phải thử việc, tuy nhiên quán cà phê yêu cầu Thủy 1 – 2 ngày quan sát.

Sau hai ngày mệt bơ phờ vì chạy đi, chạy lại, Thủy nhận thông báo cho nghỉ, từ chối nhận vào làm vì không đáp ứng được yêu cầu, đồng thời “quỵt” luôn 2 ngày công đó.

Ngoài ra, nhiều sinh viên năm nhất cũng gặp phải vấn đề khá muôn thuở: bị hấp dẫn bởi thông báo tuyển dụng dán tràn ngập trên các tuyến xe buýt với mức lương cực kỳ ưu đãi: 1 ca 2 tiếng làm việc nhận 180.000 – 200.000 đồng…

Tuy nhiên, sau khi liên hệ, Thuận (trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội) bị yêu cầu nộp trước một khoản tiền 200.000 đồng để ràng buộc công việc. Sau khi đóng đầy đủ, Thuận gọi lại xin thông tin, thời gian cụ thể đi làm thì người đó lặn mất tăm.

Bên cạnh làm thêm, điện thoại cũng chứa đựng nhiều “nguy cơ tiềm ẩn”, khiến các bạn trẻ mất tiền oan. Bình (HV Nông nghiệp Việt Nam) có thời gian tiếp xúc với điện thoại ngắn nên đã ngây thơ với việc nhận được tin nhắn mạo danh với nội dung: Số thuê bao XXX đã nhận được món quà “Trao gửi yêu thương” từ người bạn gửi tới. Hãy nhắn tin tới YYY để nhận quà tặng đó.

Nhầm tưởng bạn bè thân thiết hoặc người theo đuổi giấu tên tặng mình ca khúc qua điện thoại, Bình nhắn lại và bị trừ luôn 15.000 đồng trong tài khoản.

Bình chia sẻ: “Lúc đầu, nhắn xong, không nhận được điều như đã thông báo, mình còn tưởng tiến hành sai thao tác. Ngày xưa, mình từng nhận ca khúc qua đài FM nên khi nhận được tin nhắn này không nghi ngờ gì”.

Mặc dù đã bị phanh phui về sự thật đằng sau “ông chú Viettel”, nhiều người vẫn tin tưởng vào các chiêu khuyến mại đăng ồ ạt trên facebook. Hương (trường ĐH Hồng Đức) đã từng nhận thông tin nạp thẻ gia tăng tài khoản với giá “trên trời” từ nickname của thầy giáo cũ. Cho rằng thầy giáo uy tín, sẽ không làm chuyện lừa đảo, Hương tin theo.

Khá ngạc nhiên vì mình bị lừa mất 50.000 đồng, sau khi quan sát những tài khoản facebook khác, Hương mới biết nickname thầy giáo bị dính virut nên tự động gửi tin hàng loạt đến học sinh cũ.

“Tháng củ mật” với những đe dọa về trộm cắp luôn là nỗi ám ảnh của nhiều bạn trẻ. Vì sự bất cẩn của mình và hoành hành của “đạo chích”, chiếc xe đạp để ngay trước cửa phòng của Đức (trường Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội) chỉ sau một đêm đã “không cánh mà bay”.

Ngay trong đêm hôm đó, hai phòng trọ bên cạnh Đức cũng đã mất luôn chiếc laptop để trên bàn, cạnh cửa sổ. “Mình khóa xe cẩn thận, nhưng vì chủ quan nên không dắt vào nhà, kết quả là sáng mở cửa chẳng thấy xe đâu. Bạn mình thê thảm hơn, sau khi mất chiếc laptop phải “còng lưng” làm thêm để sắm lại đồ”, Đức cho biết.

Dịp Tết cũng là thời điểm nở rộ của những chiêu khuyến mại về đồ dùng thời trang. Với mong muốn có nhiều đồ rẻ, đẹp để diện Tết, Phương (trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ) đã chi mạnh tay vào các cửa hàng treo biển giảm giá 30 – 50%.

Hầu hết các sản phẩm treo mác giảm giá đều không cho phép thử trước khi mua, đồng thời sau khi ra về cũng “miễn” đổi trả lại nên Phương ngậm ngùi dùng làm giẻ lau 2 cái áo phai màu.

Kinh nghiệm “xương máu”

Sau khi ấm ức nhận tiền, Lan lên tiếng cảnh báo với bạn bè và rút ra được bài học. “Bị lừa nhưng mình chẳng thể làm gì được, vì “thân cô, thế cô”. Hơn nữa, cũng một phần lỗi do bản thân, vì đã thiếu cẩn thận trong việc ký kết hợp đồng. Sau dịp này, mình nghiên cứu khá kỹ lưỡng trước khi đặt bút ký, đặc biệt chú ý đến thời gian làm việc: ca (bắt đầu – kết thúc), thời hạn hợp đồng (bao nhiêu tháng)… để không còn bị kiếm cớ bắt bẻ nữa”, Lan cho biết.

Còn Thủy, sau khi nghỉ quán cà phê đó, nhiều lần đi qua, thấy treo biển tuyển nhân viên liên tục, mới vỡ lẽ họ sử dụng mánh khóe để tiết kiệm chi phí. Thủy chia sẻ: “Tìm đến những công việc sau, mình không còn hấp tấp, vội vàng nhận làm, mà cam kết rõ ràng với họ về vấn đề thử việc”.

Từ lúc mất đồ, Đức và những người bạn trong xóm trọ của mình trở nên cảnh giác hơn hẳn. Xe cộ, đồ đạc trong phòng, hay ngay cả quần áo phơi trước hiên, nồi niêu, xoong chảo cũng được các bạn cất giữ cẩn thận trước khi ngủ hoặc đi ra ngoài.

Không chỉ mua phải quần áo kém chất lượng, Phương còn phát hiện ra ý nghĩa thật sự của “giảm giá khủng”. Một số cửa hàng đội giá lên so với mức bình thường vẫn bán nên thật ra, các bộ quần áo cô bạn mua không hề được giảm.

“Hơn nữa, những trang phục được giảm nhiều thường bị trà trộn bởi hàng xấu nên hy vọng mọi người cẩn thận từng đường kim, mũi chỉ trước khi mua”, Phương nói.

Theo Dân trí


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.