Dịch vụ "người chán bán cho kẻ cần" bùng nổ trên chợ mạng

Thay vì bỏ đi hoặc đem ký gửi đồ cũ ở một số chợ, cửa hàng thì nhiều người chụp ảnh rồi đăng bán trên chợ mạng, vừa đáp nhu cầu cho người cần lại thu về một khoản không hề nhỏ.

Thay vì bỏ đi hoặc đem ký gửi đồ cũ ở một số chợ, cửa hàng thì nhiều người chụp ảnh rồi đăng bán trên chợ mạng, vừa đáp nhu cầu cho người cần lại thu về một khoản không hề nhỏ.

Vân Anh vừa tốt nghiệp trường ĐH Công Nghiệp Hà Nội. Vì phải trả phòng về quê làm việc nên cô có nhu cầu bán lại các đồ vật gia dụng trong phòng. Do nhiều đồ còn dùng được tốt, đem về nhà thì cồng kềnh, không bõ tiền gửi xe nên Vân Anh đăng ảnh lên trang cá nhân và rao bán với giá rẻ. Không ngờ, chỉ chưa đầy 2 ngày, cô đã thanh lý được hết đống đồ một cách dễ dàng.

Đồ vật bán thanh lý hết sức đa dạng, từ cốc, chậu, ghế nhựa cho đến những thứ đắt tiền tivi, tủ lạnh, bếp ga…. Giá mỗi món lại khá rẻ, chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/5 giá mua ban đầu. Vân Anh cho biết, mặc dù tiền bán thu lại chẳng được bao nhiêu, nhưng thanh lý được cho người cần vừa không lãng phí lại cảm thấy thoải mái.
 

Đồ cũ rao bán thanh lý trên mạng rất hút khách vì giá phải chăng.   
Thời gian gần đây, ngoài đăng bán trên trang cá nhân, nhiều người còn lập hẳn một nhóm (group) chuyên trao đổi, mua bán những đồ cũ trên mạng. Các thành viên tham gia có thể đăng bán hoặc trao đổi từ những vật dụng nhỏ nhất cho đến những thứ đắt tiền như điện thoại, xe máy, ô tô...

Nguyễn Ánh, admin của một nhóm chuyên bán đồ cũ cho biết, nhắm vào tâm lý người chán bán cho người cần, nên mở group để mọi người tiện trao đổi, tránh lãng phí. Hiện tại nhóm trao đổi đồ cũ do cô lập ra có đến mấy chục nghìn người tham gia. Các tin rao bán đồ cũ cập nhật liên tục theo ngày, có bài đăng bán đồ cũ được gần 5.000 lượt comment, nên nếu bài đăng bán không hấp dẫn rất nhanh bị trôi xuống. Ánh cho biết, các thành viên nhóm phần nhiều là sinh viên và những người mới đi làm. Tuy nhiên, cũng có những người làm công sở, hoặc có thu nhập cao vẫn tham gia mua bán trao đổi.

Chị Nguyễn Phương Anh, nhân viên một công ty nước ngoài sống ở Hà Đông vẫn thường xuyên lên mạng tìm mua những sản phẩm cũ. Chị cho biết, trên mạng xã hội tràn ngập những hội nhóm thanh lý đồ cũ. Có lần vô tình lướt Facebook, chị thấy một người cần bán đồ bếp cũ, đúng thời điểm chị đang cần mua. Sau khi gọi điện hỏi thông tin sản phẩm, chị mua được bộ bếp nấu khá hài lòng, giá chưa bằng 1/5 mua ở siêu thị. Chị Phương Anh đã sử dụng hơn 1 năm nhưng các đồ vật vẫn đảm bảo chất lượng, chưa hư hại gì.
 

Ô tô cũ cũng lên chợ online. 

 
Trên các chợ đồ cũ online, sản phẩm khá đa dạng, từ ti vi, tử lạnh, quần áo, đồ chơi, gấu bông, nội thất cho đến những vật dụng nhỏ nhất như rá, rổ, dao, bát đĩa… Tùy theo đồ vật và người bán mà có giá khác nhau. Có đồ giá chỉ vài nghìn lẻ những cũng có sản phẩm lên đến mấy chục triệu đồng. Chị Phương Anh vừa mua bộ sopha rất ưng với giá chỉ 5 triệu đồng, trong khi so sánh giá ở một siêu thị tại Hà Nội lên đến 35 triệu đồng.

Theo lời Bảo Anh, một thành viên tích cực trong nhóm bán hàng cũ trên mạng, cô mới biết đến dịch vụ này cách đây chưa lâu. “Trước kia, cứ mỗi lần dọn tủ quần áo mình lại đem ra gần khu vực chợ Nhà Xanh bán giá rẻ, vừa mất thời gian lại vất vả. Sau khi được một người bạn gợi ý, mình chụp hình từng sản phẩm một rồi đăng tin bán. Mỗi đồ cũ chỉ lấy giá một phần tư so với giá mua ban đầu, thậm chí có chiếc áo bán mà gần như cho không. Tuy nhiên, cũng có trường hợp mình bán được giá còn cao hơn giá mua ban đầu”, Bảo Anh kể.

Tuy vậy, vẫn có một số rắc rối xảy ra đối với những người mua bán đồ cũ. Từng một số lần mua hàng online nhưng gần đây Thủy Tiên (quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết “dị ứng” với hình thức mua bán này, đặc biệt là hàng cũ. Tiên cho rằng: “Bán đồ cũ online không thể tin tưởng được. Nhiều bạn chụp ảnh 'ảo' lắm, nhìn không thật, giá đắt chát nhưng chất lượng lại không ra gì”. Cô kể, từng một lần mua lại chiếc túi xách cũ hiệu Chanel với giá 600.000 đồng, nhưng đến khi trả tiền xong, cầm trên tay mới biết mình bị lừa. Đồ thật thì biến thành đồ giả, màu túi đã cũ mèm, thậm chí còn có một vài vết ố. Cũng từ lần đó, Tiên không thường xuyên mua đồ cũ online trên mạng.

Còn Phương Thanh, quản trị viên một trang bán đồ cũ online cho biết, ban đầu các thành viên nhóm hoạt động khá nghiêm túc. Tuy nhiên, sau khi thấy bán hàng cũ có lời nên nhiều bạn nhập cả hàng cũ về bán, thậm chí còn thổi giá cao gấp nhiều lần so với giá trị của sản phẩm, khiến nhóm bán hàng và trao đổi đồ cũ không còn đúng bản chất.

Theo Zing



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.