Hàng hóa lại tăng giá

Nhiều nhà cung cấp hàng cho các siêu thị đã gửi thông báo đòi tăng giá từ 2%-15% các mặt hàng thuộc nhóm bách hóa, lương thực, thực phẩm...

Nhiều nhà cung cấp hàng cho các siêu thị đã gửi thông báo đòi tăng giá từ 2%-15% các mặt hàng thuộc nhóm bách hóa, lương thực, thực phẩm... Hiện đã có một số siêu thị tăng giá bán từ 2%-3%.

Hiệp hội Siêu thị Hà Nội vừa gửi thông báo giá của nhà cung ứng hàng hóa đến các siêu thị. Mức tăng cụ thể của các mặt hàng được đề xuất là dầu ăn, đường, bánh kẹo từ 5%-10%; bơ, sữa đông lạnh, nước giải khát từ 10% trở lên; đồ dùng gia đình, hóa mỹ phẩm, may mặc từ 3%-5%...

 

Áp lực từ nhà cung ứng

 

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vinh Phú, cho biết sau khi gửi thông báo giá của các nhà cung ứng đến các siêu thị, đã có một số siêu thị tăng giá từ 2%-3% đối với các mặt hàng sữa, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, gia vị, bột ngọt, hàng bách hóa tổng hợp… Đây chủ yếu là hàng hóa sản xuất trong nước và một số nhóm thuộc khối liên doanh như hóa mỹ phẩm, bột giặt.

 

Nguyên nhân tăng giá do ảnh hưởng của 3 lần tăng giá xăng dầu liên tiếp trong vòng hơn 1 tháng qua. Điểm nghẽn khiến hệ thống các siêu thị tại Hà Nội còn đang cân nhắc trước quyết định tăng giá chính là nhóm hàng ngoại nhập (bao gồm bơ, sữa, phô mai và nhiều mặt hàng thực phẩm). Các mặt hàng này được đề xuất tăng giá từ 10% trở lên với lý do ngoài tác động của việc tăng giá xăng dầu còn có tác động của yếu tố tỉ giá.

 

Chi phí xăng dầu tăng đang gây áp lực lên giá hàng hóa, trong đó có giá thực phẩm.
Chi phí xăng dầu tăng đang gây áp lực lên giá hàng hóa, trong đó có giá thực phẩm.

 

Tại TP HCM, hơn 10 ngày kể từ khi xăng tăng giá thêm 460 đồng/lít, một số siêu thị trên địa bàn cho biết chưa có sự tăng giá bất thường. Tuy nhiên, một số nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm, may mặc, bánh kẹo… có đề xuất tăng giá với mức tăng trung bình từ 10% trở xuống. Cá biệt, một số mặt hàng bánh kẹo ngoại nhập do giá nhập khẩu và tỉ giá tăng nên đề nghị tăng từ 10%-20%.

 

Ông Phú cho biết với những mặt hàng được nhà cung ứng đề xuất tăng giá 10% trở lên, hiện hiệp hội đang tiếp tục đàm phán với nhà cung ứng để chốt mức tăng giá hợp lý nhất. Đối với những mặt hàng không thể không tăng giá do chịu ảnh hưởng của chi phí lớn, Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đang tìm nguồn hàng mới thay thế với mức giá người tiêu dùng có thể chấp nhận được, đồng thời để ngăn chặn tình trạng siêu thị bị nhà cung ứng gây sức ép dẫn đến để trống quầy kệ.

 

Lo hàng tồn gia tăng

 

Hiện các siêu thị tại Hà Nội đang lo lắng nếu tăng giá các mặt hàng thiết yếu chắc chắn siêu thị sẽ mất khách do phải cạnh tranh với hệ thống chợ truyền thống và các đại lý bán lẻ trong hoàn cảnh người tiêu dùng đang ngày càng thắt chặt chi tiêu do kinh tế khó khăn. Đại diện bộ phận truyền thông một siêu thị tại Hà Nội cho biết đơn vị đã nhận được nhiều đề xuất tăng giá 10%-15% từ phía nhà cung ứng do phải tăng chi phí từ các đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 6. Sau lần tăng giá xăng dầu ngày 17-7, nhiều nhà cung cấp tiếp tục đề xuất tăng giá nên việc siêu thị phải tăng giá bán là khó tránh khỏi. “Hiện chúng tôi đang kiểm tra lại xem những mặt hàng nào đã có thông báo giá mới và cân nhắc tăng giá hợp lý nhất” - đại diện siêu thị này cho biết.


Tương tự, theo một đại diện siêu thị Citimart (TP HCM), hiện đang mùa mưa, sức mua thấp nên các siêu thị theo dõi chặt diễn biến giá, kiên quyết không chấp nhận những trường hợp nhà cung cấp tăng giá kiểu “té nước theo mưa” và áp dụng nhiều biện pháp khác để giữ giá. Chẳng hạn, Maximark khống chế mức tăng giá tối đa 10%; Co.opmart, BigC thì phối hợp với nhà cung cấp chạy chương trình khuyến mãi bù đắp cho các mặt hàng buộc phải tăng giá.

 

“Sức mua thấp, tăng giá thời điểm này sẽ ảnh hưởng đến doanh thu và thị phần ngay lập tức nên mặc dù chi phí đầu vào đã tăng nhưng doanh nghiệp chưa dám đồng loạt điều chỉnh giá bán” - lãnh đạo một siêu thị tại TP HCM bộc bạch. Đại diện Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cũng lo lắng trước việc dù có tăng giá ở mức thấp cũng sẽ gặp phải phản ứng tiêu cực từ phía người tiêu dùng. Theo vị này, cần phải xem xét chi phí vận chuyển từ xăng dầu chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá thành từng mặt hàng để có mức điều chỉnh hợp lý, không thể cứ giá xăng tăng là hàng hóa phải tăng!

 

Giữ giá bằng hàng bình ổn

 

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Trưởng Phòng Quản lý Thương mại Sở Công thương TP HCM, cho biết ngay sau buổi họp với UBND TP HCM và các sở, ngành, ngày 24-7, các doanh nghiệp bình ổn giá lương thực, thực phẩm đã đồng loạt giảm giá bán để kích thích tiêu dùng. Theo đó, giá các mặt hàng đường RE/RS, trứng gà, gạo trắng thường trong chương trình bình ổn đã giảm giá từ 500-1.000 đồng. Mặt hàng thịt heo chưa giảm giá nhưng Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) đang áp dụng khuyến mãi giảm 5.000 đồng/kg đối với mặt hàng thịt đùi, vai, nạc đùi; áp dụng đến hết ngày 31/7.

 

Theo NLĐ



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.