"Loạn” bánh trung thu, người tiêu dùng dễ ăn bánh "bẩn"

Mặc dù còn khoảng một tháng nữa mới tới Tết Trung thu, nhưng thị trường các loại bánh, kẹo đã khá nhộp nhịp. Trên các đường phố chính của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện các điểm bán bánh Trung thu với các loại bánh nướng, bánh dẻo.

Mặc dù còn khoảng một tháng nữa mới tới Tết Trung thu, nhưng thị trường các loại bánh, kẹo đã khá nhộp nhịp. Trên các đường phố chính của Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã xuất hiện các điểm bán bánh Trung thu với các loại bánh nướng, bánh dẻo.

Sau hàng loạt vụ việc các cơ sở sản xuất bị phanh phui vì sử dụng thực phẩm bẩn trong thời gian qua, người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và đặt câu hỏi, liệu bánh Trung thu năm nay có đảm bảo an toàn?
 
Bát nháo thị trường bánh trung thu
 
Theo khảo sát của PV tại Hà Nội, dù chưa phải vào dịp nhưng bánh Trung thu của các hãng nổi tiếng như Kinh Đô, Hữu Nghị, Bảo Ngọc... đã được bày bán trên nhiều con phố. Với lý do nguyên liệu đầu vào tăng, giá các dịch vụ đi kèm cũng tăng so với năm ngoái, nên năm nay các hãng đều đồng loạt tăng giá từ 15 - 20%. Theo đó, dòng bánh bình dân có giá từ 40 - 50 nghìn đồng/chiếc loại 150 gram. Đối với dòng bánh cao cấp, khách hàng phải chi hàng triệu đồng mới có thể sở hữu một hộp bánh, như hộp bánh Trăng Vàng Kim Cương của Kinh Đô có giá 2,2 triệu đồng/hộp.

Chính vì dòng bánh "chính hãng" tăng giá cho nên đây cũng là cơ hội của các cơ sở sản xuất bánh thời vụ được dịp tung hàng. Các loại bánh Trung thu "bình dân" của các cơ sở này sản xuất, giá chỉ khoảng 10 - 15.000 đồng 1 chiếc, chính vì thế vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm đang là điều hết sức lo ngại, đối với cơ quan quản lý thị trường và cả người tiêu dùng.


 
Trong vai người tìm mối lấy hàng bánh Trung thu, chúng tôi đã có mặt tại một số điểm nóng về hàng giả, hàng kém chất lượng ở Hà Nội như Xuân Đỉnh (Từ Liêm) và xã La Phù (Hoài Đức). Tại La Phù, chúng tôi ghé thăm cơ sở sản xuất bánh ngọt K.P. Chủ cơ sở này cho biết, do khách hàng bán lẻ đặt nhiều nên năm nay cơ sở tập trung sản xuất bánh trung thu từ đầu tháng 7 âm lịch. Sau khi tìm hiểu, chủ cơ sở hứa hẹn sẽ bán cho chúng tôi với giá khá mềm để làm mối đi lại cho những năm sau. "Cơ sở nhà tôi là uy tín nhất ở đây và giá cũng rất mềm, bánh chúng tôi sản xuất ra bán không kịp. Bây giờ mới đầu vụ nhưng đơn đặt hàng đã khá nhiều rồi", chủ cơ sở cho biết. Theo lý giải của chị này, sở dĩ bánh của chị đắt hàng là do đảm bảo "bánh sạch", các khâu sản xuất đều được làm bằng máy, chứ không làm thủ công như những cơ sở khác. Mặt khác, cũng do các loại bánh trung thu của các hãng lớn đều rất đắt nên nhiều khách hàng quay sang mua bánh của các cơ sở nhỏ với giá mềm hơn.
 
Tại Xuân Đỉnh, chúng tôi có mặt tại cơ sở sản xuất bánh, mứt kẹo S.H ở thôn Đông. Chị N, chủ cơ sở không ngớt "PR" về chất lượng cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ sở mình. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì khâu vệ sinh ở đây rất đáng lo ngại. Hàng chục công nhân đang loay hoay thái bí, làm mứt, làm nhân nhưng đều không đeo găng tay. Trong nhà để rất nhiều thùng lớn chứa bí ngâm và bí đã xào đường, tất cả các thùng đều không có nắp đậy.
 
Chị Hoa, chủ một cửa hàng bán bánh kẹo trên phố Đào Tấn cho biết, mỗi dịp Trung thu chị thường lấy rất nhiều loại bánh của các hãng khác nhau. Tuy nhiên, năm nay theo chị Hoa thì chủng loại, số lượng, chất lượng đều "loạn cào cào" với đủ mức giá khác nhau. Từ mấy nghìn cho đến hàng trăm nghìn đồng một chiếc bánh. "Mình bán hàng nhưng cũng bị "choáng" bởi sự đa dạng của các loại bánh của các hãng, có những chủ cơ sở mang bánh đến gửi bán mà chưa từng nghe đến tên cơ sở đó bao giờ. Nói thật, bây giờ chọn được loại bánh phù hợp với túi tiền và đảm bảo chất lượng là rất khó, tôi cứ mua loại chính hãng cho con ăn, an toàn vẫn là trên hết em ạ", chị Hoa nói.
 
Khó kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hùng Long, phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân dịp Tết Trung thu, vừa qua Bộ Y tế đã thành lập 8 đoàn kiểm tra liên ngành tại 24 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các đoàn kiểm tra sẽ bao gồm đại diện của Cục, các Chi cục quản lý thị trường, PC49 - Bộ công an cùng phối hợp triển khai.
 
"Tết Trung thu là dịp người dân sử dụng thực phẩm tăng cao, đặc biệt là bánh, kẹo. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh, mứt, kẹo và các sản phẩm từ thịt. Nội dung kiểm tra sẽ liên quan đến việc công bố tiêu chuẩn sản phẩm, ghi nhãn, quảng cáo, điều kiện sản xuất, sơ chế... đồng thời nếu có dấu hiệu bất thường chúng tôi sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm" ông Long khẳng định.
 
Tuy nhiên, vị này cũng lo lắng về vấn đề kiểm soát nguyên liệu đầu vào cũng như các quy trình sản xuất của những hộ sản xuất nhỏ lẻ. Bởi vì, "Trung thu chỉ diễn ra trong vòng khoảng một tháng, nên các cơ sở sẽ tập trung sản xuất thời vụ, và nảy sinh những điểm sản xuất tự phát, chộp giật trong thời gian ngắn. Có những cơ sở bình thường thì đóng cửa, nhưng gần đến Trung thu lại hoạt động sôi nổi, làm ngày làm đêm để tuồn bánh ra thị trường. Cho nên vấn đề kiểm soát chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, dù thế chúng tôi vẫn sẽ kiên quyết xử phạt nghiêm minh những cơ sở sản xuất không đảm bảo vệ sinh", ông Long nhấn mạnh.
 
Cùng quan điểm với ông Long, ông Nguyễn Việt Cường, chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội khẳng định: Sở đã lập nhiều đoàn kiểm tra phối hợp với các cơ quan khác tiến hành thanh, kiểm tra trên địa bàn 29 quận, huyện, thị xã của thành phố. Ông Cường cũng đồng ý quan điểm các cơ sở sản xuất bánh trung thu chủ yếu mang tính thời vụ, chạy theo thị trường, theo lợi nhuận mà chưa chú trọng đến an toàn vệ sinh thực phẩm. "Giữa tháng 7 vừa rồi, Sở Y tế Hà Nội đã họp giao ban với các phòng y tế của 29 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Yêu cầu các phòng của huyện tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu, kiểm soát nguyên liệu đầu vào, yêu cầu công nhân làm việc tại các cơ sở đó phải đi khám sức khỏe. Các đoàn kiểm tra của chúng tôi sẽ thắt chặt kiểm soát chất lượng đầu vào, cơ sở nào chưa đáp ứng yêu cầu chúng tôi kiên quyết không cấp phép chứng nhận". Ông Cường cho biết.
 
Theo Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nôi, cơ quan này sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng giao cho các xã, phường trên địa bàn tích cực kiểm tra các điểm bán bánh trung thu, bắt buộc sản phẩm các điểm này phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ.
 
Ngoài ra, lực lượng thanh tra của Sở sẽ phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, công an tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, một số vấn đề lưu thông. Quá trình thanh tra của Sở Y tế Hà Nội sẽ chia thành hai đợt. Đợt 1 thường trước Tết Trung thu một tháng, lúc này sẽ kiểm tra xem các cơ sở sản xuất có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm không. Nếu cơ sở nào không đảm bảo thì sẽ cho dừng lại, kiên quyết dẹp ngay. Đợt 2 sẽ vào dịp cuối vụ để đánh giá quá trình hoạt động ra sao, số lượng bánh thừa các cơ sở xử lý như thế nào, liệu có phải "găm hàng" để năm sau bán tiếp hay không.
 
Đặt vấn đề bánh trung thu kém chất lượng xuất hiện trên thị trường những năm qua, chúng tôi trao đổi với ông Vương Ngọc Tuấn, phó tổng thư ký Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thời gian qua chưa có trường hợp ngộ độc sau khi ăn bánh trung thu. Tuy nhiên, việc bánh trung thu bị mốc, bị ôi thiu, thối trước thời hạn là có, và Hội cũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ, giải quyết dứt điểm.
 
"Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng đến giờ vẫn chưa nhận được bất cứ những đơn thư, hay hồ sơ nào phản ánh đến tình trạng kém chất lượng liên quan đến quá trình sản xuất bánh trung thu năm nay. Tuy nhiên người tiêu dùng nên chọn những thương hiệu lớn có uy tín để mua", ông Tuấn khuyến cáo.
 
Sẽ tăng cường kiểm soát ở “điểm nóng”
 
Liên quan đến vấn đề kiểm tra xử lý các cơ sở vi phạm, ông Nguyễn Đức Cường (đội trưởng đội Quản lý thị trường số 6 - huyện Từ Liêm) cho biết, cơ quan này bắt buộc các cơ sở sản xuất cam kết thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. "Chúng tôi sẽ thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra đột xuất, nếu phát hiện cơ sở nào sản xuất vi phạm chúng tôi sẽ đình chỉ ngay", ông Cường khẳng định.

Tuy nhiên, ông Cường cũng cho biết thêm nhiều thương hiệu sản xuất bánh kẹo lớn của Việt Nam cũng đến đặt hàng để sản xuất trực tiếp tại làng nghề Xuân Đỉnh, do vậy công tác kiểm soát cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Cường cũng thừa nhận Xuân Đỉnh là một trong những điểm nóng về vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

 Theo Người Đưa Tin



Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.