Lũng đoạn thị trường đường

Việc giao dịch qua doanh nghiệp trung gian đang dẫn đến tình trạng “găm” đường chờ giá.

Việc giao dịch qua doanh nghiệp trung gian đang dẫn đến tình trạng “găm” đường chờ giá.

"Có hiện tượng gom đường trữ trong nước, chờ giá lên cao thì bán. Để làm được điều này, hoặc nhà sản xuất và doanh nghiệp (DN) trung gian (thương lái) "bắt tay" trữ hàng hoặc DN trung gian gom, găm hàng đầu cơ thu lợi". Đó là bức xúc của bà Nguyễn Thúy Phượng, Giám đốc tài chính Công ty Nước giải khát Chương Dương, tại hội nghị "Hợp tác sản xuất, tiêu thụ đường niên vụ 2012-2013" do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) tổ chức (TP.HCM, ngày 10-10).

Trung gian găm hàng đầu cơ

Có một nghịch lý: Nhà sản xuất kêu thừa đường bán, còn DN chế biến thực phẩm, nước giải khát - vốn rất cần đường lại kêu mua đường không ra. Tại sao?

Ông Trương Phú Chiến, Tổng Giám đốc Công ty Bánh kẹo Biên Hòa (Bibica), đặt vấn đề: "Khi Bibica đặt mua hàng từ nhà sản xuất thì thường xuyên được báo "hết hàng", vậy lượng đường trong nước vốn được thống kê là dư thừa mấy trăm ngàn tấn đang nằm ở đâu? Trong khi đó, giá cả lại khá bấp bênh, lúc thì luôn nói có kế hoạch sản xuất, cung ứng đầy đủ nhưng cứ cuối vụ, giáp vụ lại báo hết hàng. Ai mà chịu nổi?".

"Câu hỏi của anh Chiến để tôi trả lời cho. Đường nằm ở kho DN trung gian chứ đâu. Nhà sản xuất báo hết hàng thì DN chế biến thực phẩm, nước giải khát như chúng ta phải mua từ DN trung gian với giá cao nhưng không được phàn nàn. Bởi khi ấy chúng ta cần họ mà!" - đại diện một DN tại TP.HCM bồi thêm.

Bà Nguyễn Thúy Phượng chia sẻ: "Đã hai năm nay dù được cấp quota nhập khẩu đường, chúng tôi cũng chỉ mua đường trong nước, mà nói thật giá đường nhập rẻ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi ít khi hoặc không hề mua được đường từ chính nhà sản xuất. Nhà sản xuất lúc báo hết hàng, lúc đưa ra giá còn cao hơn giá của DN trung gian. Không hiểu nổi! Các anh công bố là 17.000 đồng/kg nhưng chúng tôi luôn phải mua 18.000-19.000 đồng/kg".

Lượng đường tồn rất lớn nhưng DN chế biến thực phẩm, giải khát thường nhận được câu trả lời "hết hàng". Ảnh minh họa:

Đại diện Công ty Tân Hiệp Phát bổ sung: "Đã vậy chất lượng đường trong nước khi đạt, khi không nên chúng tôi không yên tâm chút nào".

Những phản ánh, bức xúc của các DN tiếp tục được đẩy lên cao, đến quá giờ nghỉ trưa vẫn chưa kết thúc. Nhiều DN chế biến thực phẩm có tên tuổi khác như Coca-Cola Việt Nam, Nestlé, Kinh Đô... đồng thanh mô tả việc mình phải "đi kiếm nguồn mua đường như đi chợ, hết phải hỏi nhà sản xuất này lại chạy sang hỏi nhà sản xuất kia".

Có bắt tay ngầm?

Một số DN chế biến bánh kẹo, nước giải khát thẳng thắn chỉ rõ rằng chính nhà sản xuất đã "bắt tay ngầm" với DN trung gian để thực hiện mục đích "găm" đường chờ giá cao hoặc canh thời điểm DN tiêu thụ cần thì buộc họ phải mua giá cao.

Ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng Giám đốc Công ty Đường Bourbon Tây Ninh, phân trần: Không hề có chuyện trữ hàng chờ giá vì nhà sản xuất không đủ vốn để trang trải chi phí bảo quản, xây kho, trả tiền mua mía nguyên liệu, nhân công. Hơn nữa, găm hàng là phạm luật. "Chúng tôi không thể trữ hàng bán nhỏ giọt từng đợt vài ngàn hay vài trăm tấn cho DN chế biến được. Nếu ai cần mua đường, chúng tôi bán ngay. Khách hàng đó có thể là DN chế biến, có thể là DN trung gian, ai mua cũng bán hết" - ông Chủ nói.

Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch VSSA, lại cho rằng không có chuyện DN trung gian găm hàng, lý do cũng là họ không đủ vốn để xây kho trữ đường được, nhà sản xuất vẫn đủ đường cung ứng cho nhu cầu trong nước.

Vậy nhưng khi có một DN đặt câu hỏi: "Nếu bảo trung gian không găm, nghĩa là đường còn ở chỗ nhà sản xuất. Vậy tại sao chúng tôi hỏi mua lại kêu hết hàng hoài vậy?" thì ông Liêm cho rằng có thể đường đã được bán hết cho những khách hàng khác. "Chúng tôi sẽ kiểm tra các DN trung gian về việc có đầu cơ hay không. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiến nghị Chính phủ hạn chế cấp quota nhập khẩu đường, khuyến khích DN dùng đường trong nước và thống nhất một mức giá ổn định trong từng thời điểm, cố gắng có mức giá ổn định từng tháng, từng quý" - ông Liêm cam kết.

Thừa 200.000 tấn đường

Niên vụ 2012-2013 nhu cầu tiêu thụ đường trong nước chỉ ở mức 1,35-1,4 triệu tấn, trong khi khả năng cung ứng đường của các nhà sản xuất trong nước 1,5-1,6 triệu tấn. Dự kiến nguồn cung trong nước thừa 200.000 tấn, nếu Nhà nước tiếp tục cho DN nhập đường về thì lượng đường dư thừa còn tăng lên.


Ông TRỊNH MINH CHÂU,
Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam

Theo PL TP.HCM


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.