Mặc dịch tả lợn châu Phi, thứ lợn này ở Tam Đảo vẫn vô sự, đắt hàng

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã gây chết, tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn, khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp phải “điêu đứng”

Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi đã gây chết, tiêu hủy hàng trăm nghìn con lợn, khiến nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp phải “điêu đứng”. Thế nhưng, với quy trình chăn thả tự nhiên, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi lợn rừng trên địa bàn huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đứng vững, với giá bán ổn định và thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Khác với chăn nuôi công nghiệp, chăn thả tự nhiên là việc tập trung làm thỏa mãn các nhu cầu của vật nuôi, tận dụng thức ăn từ tự nhiên; phụ phẩm nông nghiệp, không buộc cố định hay nuôi nhốt mà thả hoang dã.

Đặc biệt, đối với lợn rừng là loài động vật rất thích nghi với chăn thả tự nhiên; ăn tạp (đến 80% khẩu phần ăn là rau, củ, quả, cỏ), còn 20% là thức ăn tinh như cám ngô, cám gạo; vì vậy sức đề kháng cao, ít dịch bệnh; thịt thơm, ngon, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Mặc dịch tả lợn châu Phi, thứ lợn này ở Tam Đảo vẫn vô sự, đắt hàng-1

Nuôi lợn rừng theo hướng chăn thả tự nhiên, trung bình 1 năm, gia đình ông Trần Văn Trường, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo) thu lãi vài trăm triệu đồng.

Cách trung tâm xã Đạo Trù khoảng 30 phút đi ô tô, rồi đi bộ, lội suối vài phút là tới trang trại chăn nuôi lợn rừng của gia đình ông Trần Văn Trường, xã Đạo Trù (Tam Đảo).

Vừa đưa ra một tín hiệu âm thanh quen thuộc, vừa vứt nắm rau chuối đã thái nhỏ để “rủ” đàn lợn rừng từ trên núi về, ông Trường kể: "Khoảng cuối năm 2018, đầu năm 2019, trong khi nhiều hộ chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp trên địa bàn lao đao vì ảnh hưởng của “cơn bão” giá lợn và dịch bệnh thì chúng tôi vẫn thu về 1 tỷ đồng tiền bán lợn rừng để đầu tư xây dựng khu kinh doanh dịch vụ trên mảnh đất của gia đình".

Mấy năm trước, lúc nào trong trại cũng duy trì khoảng 200 con lợn rừng; nhưng thời gian vừa qua, do trên địa bàn có dịch tả lợn châu Phi nên gia đình cũng hạn chế lợn sinh sản. Hiện nay, tổng số đầu lợn đang nuôi tại trang trại của gia đình ông Trường khoảng 100 con.

Để phòng tránh dịch bệnh, gia đình ông Trường thường xuyên phun khử trùng tiêu độc, hạn chế người lạ vào quanh khu vực nuôi và tiêm phòng các loại vacxin định kỳ. Thông thường, gia đình ông chỉ gọi lợn về và cho ăn 1- 2 bữa/ngày, gồm rau chuối, cám ngô và cám gạo trộn lẫn, còn thức ăn chủ yếu là cây, lá rừng nên thịt lợn rất thơm ngon.

Lợn chủ yếu là xuất bán cho khách hàng quen, tự tìm đến mua qua bạn bè giới thiệu. Trung bình 1 năm, gia đình ông Trường thu lãi vài trăm triệu đồng từ nuôi lợn rừng. Dự kiến năm 2020, gia đình ông sẽ nhân rộng số lợn tăng gấp đôi hiện nay nhằm đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của thị trường.

Theo số liệu thống kê, đến nay, dịch Tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.125 hộ, ở 802 thôn thuộc 129 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố với tổng số lợn ốm, chết bị tiêu hủy lên tới hàng trăm nghìn con. Thế nhưng, cuối tháng 9/2019, đến thăm gia đình ông Nguyễn Đình Long, xã Vân Trục (Lập Thach), chúng tôi vẫn thấy đàn lợn rừng của gia đình đang “tung tăng” chạy nhảy trên đồi.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Long cho biết: "Thời gian qua, dù rất nhiều gia đình phải hủy lợn chăn nuôi theo hướng công nghiệp do ảnh hưởng của dịch Tả lợn châu Phi, nhưng gia đình tôi chăn nuôi lợn rừng chăn thả tự nhiên vẫn không bị ảnh hưởng gì. Năm 2008, được hỗ trợ 1 cặp lợn rừng để nuôi thử nghiệm kết hợp trồng cây thanh long ruột đỏ, tôi thấy rất phù hợp và hiệu quả vì nuôi thả tự do trên vùng đất đồi và ăn những quả, cành lá thừa từ cây thanh long.

Từ 1 cặp lợn rừng ban đầu, đến nay, gia đình tôi đã nhận rộng lên 50 lợn thịt, 20 lợn con và 7 lợn bố mẹ. Thông thường, lợn mới đẻ nuôi trong chuồng khoảng 10 kg sẽ bắt ra ngoài nuôi hoang dã. Do sớm phải thích nghi với môi trường tự nhiên, tự vận động đi kiếm ăn nên sức đề kháng của lợn rừng cao, hầu như không mắc dịch bệnh, khiến việc chăm sóc không mấy bận rộn, vốn đầu tư ít. Với phương pháp chăn thả tự nhiên, trong thời gian khoảng 1 năm (từ lúc nhỏ đến khi xuất bán), lợn rừng có trọng lượng từ 40-50 kg/con; trung bình 1 năm gia đình tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng".

Theo Báo Vĩnh Phúc


lợn rừng

chăn nuôi lợn


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.